Hôm nay (14-11), khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo Phòng ngừa, xử lý các tội phạm về ma túy.
Tội phạm về ma túy có xu hướng tăng
"Tội phạm về ma túy là tội phạm của các tội phạm, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội, trong khi đó việc phòng, chống loại tội phạm này rất phức tạp, gặp nhiều khó khăn và thách thức" - PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy (Phó Trưởng khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu khai mạc hội thảo.
PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy (Phó Trưởng khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: YC
Theo số liệu thống kê cho thấy chỉ với 13 điều luật về các tội phạm ma túy trong tổng số 314 điều luật của BLHS năm 2015 quy định các tội phạm cụ thể (4,1%), nhưng số vụ phạm tội về ma túy đã bị xét xử chiếm tỉ trọng khá cao (năm 2023 chiếm khoảng 33,8% tổng số vụ án đưa ra xét xử). Thực trạng này chứng tỏ các chính sách, biện pháp, công cụ phòng ngừa, xử lý tội phạm về ma túy của nước ta trong thời gian vừa qua chưa thật sự có hiệu quả.
Theo PGS-TS Duy, dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng chính sách hình sự và một số quy định của BLHS năm 2015 về các tội phạm ma túy vẫn còn những hạn chế nhất định... Vì vậy, khoa Luật Hình sự tổ chức hội thảo này nhằm mục đích tạo một diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cán bộ làm công tác thực tiễn trình bày, trao đổi, thảo luận và chia sẻ kiến thức về lĩnh vực này.
Tại hội thảo, thay mặt nhóm tác giả trình bày về tình hình tội phạm ma túy ở Việt Nam, ThS Lê Thị Anh Nga (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng tình hình tội phạm về ma túy có xu hướng đe dọa sự an toàn của xã hội. Đặc biệt nguy hiểm thể hiện qua mức độ ẩn cũng như khả năng khó bị phát hiện của hành vi phạm tội thông qua phương thức thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội, quy mô của mỗi vụ án và địa bàn hoạt động của tội phạm.
Tội phạm về ma túy có độ ẩn cao do khả năng khó bị phát hiện của nó cũng như chủ ý che đậy hành vi phạm tội cực kỳ tinh vi từ các băng nhóm phạm tội. Có thể kể đến một số biểu hiện như chất ma túy được sản xuất đa dạng các sản phẩm, nhắm đến lôi kéo giới trẻ, liên tục cho ra đời những loại ma túy mới với tính chất nguy hiểm cao.
ThS Lê Thị Anh Nga (Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày tại hội thảo. Ảnh: UL
Bà Nga cho rằng ma túy thường biết đến với những tên gọi và hình thức truyền thống như: thuốc phiện, cần sa, cocaine, heroin, morphin. Cùng với sự phát triển của loại hình tội phạm này, các sản phẩm ma túy được nhập vào Việt Nam cũng đa dạng hơn. Gần đây xuất hiện nhiều loại ma túy mới thu hút giới trẻ như cỏ mỹ, nấm ảo giác, bùa lưỡi… Sản phẩm chứa ma túy đa dạng và thu hút giới trẻ như “bóng cười", "nước vui”, bánh cần, bánh lười "lazy cakes" chứa tinh dầu cần sa, thuốc lá điện tử, thuốc là gói “Tabaco", thuốc lá điều tẩm dung dịch chứa chất ma túy.
Sự nguy hiểm không chỉ dừng lại ở đó, ma túy được trộn trong trà sữa, đồ ăn, thức uống, thuốc lá điện tử để bán cho học sinh.
Theo thống kê của Bộ Công an vào tháng 6-2022, 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15-25 tuổi, trong đó nhiều người đang là học sinh, sinh viên.
Người nghiện ma túy đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa…
Về các gợi ý phòng ngừa, bà Nga lưu ý là tội phạm về ma túy gắn liền với các tổ chức xuyên biên giới với quy mô lớn và được đầu tư bài bản, có kinh nghiệm và mối quan hệ xã hội sâu rộng để đảm bảo mạng lưới hoạt động của chúng. Do đó, phòng ngừa tội phạm này không thể tách rời với hoạt động của các tổ chức phòng, chống tội phạm về ma túy quốc tế và các quốc gia láng giềng.
