Tổng thống Donald Trump chỉ qua một tháng quay lại Nhà Trắng đã khiến mọi hy vọng về sự hỗ trợ của Mỹ trong tương lai rơi vào hỗn loạn. Tuần trước ông gọi Tổng thống Volodymyr Zelensky là “nhà độc tài”, đồng thời cáo buộc chính Ukraine phát động cuộc chiến. Vậy là hiện tại Ukraine vừa phải chiến đấu chống lại Nga vừa phải cố gắng thuyết phục Mỹ tiếp tục hỗ trợ.
Con số thương vong trong 3 năm
Tổ chức phi lợi nhuận ACLED ước tính cuộc chiến kéo dài 3 năm khiến khoảng 153.00 người thương vong (cả Ukraine lẫn Nga). Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OCHR) đưa ra con số dân thường thiệt mạng là khoảng 12.654, trong đó, ít nhất 669 trẻ em. Năm qua, số nạn nhân tăng thêm khoảng 30% do hoạt động không kích bằng máy không người lái gia tăng.
Đầu tháng qua, Ukraine tự đưa ra con số binh lính thương vong ước tính của mình: 45.000 người tử trận, 380.000 người bị thương và hàng chục nghìn người mất tích lúc chiến đấu.
Nga không công khai thông tin thương vong. Đài BBC cùng hãng Mediazona hợp tác thống kê được tính đến tháng 1.2025, hơn 90.000 binh lính Nga đã tử trận. Quân đội Ukraine đưa ra con số lên đến khoảng 854.000.
Hai bên tham chiến đều chịu thương vong lớn - Ảnh: Reuters
Khủng hoảng tị nạn
Trong thời gian đầu cuộc chiến nổ ra, hàng triệu người rời khỏi Ukraine chạy sang Ba Lan, Romania, Moldova và xa hơn nữa. Sau 3 năm vẫn còn không ít trường hợp xa quê hương.
Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), toàn cầu hiện có hơn 6.906.000 người tị nạn. Đại diện UNHCR Elisabeth Haslund cho biết: “Sau 3 năm chiến tranh toàn diện và 11 năm xung đột nổ ra ở phía đông, tình hình nhân đạo tại Ukraine đang rất tồi tệ. Hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa cũng như cần được hỗ trợ nhân đạo”.
Phần lớn người Ukraine tị nạn hiện sinh sống ở châu Âu, đông nhất là Đức (1,2 triệu người), Ba Lan (1 triệu người), Cộng hòa Czech (390.000 người), Anh (254.000 ngu72i).
52% người Ukraine tị nạn về nước ít nhất một lần trong 3 năm qua, có thể để thăm gia đình, thu nhặt đồ đạc hay ở lại mãi mãi. Tuy nhiên đa số chỉ lưu lại quê hương vài tuần, số trường hợp không muốn ra nước ngoài nữa giảm từ 19% (năm 2023) xuống còn 7% (năm 2024).
UNHCR xác định còn 4 triệu người khác không rời bỏ đất nước nhưng phải sơ tán đi nơi khác.
Gánh nặng tài chính
Trong một cuộc họp báo tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết tính đến nay cuộc chiến đã khiến Ukraine thiệt hại 320 tỉ USD. Lầu Năm Góc ước tính phía Nga thiệt hại 211 tỉ USD.
Theo ACLED, Ukraine chịu thiệt hại về nhà cửa, trường học, cơ sở y tế lẫn hạ tầng năng lượng.
Nhiều nơi bị tàn phá nặng nề - Ảnh: CNN
Ngân hàng Thế giới (WB) xác định GDP Ukraine năm 2021 vào khoảng 199,8 tỉ USD. Sang năm 2022 giảm 30%, đến năm 2024 thì chỉ còn bằng 78% mức trước chiến tranh, theo Trung tâm Chiến lược kinh tế Ukraine (CES). Lạm phát tiếp tục tăng với hầu hết mặt hàng.
Trong khi đó GDP Nga năm 2023 tăng 3,6%, ước đạt 2.000 tỉ USD. Mức tăng năm 2024 vào khoảng 4%. Moscow chủ yếu phụ thuộc xuất khẩu dầu khí bất chấp trừng phạt từ phương Tây. Lạm phát hiện vẫn cao đến 9,9% với lãi suất cơ bản 21%.
