Thực hiện chủ trương chung của Trung ương về việc không tổ chức đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, sắp xếp cấp xã, hiện nay tại TP.HCM, các phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã đang được gấp rút triển khai để làm cơ sở trước khi thực hiện chủ trương không tổ chức cấp huyện.
TP.HCM hiện nay được hình thành trên cơ sở sáp nhập từ nhiều ĐVHC do chính quyền qua các thời kỳ trước đây thành lập; tổ chức hành chính trải qua nhiều lần thay đổi trong lịch sử tồn tại của TP.
Trước năm 1975, TP.HCM ngày nay - lúc bấy giờ - thuộc cai trị của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Sau ngày thống nhất, Đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định và hai quận Củ Chi, Phú Hòa được hợp nhất thành một ĐVHC gọi là TP Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
17 quận, 5 huyện vào năm 1997
Theo các tài liệu, sau 30-4-1975, Đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định và hai quận Củ Chi, Phú Hòa được hợp nhất thành một ĐVHC là TP Sài Gòn - Gia Định.
TP Sài Gòn – Gia Định lúc bấy giờ có 18 quận (Nhất, Nhì, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười, Mười Một, Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Hạnh Thông, Thông Tây Hội, Phú Nhuận, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Hòa) và năm huyện (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức).
Đến ngày 20-5-1976, UBND Cách mạng TP Sài Gòn - Gia Định ban hành Quyết định 301 về việc sắp xếp các ĐVHC lần thứ hai. Theo đó, 18 quận nội thành được sắp xếp lại thành 12 quận (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình) và năm huyện (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức). Lúc này, TP.HCM có 345 ĐVHC cấp xã, bao gồm 74 xã, 270 phường và một thị trấn.
Ngày 2-7-1976, tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa VI đã ban hành nghị quyết đổi tên TP Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM với 12 quận, năm huyện nêu trên.
Ngày 18-9-1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 164 về việc thành lập huyện Côn Sơn thuộc TP.HCM. Tuy nhiên, do xa cách địa lý và để tạo điều kiện quản lý công việc trong tình hình mới, TP.HCM đề nghị giao huyện Côn Sơn về tỉnh Hậu Giang quản lý.
Ngày 15-01-1977, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa VI ban hành nghị quyết phê chuẩn việc đổi tên huyện Côn Sơn thành huyện Côn Đảo và sáp nhập huyện Côn Đảo vào tỉnh Hậu Giang.
Năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 405, đổi tên huyện Duyên Hải thành huyện Cần Giờ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Ngày 29-12-1978, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới TP Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh. Từ đó, sáp nhập huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai vào TP.HCM.
Từ tháng 3-1977 trở đi, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành nhiều quyết định sắp xếp ĐVHC cấp xã tại TP.HCM.
Cụ thể, theo Quyết định 70/1983 của Hội đồng Bộ trưởng, giải thể các phường 2, 6, 8, 9 và 14 thuộc quận Gò Vấp sáp nhập vào các phường kế cận. Đồng thời, chia xã Trung Lập thuộc huyện Củ Chi thành hai xã Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ; chia xã Phước Hiệp thuộc huyện Củ Chi thành hai xã Phước Hiệp và Phước Thạnh; đổi tên xã Phạm Văn Cội 1 thuộc huyện Củ Chi thành xã Phạm Văn Cội.
Trong quyết định này, còn giải thể xã Phạm Văn Cội 2 thuộc huyện Củ Chi; thành lập xã An Phú thuộc huyện Củ Chi trên cơ sở tách hai ấp Phú Trung, Phú Bình của xã Phú Mỹ Hưng và hai ấp Xóm Chùa, Xóm Thuốc của xã An Phú.
Theo Quyết định 258/1985, chia xã Vĩnh Lộc thuộc huyện Bình Chánh thành hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.
Đến năm 1987, thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính một số xã thuộc huyện Thủ Đức như sau: Chia xã Tam Bình thành ba xã lấy tên là Tam Bình, Tam Phú và Linh Đông; chia xã Tăng Nhơn Phú thành ba xã lấy tên là Tăng Nhơn Phú, Hiệp Phú và Tân Phú; chia xã Linh Xuân thành hai xã lấy tên là Linh Xuân và Linh Trung; chia xã Hiệp Bình thành hai xã lấy tên là Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh.
