UBND TP.HCM đã trình Chính phủ đề án sắp xếp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM.
Sau khi sắp xếp với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM (mới) có diện tích tự nhiên là 6.772,65 km2, dân số 13,7 triệu dân.
TP.HCM (mới) có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu. Chính quyền địa phương TP.HCM (mới) hoàn thành xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15-9-2025.
TP.HCM mới có diện tích tự nhiên là 6.772,65km2, dân số 13,7 triệu người. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Dịp này, mời bạn đọc PLO cùng nhìn lại lịch sử hình thành của TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu trước khi sáp nhập.
TP.HCM có lịch sử hơn 300 năm
TP.HCM (tên gọi cũ Sài Gòn) được hình thành năm 1698, sau khi Chúa Nguyễn cử Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Phương Nam.
Trước ngày 30-4-1975, năm 1877 của thế kỷ 19, TP Sài Gòn được thành lập, trải qua nhiều lần sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính, tiếp nhận thêm khu vực Chợ Lớn thuộc một số xã thôn của huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định; đến năm 1931 của thế kỷ 20, Chợ Lớn nhập với địa bàn TP Sài Gòn thành khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau đó giữ tên tỉnh Gia Định đến ngày 30-4-1975.
Chợ Bến Thành - biểu tượng lâu đời tại TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Sau khi đất nước thống nhất, với hơn 300 năm hình thành và phát triển, TP.HCM có rất nhiều công trình kiến trúc cổ, nhiều di tích và hệ thống bảo tàng phong phú.
Sài Gòn được đổi tên thành “Thành phố Hồ Chí Minh" vào ngày 2-7-1976. Lúc này TP có 17 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 12 quận và 5 huyện.
Metro số 1 là công trình trọng điểm, là niềm tự hào của người dân TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Từ năm 1976 đến nay, TP.HCM đã nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính. Trong đó, năm 1986, có 17 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 12 quận và 5 huyện; 321 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: 232 phường, 85 xã và 4 thị trấn.
Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Từ tháng 11- 2006 đến trước ngày 31-12-2020, TP.HCM có 24 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc gồm 19 quận và 5 huyện; 322 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 259 phường, 58 xã và 5 thị trấn.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: THUẬN VĂN
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức), 273 đơn vị hành chính cấp xã (210 phường, 58 xã, 5 thị trấn).
Bà Rịa - Vũng Tàu từng là một tổng thuộc phủ Gia Định
Bà Rịa - Vũng Tàu có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, gắn liền với quá trình mở rộng bờ cõi về phương Nam của dân tộc Việt Nam. Địa bàn tỉnh trước kia là đơn vị hành chính lớn, năm 1698 thời chúa Nguyễn là một tổng thuộc huyện Phước Long, phủ Gia Định.
Trước ngày 30-4 -1975, địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu được chia tách và sáp nhập, đổi tên nhiều lần: tỉnh Bà Rịa, tỉnh Phước Tuy.
Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay. Ảnh: TRÙNG KHÁNH
Sau ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, chính quyền cách mạng tiếp quản và tổ chức lại hệ thống hành chính. Tháng 5-1975, tỉnh Phước Tuy được đổi tên lại thành tỉnh Bà Rịa. Đến tháng 2-1976, thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, tỉnh Bà Rịa được sáp nhập vào tỉnh Đồng Nai. TP Vũng Tàu cùng huyện Côn Đảo được sáp nhập vào TP.HCM, thành lập huyện Côn Đảo trực thuộc TP.HCM.
Ngày 12-8-1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tỉnh Đồng Nai, tái lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên cơ sở các huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, Côn Đảo và TP Vũng Tàu. Thị xã Bà Rịa (nay là TP Bà Rịa) được thành lập và trở thành trung tâm hành chính của tỉnh.
Lễ hội đua thuyền tại Côn Đảo dịp Lễ 30-4. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Giai đoạn từ năm 1997 đến nay, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Một góc bãi biển Vũng Tàu. Ảnh: TRÙNG KHÁNH
Đến thời điểm hiện nay có 7 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 3 TP: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ và 4 huyện Long Đất, Châu Đức, Xuyên Mộc, Côn Đảo; 77 đơn vị hành chính cấp xã (30 phường, 40 xã, 7 thị trấn)
Bình Dương chính thức hoạt động từ năm 1997
Bình Dương là tên một tổng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Đến năm 1808, khi huyện Tân Bình được đổi thành phủ thì Bình Dương được nâng lên một trong bốn huyện của phủ này.
Năm 1956, tỉnh Bình Dương được thiết lập nhưng không phải trùng với địa bàn của huyện Bình Dương xưa kia.
Đến năm 1997, tỉnh Bình Dương được tái lập, nhưng cũng không phải hoàn toàn là địa phận của tỉnh Bình Dương trước năm 1975.
Các khu công nghiệp ở Bình Dương đang được quy hoạch bài bản, đồng bộ. Ảnh: LÊ ÁNH
Như vậy, trong lịch sử, Bình Dương là tên gọi của những đơn vị hành chính theo những cấp độ khác nhau (tổng, huyện, tỉnh) với những địa bàn lãnh thổ khác nhau.
Vốn gắn liền với Gia Định, Đồng Nai xưa, tức là miền Đông Nam Bộ ngày nay, cư dân Bình Dương là một bộ phận cư dân miền Đông Nam bộ, nhưng đồng thời Bình Dương là vùng đất được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương chính thức đi vào hoạt động, với 4 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Thủ Dầu Một và 3 huyện: Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An); 77 xã, phường, thị trấn.
Bình Dương là vùng đất được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Ảnh: LÊ ÁNH
Đến cuối tháng 8-1999, Chính phủ quyết định thành lập thêm 3 huyện: Dĩ An, Dầu Tiếng, Phú Giáo và các xã: Định Thành thuộc huyện Dầu Tiếng, xã Bình An thuộc huyện Dĩ An.
Từ tháng 12-2003 đến tháng 6-2008, Chính phủ ban hành các Nghị định điều chỉnh, thành lập thêm các phường, xã trên địa bàn tỉnh.
Đến tháng 5-2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập TP Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính của thị xã Thủ Dầu Một; sau đó, tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Quốc lộ 13 nối TP.HCM và Bình Dương. Ảnh: LÊ ÁNH
Năm 2013, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bến Cát để thành lập thị xã Bến Cát; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Tân Uyên để thành lập thị xã Tân Uyên. Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 85 thành lập TP Dĩ An và TP Thuận An (trên cơ sở toàn bộ diện tích của thị xã Dĩ An và thị xã Thuận An).
TP.HCM có diện tích là 2.095,39 km2, quy mô dân số gần 10 triệu người người, 22 đơn vị hành chính cấp huyện và 273 đơn vị hành chính cấp xã.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích tự nhiên là 1.982,56 km², quy mô dân số 1.313.905 người, có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 77 đơn vị hành chính cấp xã.
Tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,64 km², quy mô dân số 2.722.527 người, 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 91 đơn vị hành chính cấp xã.
HOÀNG KIM