Nhìn lại kinh tế Thủ đô - Bài cuối: 5 phương án tăng trưởng năm 2025

Nhìn lại kinh tế Thủ đô - Bài cuối: 5 phương án tăng trưởng năm 2025
19 giờ trướcBài gốc
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Thành phố Hà Nội đang đánh giá một cách tổng thể để có nhiều giải pháp tăng tốc trong năm 2025.
Tập trung cho lĩnh vực cấp bách
Thành phố tiếp tục thực hiện giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo những tiền đề cần thiết để phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số và khoa học công nghệ Thành phố đã tổ chức quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Coi chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại -“phương thức sản xuất số”, là nguồn lực, động lực thúc dẩy sự chuyển mình của nền kinh tế trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số và khoa học công nghệ.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND Thành phố xác định quan điểm thống nhất với: “1 mục tiêu 3 nguyên tắc 6 phấn đấu”; trong đó, 1 mục tiêu là: Phát triển thủ đô Hà Nội: Văn hiến - Văn minh- Hiện đại, xanh, thông minh; thanh bình, thịnh vượng, Thành phố kết nối toàn cầu; với các giá trị cốt lõi "Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc". 3 nguyên tắc là: Thượng tôn pháp luật - Luôn luôn lắng nghe - Thái độ phục vụ. 6 phấn đấu là: Nhận thức đầy đủ - Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh - Hành động quyết liệt - Kết quả sản phẩm thực chất. Thành phố cũng đặt mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 với mục tiêu cơ bản trở thành một thành phố thông minh, hiện đại, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Để khơi thông kinh tế phát triển, thành phố cải cách hành chính đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế; thực hiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền ở địa phương; tiếp tục xác định cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Thủ đô.
Hà Nội hiện đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm mô hình trung tâm phục vụ hành chính công với định hướng cải tiến toàn diện, giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh và không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính; giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa", giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người, giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách Nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của Hà Nội năm 2023 đạt 83,57%, là năm thứ 6 liên tiếp đạt trên 80%, tăng 9 bậc so với năm 2022, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính - PAR INDEX năm 2023 đạt 91,43 điểm (tăng 1,85 điểm), xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, giữ nguyên thứ bậc so với năm 2022.
Hà Nội đưa ra dự báo năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng cũng là năm còn nhiều khó khăn và thách thức.
Tuy nhiên, Thủ đô Hà Nội lại có nhiều điều kiện để phát triển vì là năm Luật Thủ đô (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực thi hành, có nhiều quy định mới, mang tính đột phá. Thời gian qua, kinh tế Thủ đô đang dần phục hồi rõ nét, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, du lịch, tiêu dùng đang có những bứt phá mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
3 kịch bản tăng trưởng
Năm 2025, thành phố tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”. Thành phố đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2025 trên cơ sở xây dựng 5 phương án tăng trưởng: 6%; 6,5%; 7%; 7,5%; 8%. Thành phố đưa ra kịch bản 1 dựa trên giả định thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó dự báo và tình hình trong nước như hiện nay; các yếu tố đầu vào cho tăng trưởng không có yếu tố bất ngờ; đầu tư xã hội tăng 9,5-10,5%, hệ số ICOR khoảng 5 lần theo giá hiện hành; GRDP sẽ tăng 6-6,5%; GRDP/người đạt 171,5-172,4 triệu đồng.
Kịch bản 2 (cơ sở) dựa trên giả định năm 2025, tình hình thế giới và khu vực vẫn diễn biến như hiện nay. Các giải pháp về cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy được thực hiện đạt kết quả nhanh, gọn và có hiệu lực, hiệu quả ngay; các động lực tăng trưởng trong nước được đẩy mạnh, tuy nhiên cần thời gian để có đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng; các dự án đầu tư được rà soát, khó khăn dần được tháo gỡ, doanh nghiệp bắt đầu phát triển từ quý 2/2025, GRDP sẽ đạt mức tăng 6,5-7,5%; GRDP/người đạt 172,4-174 triệu đồng. Nếu tăng trưởng năm 2024 và 2025 đạt 6,5% thì trung bình 5 năm 2021-2025 GRDP tăng 6,27%.
Kịch bản 3 (cao) giả định tình hình thế giới và khu vực rất thuận lợi, đi vào ổn định GRDP sẽ tăng trên 8,0%; GRDP/người đạt trên 175 triệu đồng. Nếu tăng trưởng 2024 đạt 6,5% và 2025 đạt 8% thì trung bình 5 năm 2021-2025 GRDP tăng 6,56%.
Trên cơ sở phân tích như trên, kịch bản 2 được lựa chọn. Theo đó, GRDP năm 2025 tăng từ 6,5% trở lên; GRDP/người từ 172,4 triệu đồng trở lên; vốn đầu tư thực hiện tăng từ 10,5% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo.... Với chỉ tiêu kế hoạch 2025 như vậy, dự kiến có 4 chỉ tiêu kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 không đạt
Bước vào năm 2025, thành phố đưa ra hàng chục giải pháp và nhóm giải pháp; trong đó tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô.
Theo đó, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá, nhất là xây dựng thể chế số thông thoáng, hạ tầng số hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi xanh và triển khai hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực như năng lượng, giao thông, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật; đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị, liên kết vùng; phát huy hơn nữa vai trò thành viên Tổ điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng..
Theo TTXVN
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/nhin-lai-kinh-te-thu-do-bai-cuoi-5-phuong-an-tang-truong-nam-2025/20241227100232076