Nhìn lại hành trình 24 năm di dân vượt lũ - Bài 3: Từ kinh nghiệm vượt lũ đến lời giải ứng phó sạt lở (Tiếp theo và hết)

Nhìn lại hành trình 24 năm di dân vượt lũ - Bài 3: Từ kinh nghiệm vượt lũ đến lời giải ứng phó sạt lở (Tiếp theo và hết)
2 giờ trướcBài gốc
Nhu cầu của người dân còn lớn
Năm 2019, trước tình trạng sạt lở bờ sông kênh Xáng đoạn qua ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu (An Giang), chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp và bố trí tái định cư cho 26 hộ dân tại Khu dân cư đường tránh sạt lở ấp Tân Hậu A1 cách chỗ ở cũ không xa. Đến nay, các hộ dân đã xây nhà khang trang, kiên cố và sinh sống ổn định tại đây; các điều kiện sống thiết yếu được bảo đảm đầy đủ, giao thông thuận tiện. Ông Phạm Duy Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông kênh Xáng qua ấp Tân Hậu A1 vẫn đang xảy ra, kéo dài 6km. Nhu cầu di dời đến nơi ở mới của người dân còn cao với 391 hộ trong khu vực sạt lở”. Còn anh Trần Văn Nghé (37 tuổi) ở ấp Tân Hậu A1 bày tỏ: “Bờ sông đã sạt lở hàng chục mét, chúng tôi rất lo lắng và mong sớm được bố trí ổn định nơi ở”.
Sạt lở xảy ra sáng 20-9-2024 tại đường bờ sông kênh Xáng đoạn qua ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Ảnh: DUY NGỌC
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Tân Châu nói: “Qua khảo sát, thị xã Tân Châu còn khoảng 3.230 hộ có nhà nằm trong hành lang lộ giới sông, kênh rạch và có nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời. Chúng tôi đề xuất Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư thêm một số cụm, tuyến để bố trí người dân vào ở ổn định, tránh thiệt hại về người và tài sản; góp phần sớm đưa thị xã Tân Châu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh đến năm 2030, lên đô thị loại 2 sau năm 2030 theo Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 15-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, thông tin từ Sở Xây dựng cho biết, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lụt tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 1 và 2 (kết thúc từ năm 2015) đã đạt được những kết quả khả quan, bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân vùng thường xuyên bị ngập lụt, tạo điều kiện ổn định cuộc sống lâu dài, ổn định tình hình an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ di cư tự do, đời sống còn khó khăn; nhiều gia đình bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở, lũ lụt; hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, ngập lụt, nước dâng (khoảng 3.900 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở khẩn cấp cần phải di dời) nhưng chưa được bố trí nơi ở ổn định, an toàn.
Ông Lê Hữu Phú, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, cử tri cũng kiến nghị đầu tư xây dựng thêm các cụm, tuyến dân cư để có nơi ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất. Về việc thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai xây dựng các dự án bố trí ổn định dân cư. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh thực hiện 5 dự án bố trí ổn định dân cư tập trung với quy mô 1.833 hộ dân. Mục tiêu của các dự án bố trí ổn định dân cư là giúp các hộ dân di cư tự do, khu vực sạt lở có nơi ở an toàn, an tâm lao động sản xuất; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng thời, bảo đảm cơ sở hạ tầng phục vụ cho các chiến lược quy hoạch, phát triển đô thị trong tương lai”.
Khu dân cư vượt lũ Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: ĐỨC TUẤN
Mấu chốt là điều kiện sống và mưu sinh
Ngoài bố trí ổn định dân cư, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, Quyết định số 590/QĐ-TTg còn đề ra mục tiêu nâng cao đời sống của người dân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ người dân tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh. Để đạt được những mục tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải giải quyết hai vấn đề mấu chốt là: Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để nâng cao điều kiện sống trong các khu dân cư và quan tâm giải quyết vấn đề việc làm tại chỗ cho người dân.
Theo đó, các địa phương cần khảo sát nắm chắc nhu cầu thực tế để đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, thiếu tầm nhìn. Lựa chọn vị trí quy hoạch phù hợp, thuận tiện cho giao thông, tìm kiếm việc làm. Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ gia đình được bố trí đến vùng dự án bố trí ổn định dân cư, đặc biệt với những hộ không bảo đảm quỹ đất sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống. Hỗ trợ vùng dự án bố trí ổn định dân cư xây dựng mô hình đào tạo nghề phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên các nghề trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; nghề quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, cần ưu tiên hỗ trợ các hộ gia đình về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giống, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, vay vốn tín dụng chính sách và vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành. Hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế khác cho người dân phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của người dân, cộng đồng.
Sạt lở nhà ở đường bờ sông kênh Xáng đoạn qua ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Ảnh: ĐỨC TUẤN
PGS, TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) góp ý: “Chủ trương bố trí ổn định dân cư vùng sạt lở rất cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, các địa phương cần rút kinh nghiệm từ quá trình xây dựng, di dời người dân đến các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và phải lưu ý các điều kiện thay đổi sinh kế, tạo thu nhập tại chỗ cho người dân phát triển các ngành nghề thủ công, dịch vụ và giảm các đóng góp chi phí cho họ. Nhà cửa nên có tham khảo các mẫu phù hợp với nếp sống nông thôn, cần sạch và thoáng mát, đồng thời có những kết nối các cộng đồng khác để người dân có thể đi lại, giao tiếp và mua bán dễ dàng hơn”.
Từ kết quả triển khai các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, kinh nghiệm của tỉnh Đồng Tháp là việc quy hoạch xây dựng các cụm, tuyến dân cư cần kết hợp với hệ thống giao thông, đê bao, thủy lợi gắn với sản xuất; nối liền với trung tâm xã, trung tâm đô thị thành hệ thống liên hoàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả của những công trình cơ sở hạ tầng, phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Đây là tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn, nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
“Ngoài ra, chất lượng công trình được chú trọng ngay từ khâu khảo sát, thiết kế; việc kiểm tra giám sát trong quá trình thi công cũng được các chủ đầu tư, đơn vị giám sát và các địa phương đặc biệt quan tâm (công tác giám sát cộng đồng). Do đó, công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng bảo đảm được chất lượng từ công tác san lấp mặt bằng đến xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu; hạn chế thất thoát lãng phí, phát huy hiệu quả đầu tư tốt nhất”, ông Lê Hữu Phú nêu thêm.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cần được các địa phương thực hiện ngay từ cấp cơ sở, có sự phối hợp tốt giữa chính quyền và đoàn thể từ khâu đền bù giải phóng mặt bằng đến vận động người dân đăng ký vào ở trong khu dân cư được bố trí. Để tránh cấp sai đối tượng, để xảy ra tiêu cực, công tác bình xét, bố trí phải được tiến hành từ cơ sở bảo đảm nghiêm túc, đúng đối tượng và quy định về trình tự thực hiện. Danh sách đối tượng được niêm yết tại trụ sở xã, ấp để công khai đến người dân được biết.
Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhin-lai-hanh-trinh-24-nam-di-dan-vuot-lu-bai-3-tu-kinh-nghiem-vuot-lu-den-loi-giai-ung-pho-sat-lo-tiep-theo-va-het-797230