Nhìn lại hành trình 24 năm di dân vượt lũ-Bài 2: Còn để xảy ra sai phạm, lãng phí

Nhìn lại hành trình 24 năm di dân vượt lũ-Bài 2: Còn để xảy ra sai phạm, lãng phí
3 giờ trướcBài gốc
Luẩn quẩn cấp sai, thu hồi
Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, đến nay, Cụm dân cư vượt lũ thị trấn Cây Dương ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương (Phụng Hiệp, Hậu Giang) vẫn còn khá nhiều nền đất bỏ hoang, được người dân tận dụng trồng chuối, một số để cỏ dại mọc um tùm.
Theo bà Lê Thị Ngọc Luyến, Trưởng ấp Mỹ Lợi, cụm dân cư được UBND tỉnh Hậu Giang đầu tư năm 2008 với quy mô 5ha và 250 nền. Đến nay, số hộ dân về ở chưa được 150 nền. Bắt chuyện với nhiều người dân ở đây để tìm hiểu thêm về cuộc sống cũng như vì sao các nền chưa được lấp đầy hết, chúng tôi cảm thấy luôn có sự e ngại, né tránh khó hiểu.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, quá trình triển khai thực hiện, công tác xét duyệt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại đây có nhiều bất cập, người dân có đơn khiếu nại vượt cấp. Tháng 1-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ban hành quyết định thanh tra dự án này.
Đến tháng 5-2022, Thanh tra tỉnh Hậu Giang ban hành kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đặc biệt là bình xét đối tượng được ưu tiên mua nền trả chậm với 51 trường hợp sai đối tượng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 3,5 tỷ đồng.
Liên quan đến các sai phạm này, tháng 1-2024, Công an tỉnh Hậu Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông: Trần Văn Thắng, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp; ông Trần Không Dận, Phó chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp; ông Nguyễn Thanh Diện, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phụng Hiệp; ông Bạch Việt Mến, Chánh Thanh tra huyện Phụng Hiệp, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Cây Dương.
Nhà bỏ hoang tại Cụm dân cư vượt lũ ở ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi (Tân Hưng, Long An). Ảnh: QUANG TUẤN
Còn ở Khu dân cư vượt lũ Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (Hậu Giang), 28 hộ dân đang phải sống trong lo âu, thấp thỏm trước quyết định thu hồi lại nền nhà đã cấp của UBND huyện Châu Thành. Là một trong số 28 hộ dân trong danh sách bị thu hồi nền, bà Nguyễn Thị Lan cho biết: “Trước đây, nhà tôi ở ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang). Sau khi bị thu hồi toàn bộ đất làm Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, năm 2005, gia đình tôi được xét mua nền và nhà tại đây. Ngày 26-6-2008, UBND huyện Châu Thành ban hành Quyết định số 2721/QĐ-UBND thu hồi nền nhà, nhà đã cấp cho các đối tượng trong Khu dân cư vượt lũ xã Phú Hữu A (nay thuộc thị trấn Mái Dầm). Sau một thời gian, ngày 23-12-2022, UBND huyện Châu Thành tiếp tục ban hành Quyết định số 1624/QĐ-UBND thu hồi để tổ chức bán đấu giá, đến nay vẫn chưa thấy gì. Nếu phải trả lại nền, gia đình tôi không biết phải sinh sống ở đâu, rất mong các cấp chính quyền quan tâm”.
Trường hợp nữa là gia đình chị Kiều Hồng Liên. Trước đây, vợ chồng chị phải ở nhờ nhà người thân cạnh mé sông ở ấp Phú Tân, xã Phú Hữu (Châu Thành) và phụ lò than để kiếm sống. Năm 2006, vợ chồng chị được xét ưu tiên mua nền và nhà trả chậm. Mua được nhà nhưng không có việc làm, cả nhà chị kéo nhau đi làm ăn xa vài tháng mới về một lần.
Mải làm ăn, năm 2008, UBND huyện có quyết định thu hồi, chị cũng không để ý. Đến khi có Khu công nghiệp Sông Hậu 2, vợ chồng chị mới chuyển hẳn về sinh sống ở đây, cuộc sống dần ổn định thì huyện lại tiếp tục có quyết định thu hồi. Chị Kiều Hồng Liên than thở: “Gia đình tôi đúng chính sách, không có chỗ ở phải ở nhờ nhà ngoại, nhà cậu cạnh mé sông mà không hiểu sao vẫn sai đối tượng. Bây giờ mà thu hồi thì chúng tôi biết đi đâu về đâu?”.
