Những thành tựu của 50 năm
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong 50 năm qua, những bước ngoặt lịch sử của đất nước đã tác động mạnh vào sự phát triển của văn học Việt Nam. Bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975. Đó là giai đoạn văn học được viết trong thời bình, viết bởi các nhà văn Việt Nam trên một mảnh đất từng bị chia cắt.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các tác giả vẫn tiếp tục viết về chiến tranh nhưng trong một cách tiếp cận mới và một bút pháp mới, bởi vậy đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại một cái nhìn đa chiều về chiến tranh nhưng vẫn tập trung vào sự hy sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước. Bên cạnh các nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng viết bằng một cái nhìn trung thực với lịch sử và cảm xúc.
Một số gương mặt tiêu biểu đại diện thế hệ nhà văn sau 1975 đến nay.
Bước ngoặt thứ hai là công cuộc Đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, về đối tượng, về bút pháp và tư tưởng.
Bước ngoặt thứ ba là khi đời sống chính trị của Việt Nam hòa nhập vào đời sống chính trị chung của thế giới. Văn học Việt Nam đã có những bước đi chung trong dòng chảy của thế giới và cũng từ đó, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã xuất hiện.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định nền văn học trong 50 năm qua "không nhỏ bé như chúng ta hình dung, nhưng cũng không vĩ đại quá như chúng ta tưởng tượng."
Cùng đồng quan điểm về vấn đề này, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, nhìn lại văn học từ 1975 đến nay, chúng ta không thể không tự hào vì những gì nó đã có trong 50 năm đầy biến chuyển vừa qua. Theo ông, sau khi Đảng khởi xướng Đổi mới, văn học ráo riết biến chuyển theo "thân nhiệt xã hội". "Nó có những thay đổi, thậm chí là những rạn nứt về quan niệm, nhận thức phía bên kia trong mỗi cá thể sáng tạo. Văn học bắt đầu chia tách theo từng mảng khá tương ứng với hiện thực đời sống, ở đó dấu ấn của những cách tân, tìm tòi trong hình thức thể hiện là không thể phủ định.
Có thể nói rằng văn học chúng ta đã đi qua những trạng huống, những hình thái tâm lý cộng đồng đầy phức tạp. Với thiên lương của mình, văn học nửa thế kỷ sau thống nhất đất nước vừa cần mẫn "vá" lại những vết thương, những rách nát của con người, vừa dìu con người tiến về phía trước trong ánh sáng của tinh thần lạc quan".
Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng trăn trở: "Nhìn lại văn học từ 1975 đến nay, chúng ta không thể không tự hào vì những gì nó đã có trong 50 năm đầy biến chuyển vừa qua. Và chúng ta cũng không thể không băn khoăn, từ hôm nay, văn học chúng ta sẽ đi tiếp tới đâu, cần phải đi tiếp tới đâu, cách đi ra sao để chứng tỏ nội lực văn hóa truyền thống và sức vóc của dân tộc trong thời đại mới".
Tiến sĩ Đoàn Ánh Dương đã dẫn lời của nhà phê bình Chu Văn Sơn trong tiểu luận "Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?" rằng: "Thế hệ nhà văn sau 1975 là một lực lượng đông đảo và hùng hậu, không phải chặng nào cũng có được. Và bằng những thành tựu phong phú của mình, thế hệ nhà văn sau 1975 đã kiến tạo nên một hệ giá trị mới, đưa lịch sử văn học Việt Nam sang một chương/ trang mới".
Hiếm/ thiếu những đỉnh cao?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, văn học Việt Nam sau 1975 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Ông nhấn mạnh: "Cao trào đổi mới văn học diễn ra giữa thập niên 80 và tiếp tục được mở rộng về sau đã chứng kiến sự xuất hiện một đội ngũ cầm bút tài năng. Về văn xuôi là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương.. Về thơ ca có Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái, Inrasara… Về kịch là Lưu Quang Vũ, Xuân Trình…". Ông cũng đặt câu hỏi, phải chăng văn học Việt Nam đã xuất hiện những đỉnh cao nghệ thuật (dù hiếm hoi) nhưng chúng ta chưa nhận thấy hết giá trị đích thực và tầm vóc mĩ học toát ra từ những tác phẩm này?
