Bản đồ tỉnh Phú Yên đầu thế kỷ XIX. Ảnh: THANH HƯNG (chụp lại)
Khởi nguyên, Phú Yên thuộc địa vực của thị tộc Việt Thường xưa, rồi trở thành huyện Lâm Ấp đời nhà Tấn, thuộc đất huyện Tượng Lâm đời nhà Hán. Sang nhà Tùy, đổi làm quận, nhà Đường đổi làm châu, sau là đất Chiêm Thành đến khi trở thành lãnh thổ của quốc gia Đại Việt gắn với quá trình khai hoang, mở cõi từ thời chúa Nguyễn và tiếp tục có sự thay đổi về địa giới, đơn vị hành chính trong thời cận đại, hiện đại.
Dưới thời phong kiến, Phú Yên trải qua nhiều phân cấp hành chính là dinh, trấn, phủ, tỉnh. Giữa năm 1611, chúa tiên Nguyễn Hoàng cử viên chủ sự là Văn Phong tấn công vào Ayaru (vùng đất Phú Yên ngày nay). Quân Champa bị thua, Nguyễn Hoàng sáp nhập vùng Ayaru vào lãnh thổ Đàng Trong với tên gọi Phú Yên và giao cho Văn Phong cai quản vùng đất mới này. Theo lệnh chúa Nguyễn, Văn Phong đã lập cơ quan hành chính và quân sự, lập ra huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa thuộc phủ Trấn Biên. Năm vua Gia Long lên ngôi (1802), gọi là dinh Phú Yên với hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm Gia Long thứ 18 (1819), đổi dinh làm trấn. Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), đặt phủ Phú Yên. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), đổi phủ Phú Yên làm phủ Tuy An. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), đổi trấn làm tỉnh.
Thời kỳ đầu thuộc Pháp (1886), tỉnh Phú Yên có phủ Tuy An và hai huyện Đồng Xuân, Tuy Hòa.
Năm 1912, Khâm sứ Trung Kỳ báo cáo Toàn quyền Đông Dương sửa đổi ranh giới các tỉnh Trung Kỳ. Theo đó, bỏ tỉnh Phú Yên, sáp nhập Phú Yên vào Bình Định, bỏ tỉnh Phan Rang, sáp nhập một phần phía Bắc Phan Rang vào Khánh Hòa, một phần phía Nam vào Bình Thuận, bỏ tỉnh Darlac (tức Đắk Lắk ngày nay), chuyển thành đại lý Darlac rồi sáp nhập vào tỉnh Pleikuder (tức Pleiku ngày nay).
Năm 1913, Toàn quyền Đông Dương đặt tỉnh Phú Yên thuộc quyền quản lý của Công sứ Qui Nhơn.
Năm 1932, vua Bảo Đại ra dụ thành lập đô thị Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên.
Năm 1954, Tòa đại biểu chính phủ tại Trung Việt lập Nha đại diện hành chính tại Sông Cầu.
Năm 1958, Bộ Nội vụ Việt Nam cộng hòa (VNCH) có nghị định ấn định các đơn vị hành chính tỉnh Phú Yên.
Năm 1959, Tổng thống VNCH có sắc lệnh sáp nhập một số xã nguyên thuộc quận Cheo Reo, tỉnh Pleiku vào quận Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Tiếp đó, ra sắc lệnh sáp nhập vào quận Đồng Xuân tỉnh Phú Yên một phần đất tổng Ia Piao thuộc quận Cheo Reo, tỉnh Pleiku. Cũng năm 1959, Tỉnh trưởng Phú Yên ký công văn đổi quận Sông Cầu thành quận Đồng Phước, Tổng thống VNCH ký sắc lệnh ấn định đơn vị hành chính quận Phú Đức thuộc tỉnh Phú Yên.
Trải qua những biến động của lịch sử, dù nhiều lần chia tách, sáp nhập và thay đổi tên gọi, Phú Yên luôn là tỉnh, là địa bàn có vị trí xung yếu của đất nước, đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của dân tộc.
Năm 1960, Tòa hành chính tỉnh Phú Yên ra thông tư về việc tổ chức các phường, buôn thành thôn hoặc ấp. Cũng trong năm 1960, Tòa đại biểu chánh phủ tại Trung nguyên Trung phần ký công văn về việc sửa đổi lại ranh giới giữa 3 tỉnh Darlac, Khánh Hòa và Phú Yên.
Năm 1962, Tổng thống VNCH ký nghị định thành lập quận Hiếu Xương thuộc tỉnh Phú Yên.
Năm 1963, Tòa đại biểu Chánh phủ tại Trung nguyên Trung phần ký công văn đề nghị sửa đổi ranh giới 3 quận Tuy Hòa, Hiếu Xương và Tuy An.
Năm 1965, Thủ tướng Chánh phủ VNCH ký sắc lệnh về việc duyệt y đồ án thiết kế tỉnh lỵ Tuy Hòa.
Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị có nghị quyết về việc bãi bỏ khu, hợp tỉnh (trong đó hợp tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh).
Năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng có quyết định về việc phê chuẩn mở rộng TX Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Khánh, sáp nhập các xã Hòa Trị, Hòa An, Hòa Thắng… của huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Khánh vào TX Tuy Hòa.
Năm 1989, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã ra nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính của các tỉnh Nghĩa Bình, Phú Khánh và Bình Trị Thiên (tách Phú Khánh thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa).
Năm 2002, Chính phủ ban hành nghị định về việc điều chỉnh địa giới hành chính TX Tuy Hòa để thành lập huyện Phú Hòa và TX Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Năm 2005, Chính phủ ban hành nghị định về việc thành lập TP Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên, đồng thời điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Tuy Hòa. Cũng trong năm 2005, Chính phủ có nghị định về việc thành lập xã thuộc các huyện Tuy Hòa, Sông Cầu và chia huyện Tuy Hòa thành Đông Hòa và Tây Hòa.
Trải qua những biến động của lịch sử, dù nhiều lần chia tách, sáp nhập và thay đổi tên gọi, Phú Yên luôn là tỉnh, là địa bàn có vị trí xung yếu của đất nước, đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của dân tộc.
---------------------------
* Tài liệu tham khảo:
Mộc bản triều Nguyễn
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV
TRẦN THANH HƯNG