Chi tiêu quốc phòng chiếm đến 40% chi tiêu công của Nga và tương đương 8% GDP, theo Trung tâm Carnegie. Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu xác định trong năm ngoái Nga đã chi khoảng 140,5 tỉ USD cho quốc phòng.
Tình trạng lãnh thổ
Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) xác định tính đến ngày 19.2, Nga đang chiếm đóng khoảng 111.339km2 lãnh thổ Ukraine. Phía Ukraine giải phóng được khoảng 71.938km2 lãnh thổ.
Giao tranh dọc chiến tuyến hơn 1.000km vẫn diễn ra hằng ngày. Thời gian gần đây xung đột tập trung ở phía đông. Tính riêng năm 2024, Nga đã giành được hàng nghìn kilomet lãnh thổ của vùng Donetsk. Cách đó hơn 300km về phía bắc, quân đội Ukraine đang chiếm đóng một phần lãnh thổ của vùng biên giới Kursk dùng làm “quân bài” đàm phán”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio từng nhấn mạnh cả hai đều phải nhượng bộ về lãnh thổ nếu muốn đạt thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Tổng thống Zelensky để ngỏ khả năng lấy phần lãnh thổ chiếm đóng tại Kursk đổi lấy phần lãnh thổ Ukraine hiện bị Nga kiểm soát.
Vai trò của máy bay không người lái (UAV)
ACLED thống kê được trong 3 năm qua đã có 25.600 đợt không kích bằng UAV, 80.500 đợt tấn công bằng pháo binh hoặc tên lửa, 36.100 đợt giao tranh. Ít nhất 95% đợt không kích bằng UAV do Nga thực hiện.
1.150 xung đột quân sự xảy ra từ ngày 8.2 - 14.2, trong đó 2/3 là tấn công từ xa (bằng pháo binh hoặc UAV). Giao tranh trực diện nhiều nhất ở Donetsk, Luhansk và Kharkiv.
Theo UNHCR, Ukraine mất đến 65% công suất phát hiện do hạ tầng năng lượng bị nhắm đến. Tuần trước chứng kiến cơ sở khí đốt ở Kharkiv hứng chịu tấn công.
Quân số và vấn đề tuyển quân
Tổng thống Zelensky ngày 15.1 cho biết Ukraine hiện có khoảng 880.000 quân. Về phía Nga, lệnh tăng quân số vào tháng 9 năm ngoái đẩy quân số nước này lên 1,5 triệu. Ước tính 600.000 quân Nga hiện diện tại Ukraine. Đặc biệt, Nga còn tiếp nhận hơn 10.000 lính CHDCND Triều Tiên sang hỗ trợ. Viện Carnegie xác định riêng chi phí tuyển mộ đã khiến Điện Kremlin phải chi 16 - 23 tỉ USD.
Ukraine tăng quân số bằng cách giảm độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 kể từ tháng 4 năm ngoái. Giờ đây họ muốn tuyển mộ cả công dân 18 - 25 tuổi (vốn được miễn nghĩa vụ quân sự) bằng ưu đãi tài chính hấp dẫn. Thậm chí Kyiv còn trao cơ hội được ân xá nếu tù nhân phục vụ quân ngũ.
Trừng phạt và viện trợ
Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước phương Tây khác áp đặt vô số trừng phạt với Nga vì cuộc chiến. Chỉ tính riêng tại Anh đã có 1.733 cá nhân cùng 382 thực thể phải chịu trừng phạt.
Về phía Ukraine, trong 3 năm qua họ nhận viện trợ từ ít nhất 42 quốc gia với tổng giá trị 267 tỉ euro. Phần lớn là viện trợ quân sự dưới hình thức vũ khí, trang thiết bị, huấn luyện quân sự.
Viện trợ quân sự từ châu Âu, khoảng 62 tỉ euro, ngang bằng viện trợ Mỹ là 64 tỉ euro. Nhưng so về viện trợ tài chính và nhân đạo thì châu Âu nhỉnh hơn: 70 tỉ euro so với 50 tỉ euro.
Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IFW) chỉ ra cam kết viện trợ không tương đương với giá trị thực tế. Tổng thống Zelensky tháng trước cho biết Ukraine chưa nhận được một nửa trong số 177 tỉ USD mà Mỹ cam kết. Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ viện trợ đến 350 tỉ USD, nhưng cả nhà lãnh đạo Ukraine lẫn một số thống kê độc lập đều bác bỏ.
Cẩm Bình