Tuy nhiên, theo ông đời sống văn học Việt Nam từ 1975 vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì sao đã 50 năm trôi qua tính từ 1975, văn học Việt Nam vẫn quá hiếm những đỉnh cao nghệ thuật? Đây là nỗi băn khoăn trăn trở của nhiều người đọc. Ông chỉ ra 3 vấn đề, đó là sự thiếu tương xứng giữa lượng và chất. Thứ nhất, chúng ta chưa có những bách khoa thư đồ sộ, đủ sức tái hiện một cách sinh động số phận và khát vọng dân tộc trong tính sâu sắc, rộng lớn và kỳ vĩ. Thứ hai, mặt trái của kinh tế thị trường và sự phân hóa, biến đổi trong thị hiếu tiếp nhận có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn học, đó là sự "dung dưỡng" cho khuynh hướng thương mại hóa, và tạo môi trường cho văn học giải trí bùng nổ. Thứ ba, sự hội nhập với thế giới cần bản lĩnh văn hóa của nhà văn trong khi tiếp nhận văn hóa nhân loại để không bị trào lưu, lai căng, sính ngoại một cách mù quáng.
Những tác phẩm nổi bật của 50 năm văn học Việt Nam từ 1975.
Những khoảng trống phê bình
Phê bình là một mảng quan trọng trong hoạt động của văn học nghệ thuật. Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận- Phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đạt được thì mảng phê bình văn học 50 năm qua còn nhiều hạn chế. Hoạt động phê bình có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, chưa đồng hành với sáng tác, xuất hiện những lối phê bình cảm tính, thiếu hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả, tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp. Theo ông, một trong những vấn đề nghiêm trọng là tình trạng phê bình văn học theo đơn "đặt hàng". Đây là loại phê bình chỉ nhằm quảng cáo tác phẩm, không thực hiện chức năng thẩm định thực chất. Hiện tượng này cần được cảnh báo và ngăn chặn kịp thời vì nó làm méo mó đời sống văn học, khiến các giá trị đích thực không đến được với độc giả.
Nhà phê bình Văn Giá nói, trong nghiên cứu, lý luận phê bình văn học Việt Nam từ 1975 đến nay có khoảng trống trong nghiên cứu về vùng văn học Hà Nội tạm chiếm 1948-1954 hay về các tác giả, các ấn phẩm/ tác phẩm của bộ phận văn học miền Nam 1954-1975...
Giáo sư Phong Lê bày tỏ mong mỏi có những thay đổi lớn trong tương lai văn học nghệ thuật nước nhà đang chuyển sang vai các thế hệ tre ã- là sản phẩm và là chủ thể của chính cái thời chúng ta đang sống hôm nay.
Theo PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, nhân tố quan trọng nhất để quyết định tầm vóc của một nền văn học là tài năng và tâm huyết của người cầm bút. Dù thời đại công nghệ thông tin, nhưng AI - trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được nhà văn bởi đó là câu chuyện của tâm hồn, phong cách, cá tính. Theo ông, muốn phát triển văn học nghệ thuật, chúng ta cần đẩy mạnh giao lưu quốc tế, đưa văn học Việt nhanh chóng bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới, dịch thuật, quảng bá văn học Việt ra nước ngoài. Đây là một vấn đề mấu chốt của văn học Việt trong thời gian tới.
Chính Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cũng thừa nhận, 50 năm qua, việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài còn nhiều hạn chế. Ủy ban văn học thế giới đang tìm kiếm những tiếng nói mới, những vùng đất mới và Việt Nam là một vùng đất tiềm năng. Vì thế, dịch thuật văn học Việt rất quan trọng.
Việt Linh