Nhìn lại nguồn gốc và quá trình sử dụng đất trong vụ án Hạc Thành Tower

Nhìn lại nguồn gốc và quá trình sử dụng đất trong vụ án Hạc Thành Tower
một ngày trướcBài gốc
Ngày 26/12/2024, TAND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra xét xử sơ thẩm 11 bị cáo là cựu lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về tội "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower.
Hiện trạng dự án Hạc Thành Tower
Tuy nhiên, sau khi mở phiên tòa, do vắng mặt một số luật sư, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người thẩm định, người định giá, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo và những người khác liên quan. Phiên tòa sẽ được mở lại vào sáng ngày 15/1/2025, tại phòng xét xử TAND tỉnh Thanh Hóa.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 16/3/1993, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 411/QĐ- UBND, chuyển giao 3 khu nhà ở số I-II-III thuộc sở hữu nhà nước tại khu phố Phan Chu Trinh, thị xã Thanh Hóa với tổng diện tích 7.414m2 từ UBND tỉnh Thanh Hóa sang công ty kinh doanh nhà Thanh Hóa (công ty nhà nước) quản lý và kinh doanh (tiền thân là Công ty TNHH MTV Sông Mã).
Quyết định 3885/QĐ-UBND tỉnh Thanh Hóa
Quá trình quản lý, sử dụng đất từ năm 1993 đến năm 2008 thì Công ty Sông Mã đã có tên trong bản đồ địa chính đối với khu đất trên, cụ thể theo bản đồ địa chính, sổ mục kê khu đất số 3 gồm thửa số 48, diện tích 1.746m2, đăng ký chủ hộ ghi “Công ty Sông Mã” và thửa số 51, diện tích 1.224,9m2, chủ hộ ghi “Trường mầm non Điện Biên”.
Năm 2009, sau khi có Quyết định 3885/QĐ- UBND thì Công ty Sông Mã đã bàn giao trên thực tế một phần khu đất số 3 Phan Chu Trinh với diện tích 1.733,8m2, còn phần đất 1.224,9m2 trường mầm non Điện Biên đang sử dụng để dạy học, nên chưa giao phần diện tích này cho công ty Sông Mã.
Thế nhưng tại khoản 5, Điều 1 Quyết định 3885/QĐ-UBND buộc Công ty Sông Mã phải có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền sử dụng đất của tổng diện tích 2.706m2 và Điều 2 Quyết định nêu rõ: Công ty Sông Mã có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích… Sau đó, Công ty Sông Mã đã nộp toàn bộ số tiền trên vào ngân sách theo quy định. Dự án chậm được triển khai do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm ngày 26/12/2024
Vào năm 2013, sau khi có Quyết định 389/QĐ-UBND, ngày 29/01/2013 thì công ty Sông Mã được bàn giao toàn bộ khu đất số 03 Phan Chu Trinh về mặt pháp lý, còn thực tế UBND tỉnh chỉ giao thêm 1.224,9m2 đất trường Mầm non Điện Biên vừa giải phóng mặt bằng xong thu hồi, giao cho Công ty Sông Mã theo Quyết định 389/QĐ-UBND.
“Ngã rẽ” của các sai lầm bắt đầu từ đây. Dù đã có nhiều văn bản đề nghị các cơ quan tham mưu giải trình việc xác định giá đất tại thời điểm năm 2013 lại áp dụng đơn giá năm 2009. Nhiều phiên họp đã được diễn ra, cơ quan tham mưu bảo vệ quan điểm của mình và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa đã “bút sa”.
Theo cơ quan tố tụng, dù đang trong quá trình cổ phần hóa, chưa có quyết định giao đất, cấp thẩm quyền chưa phê duyệt đầu tư dự án, nhưng Nguyễn Mạnh Sơn (Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Mã) vẫn thống nhất để Đinh Xuân Hướng (Tổng giám đốc Công ty Sông Mã) ký văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị giao làm chủ đầu tư xây dựng tòa nhà cao tầng dịch vụ tổng hợp. Hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Đến năm 2012, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, giao Công ty Sông Mã làm chủ đầu tư dự án Hạc Thành Tower. Trước ngày Nhà nước chính thức giao đất để thực hiện dự án Hạc Thành Tower, Nguyễn Mạnh Sơn thống nhất, Đinh Xuân Hướng ký văn bản đề xuất của các đơn vị liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho Công ty Sông Mã được huy động vốn bằng việc chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Huy Hoàng.
Ngày 16/8/2012, ông Trịnh Văn Chiến, thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản đồng ý cho phép Công ty TNHH MTV Sông Mã được chuyển nhượng 1.227,4 m2 tại số 3 Phan Chu Trinh cho Công ty TNHH Huy Hoàng với giá 21 triệu đồng/m2. Phần diện tích còn lại tiếp tục được chuyển cho 3 cá nhân khác. Với hành vi trên, Đinh Xuân Hướng hưởng lợi hơn 6,4 tỉ đồng, Nguyễn Mạnh Sơn hưởng lợi 3,5 tỉ đồng.
Ông Trịnh Văn Chiến đã đồng ý cho Công ty Sông Mã chuyển nhượng đất, đồng ý áp dụng giá giao đất tại thời điểm tháng 1/2013 theo đơn giá đất năm 2009 là trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định phê duyệt (thời điểm là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước của Công ty Sông Mã là 21 triệu đồng/m2 trái pháp luật, ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần, xác định giá trị thực tế doanh nghiệp không bao gồm giá trị khu đất, gây hậu quả thiệt hại cho nhà nước.
Vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ vì các bị cáo là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa, mà đang có nhiều quan điểm khác nhau về việc đánh giá nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, thời điểm giao đất, việc định giá, giám định; việc không giám định thiệt hại đối với ngân sách nhà nước khi xác định lại giá đất theo kết quả định giá; đánh giá hành vi, ý thức chủ quan của từng bị cáo…
Những vấn đề này sẽ được làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm (được mở lại vào ngày 15/1/2025). Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có diễn biến mới nhất.
Thanh Phương
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/nhin-lai-nguon-goc-va-qua-trinh-su-dung-dat-trong-vu-an-hac-thanh-tower-465678.html