Lãng phí từ những căn nhà bỏ hoang
Toàn tỉnh Long An có 165 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, góp phần giải quyết nhiều vấn đề an sinh vùng lũ, mang lại hiệu quả khá rõ nét. Tuy nhiên, theo rà soát và thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Long An, đến nay, người dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư còn thấp, chỉ khoảng 59,4%. Đặc biệt, qua rà soát, có 339 căn nhà bỏ hoang trên cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở địa bàn các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Thủ Thừa.
Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do không thuận lợi mưu sinh nên tỷ lệ người dân vào ở thấp khiến không ít cụm, tuyến dân cư vượt lũ còn nhiều nhà bỏ hoang, cũng có những trường hợp chủ nhà đóng cửa im ỉm quanh năm và đi kiếm việc làm ở nơi khác. Một nguyên nhân nữa là do công tác đầu tư, quy hoạch của địa phương không dựa trên cơ sở nguồn lực và nhu cầu thực tế.
Tâm lý nóng vội dẫn đến việc quy hoạch quá nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ trong một thời gian ngắn đã dẫn đến việc đầu tư dàn trải, thiếu tầm nhìn. Trong khi đó, vị trí quy hoạch không hợp lý, xa đường đi, xa trung tâm, nằm chơi vơi giữa cánh đồng; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa bảo đảm đầy đủ cho nhu cầu cuộc sống của người dân là một rào cản lớn khiến người dân không mặn mà vào các cụm, tuyến dân cư.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết: “Công tác xây dựng hạ tầng thiết yếu trong các cụm, tuyến dân cư đạt 136/165 cụm, tuyến (khoảng 82%); còn lại 29 cụm, tuyến đã có hạ tầng nhưng hiện xuống cấp, chưa bảo đảm hạ tầng thiết yếu. Sở đã có kế hoạch nâng cấp, cải tạo đường giao thông, điện, nước... để người dân an cư, cũng như thu hút người dân vùng lũ vào ở.
Để thực hiện được việc này thì các địa phương vùng lũ cũng cần lập kế hoạch tập trung mọi nguồn lực, gồm cả nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu và huy động các nguồn vốn khác để đầu tư duy tu, nâng cấp hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống người dân, thu hút người dân vào ở nhằm nâng tỷ lệ lấp đầy, hạn chế tình trạng bỏ hoang”.
Để giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng tỉnh Long An đang phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã vùng ngập lũ rà soát nhu cầu sử dụng cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Trường hợp cụm, tuyến chưa có dân vào ở hoặc không còn đối tượng vào ở thì báo cáo UBND tỉnh chuyển công năng để địa phương mời gọi đầu tư dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tránh lãng phí nguồn lực về đất đai. Trường hợp không còn hộ gia đình thuộc diện đối tượng ưu tiên để bố trí hoặc đã giải quyết đủ thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương bán đấu giá những lô nền chính sách dôi dư theo quy định.
Số tiền thu được từ việc bán đấu giá các lô nền, nhà ở nêu trên sẽ sử dụng để duy tu, bảo trì hoặc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 1 của Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Xây dựng cũng sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã vùng lũ nghiên cứu rà soát, điều chỉnh quy hoạch đối với các cụm, tuyến dân cư còn trống lô nền, sau đó sẽ bố trí các điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu hút dân vào ở theo đúng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 1 Quyết định số 714/QĐ-TTg nêu trên nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm, tuyến dân cư vượt lũ.
Ngoài ra, các địa phương có cụm, tuyến dân cư vượt lũ chủ trì phối hợp Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể số liệu, các quy định về quy hoạch để đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch thành đất dự trữ. Trong đó, nêu rõ loại hình dự trữ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trên cơ sở này, báo cáo tỉnh xem xét cho chủ trương thực hiện đối với phần đất dự trữ khi kết thúc chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ.
Ông Nguyễn Văn Hùng thông tin thêm: “Theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 1-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến đến hết năm 2025 sẽ tổng kết, đánh giá và kết thúc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Sau khi kết thúc chương trình, các phần đất dự trữ thuộc thẩm quyền quản lý của huyện, thị xã sẽ thực hiện đấu giá dùng để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
(còn nữa)
Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhin-lai-hanh-trinh-24-nam-di-dan-vuot-lu-bai-2-con-de-xay-ra-sai-pham-lang-phi-797023