Mặt khác, cần có chính sách cai nghiện hiệu quả, phòng ngừa nhắm đến các đối tượng mà tội phạm hướng tới, có chính sách quan tâm giáo dục rộng rãi trong cộng đồng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội...
Dưới góc độ thực tế, ông Lê Đức Túy (Phó Trưởng Công an quận 4) chia sẻ rằng người nghiện rất khó cai, hầu như 99,99% là tái nghiện. Thực tế còn cho thấy đối tượng nghiện không chừa một ai, thậm chí có cả công an, thầy cô...
Nói về các nguyên nhân phát sinh người nghiện, theo ông Túy có rất nhiều nguyên nhân như trước đây phải có tiền mới mua được ma túy nhưng giờ các đối tượng bán ma túy không cần đưa tiền trước. Cũng có những trường hợp do thích khám phá cái lạ, hoàn cảnh gia đình...
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Trưởng khoa Luật Hình sự) (phải) và TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (Trưởng Bộ môn Tội phạm học, khoa Luật Hình sự) chủ tọa hội thảo. Ảnh: YC
Nhiều vướng mắc khi xử lý tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Minh Trâm (Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày về những bất cập của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo BLHS 2015.
Theo TS Trâm, đối với hướng dẫn về hành vi đồng phạm của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy giữa Thông tư liên tịch 17/2007 (hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII Các tội phạm về ma túy của BLHS năm 1999) và Công văn 89 ngày 30-6-2020 của TAND Tối cao (về giải đáp nghiệp vụ) có sự mâu thuẫn nhau.
Theo Thông tư liên tịch 17/2007, các dạng hành vi cung cấp ma túy, cung cấp dụng cụ sử dụng ma túy, cung cấp địa điểm... là hành vi đồng phạm của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nếu hành vi này được thực hiện dưới sự chỉ huy, phân công, điều hành từ người khác. Trong khi đó, Công văn 89 thì quy định chỉ cần có hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người; cung cấp phương tiện, dụng cụ sử dụng; cung cấp ma túy; địa điểm... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy đều bị xem là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mà không cần chứng minh thêm các hành vi này có được thực hiện dưới sự chỉ huy, phân công, điều hành từ người khác hay không.
Cạnh đó, việc quá mở rộng phạm vi của Công văn 89 đã vô tình dẫn đến sự chồng lấn, mâu thuẫn với nội dung của Thông tư 17. Cụ thể, theo hướng dẫn tại Công văn 89 thì tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là thực hiện một trong các hành vi sau "cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ”. Với việc quy định này thì tất cả các trường hợp có hành vi “cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ sử dụng ma túy” đều bị xử lý về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Và nếu quy định như nội dung này thì vô hình chung hành vi khách quan của tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255 BLHS) đã bao gồm luôn hành vi khách quan của tội chứa chấp người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256 BLHS) và tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258 BLHS). Chính vì vậy, trong thực tiễn xét xử đang có nhiều ý kiến trái chiều và áp dụng không thống nhất xung quanh việc định tội của 3 tội danh này.
Người nghiện ma túy cung cấp chất ma túy cho người nghiện ma túy khác sử dụng, tội gì?
Hành vi của người nghiện ma túy cung cấp chất ma túy cho người nghiện ma túy khác để cùng nhau sử dụng ma túy thì có bị xem phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không?
Theo hướng dẫn tại mục 6.2 Thông tư 17 thì người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy….
Tuy nhiên, tại Công văn số 5442 ngày 30-11-2020 của VKSND Tối cao (giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS…) và Công văn số 02 ngày 2-8-2021 của TAND Tối cao (hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc trong xét xử vụ án hình sự) thì hành vi của người nghiện ma túy cung cấp chất ma túy cho người nghiện ma túy khác để cùng nhau sử dụng ma túy thì không quan tâm đến tình trạng của người này có nghiện ma túy hay không và vẫn bị xem là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó thực tiễn áp dụng nội dung này còn chưa thống nhất.
(TS Nguyễn Thị Minh Trâm, Trường ĐH Luật TP.HCM)
YẾN CHÂU