Nhìn lại một năm đầy biến động của giá vàng
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là do chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu mua vàng như một tài sản bảo đảm an toàn trước lo ngại lạm phát ở mức cao.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, Ths Vũ Thị Đào, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho biết, đối với thị trường vàng thế giới, trong năm 2024 có 3 yếu tố tác động khiến giá vàng biến động rất mạnh.
Năm 2024, giá vàng trong nước và thế giới đều biến động mạnh. (Ảnh: ST)
Thứ nhất, chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng và khiến USD suy yếu, qua đó tăng sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Thứ hai, căng thẳng địa chính trị tại Nga-Ukraine và Trung Đông khiến nhà đầu tư đổ dồn vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Thứ ba, xu hướng mua vào mạnh mẽ kim loại quý này của các ngân hàng trung ương toàn cầu như một biện pháp bảo đảm an toàn trước lo ngại lạm phát ở mức cao.
Tính đến quý 3/2024, các ngân hàng trung ương đã mua ròng hơn 900 tấn vàng; trong đó dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Đông Âu.
Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tháng 10/2024 chứng kiến mức mua ròng vàng cao nhất của các ngân hàng trung ương toàn cầu trong năm 2024.
Đối với thị trường trong nước, bà Đào cho biết, từ đầu năm 2024, giá vàng miếng SJC bán ra ở mức gần 80 triệu đồng/lượng, chịu ảnh hưởng bởi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị.
Dù vậy, giá vàng liên tục phá vỡ các mốc giá quan trọng và đạt mức trên 90 triệu đồng/lượng vào tháng 5/2024.
Giá vàng miếng SJC giảm nhẹ sau đó tăng trở lại, dao động quanh mức 78-80 triệu đồng/lượng bán ra.
Tới tháng 9/2024, giá vàng nhẫn lập kỷ lục với mức giá cao lịch sử là 81,6 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC bán ra giao dịch 81,5-83,5 triệu đồng/lượng.
Trong tháng 10/2024, có lúc giá vàng miếng SJC bán ra đã đạt mốc trên 92 triệu đồng/lượng sau khi giá vàng thế giới đạt đỉnh cao kỷ lục 2790 USD/ounce.
“So với thời điểm cuối năm 2023, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC ghi nhận mức tăng lần lượt là 34% và 14% trong năm 2024”, bà Đào nói.
Về cơ bản, giá vàng tại Việt Nam sẽ biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn với giá vàng thế giới do cơ chế độc quyền của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng và tình trạng giới đầu cơ làm giá gây hỗn loạn thị trường vàng.
“Với sự điều hành quyết liệt của Nhà nước trong việc bình ổn giá vàng và đưa giá vàng tiệm cận với giá thế giới, từ tháng 6/2024, mức chênh lệch chỉ còn khoảng 6-7%”, bà Đào nêu.
Kịch bản giá vàng năm 2025
Dự báo về thị trường vàng năm 2025, Ths Vũ Thị Đào đưa ra 2 kịch bản chính.
Kịch bản thứ nhất: Nếu tăng trưởng toàn cầu chậm hơn kỳ vọng và khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra cùng với các bất ổn địa chính trị gia tăng, nhu cầu vàng toàn cầu có thể tiếp tục tăng so với năm 2024 đẩy giá vàng thế giới tăng cao như nhiều nhận định của các tổ chức kinh tế thế giới, sẽ tác động làm VND giảm giá, tỷ giá USD/VND tăng.
Với kịch bản này, khi giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng theo, cùng với những bất ổn kinh tế thế giới khiến cho nhu cầu tích trữ vàng trong dân càng lớn. Nhà nước cần có những giải pháp để thu hút nguồn vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Kịch bản thứ hai: Nếu Fed và các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, đưa lạm phát về mức thấp hơn năm 2024 làm cho vàng có thể trở nên kém hấp dẫn do chi phí cơ hội cao hơn. Khi đó, giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước cũng giảm theo và không gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Đã có nhiều ý kiến đề xuất dỡ bỏ chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng. (Ảnh: ST)
Dù vậy, để thị trường vàng phát triển ổn định và bền vững, bà Đào đưa ra một số kiến nghị, trong đó trọng tâm đó là cần dỡ bỏ chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng.
Theo bà Đào, sau 12 năm triển khai cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường vàng cũng cho thấy những diễn biến tích cực, hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế đã giảm và giá vàng cũng không còn tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, khi hiện tượng “vàng hóa” đã được đẩy lùi, Nhà nước cần cân nhắc có nên tiếp tục độc quyền sản xuất vàng miếng nữa hay không để cân đối cung-cầu, giảm bớt chênh lệch so với giá thế giới và bắt kịp với xu hướng tự do hóa thị trường vàng đang khá phổ biến ở các quốc gia khác trong khu vực.
“Vì vậy, tôi cho rằng cần gỡ bỏ chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng, đơn giản hóa chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu. Về phía Ngân hàng Nhà nước cần chuyển hướng tập trung kiểm soát chất lượng vàng”, bà Đào nêu.
Nguyên tắc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và tham gia vào thị trường vàng qua các phiên đấu thầu vàng.
Thực tế phản ánh chính sách kiểm soát chặt chẽ quá mức nguồn cung, đi ngược lại với quy luật thị trường và hiệu quả không rõ ràng của các phiên đấu thầu thời gian qua.
“Thay đổi chính sách hiện nay sẽ đem lại ba lợi ích cho thị trường vàng cũng như hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước, đó là đảm bảo sự vận động của cơ chế tự điều tiết của thị trường, mở ra cơ hội liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới và giảm thiểu nguy cơ của buôn lậu vàng”, bà Đào nói.
Việt Vũ