Cũng trong khoảng thời gian này, Hội đồng Bộ trưởng quyết định giải thể toàn bộ 17 phường thuộc quận 6 để thành lập 14 phường mới; giải thể toàn bộ 22 phường thuộc quận 8 để thành lập 16 phường mới; giải thể toàn bộ 18 phường thuộc quận 10 để thành lập 15 phường mới...
Năm 1988, quận 1 thành lập 10 phường như hiện nay. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Ngày 28-12-1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 184, giải thể toàn bộ 20 phường thuộc quận 1 để thành lập 10 phường là Tân Định, Đa Kao, Bến Nghé, Bến Thành, Nguyễn Thái Bình, Cầu Ông Lãnh, Cô Giang, Cầu Kho, Nguyễn Cư Trinh và Phạm Ngũ Lão.
Ngày 18-12-1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 405, đổi tên huyện Duyên Hải thành huyện Cần Giờ.
Ngày 6-1-1997, Chính phủ ban hành Nghị định 03 về việc thành lập quận Thủ Đức, quận 2, quận 9, quận 12 và thành lập các phường thuộc các quận mới. Theo đó, giải thể huyện Thủ Đức và thành lập quận Thủ Đức trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Thủ Đức và bảy xã là Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông, Linh Trung, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú; một phần diện tích và dân số của ba xã là Hiệp Phú, Phước Long, Tân Phú thuộc huyện Thủ Đức. Như vậy, quận Thủ Đức có 12 phường.
Đồng thời, thành lập quận 2 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của năm xã là An Khánh, An Phú, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi và Thủ Thiêm thuộc huyện Thủ Đức. Như vậy, quận 2 có 11 phường
Thành lập quận 9 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của bảy xã là Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Tăng Nhơn Phú, Long Phước, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình; phần diện tích và dân số còn lại của ba xã là Hiệp Phú, Phước Long, Tân Phú thuộc huyện Thủ Đức. Như vậy, quận 9 có 13 phường...
Năm 1997, sau khi sắp xếp để thành lập các quận, phường trực thuộc, TP.HCM có 17 quận (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức) và năm huyện (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ).
Thành lập TP Thủ Đức
Ngày 5-11-2003, Chính phủ ban hành Nghị định 130 về việc thành lập các quận Bình Tân, Tân Phú và các phường trực thuộc, điều chỉnh địa giới hành chính phường thuộc quận Tân Bình; thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Hóc Môn.
TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba quận là 2, 9, Thủ Đức, trở thành TP trong TP đầu tiên. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Trong đó, thành lập quận Bình Tân có 10 phường như hiện nay trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn An Lạc và ba xã là Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông và Tân Tạo thuộc huyện Bình Chánh. Như vậy, quận Bình Tân có 10 phường như hiện nay.
Thành lập quận Tân Phú có 11 phường như hiện nay trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của phường 16, 17, 18, 19, 20; một phần diện tích và dân số của phường 14, 15 thuộc quận Tân Bình.
Ngoài ra còn thành lập thị trấn Tân Túc thuộc huyện Bình Chánh, thị trấn Cần Thạnh thuộc huyện Cần Giờ...
Từ năm 2019 đến nay, TP.HCM trải qua hai lần sắp xếp ĐVHC. Cụ thể, năm 2020, thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP.HCM đã sắp xếp ba quận 2, 9, Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM. Đây là TP trong TP duy nhất ở thời điểm này.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sáp nhập 19 phường thuộc các quận: 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và TP Thủ Đức.
Sau khi thực hiện Nghị quyết 1111, TP.HCM còn 22 đơn vị hành chính cấp huyện gồm một TP trực thuộc là TP Thủ Đức, 16 quận và năm huyện với 312 ĐVHC cấp xã (249 phường, 58 xã và năm thị trấn).
Mới đây, thực hiện Nghị quyết 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023-2025, TP.HCM tiếp tục sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận (3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận) để thành lập 38 phường mới, giảm 39 phường.
Cũng theo Nghị quyết, sau đợt sắp xếp này, TP.HCM có 22 ĐVHC cấp huyện (gồm 16 quận, 5 huyện, 1 TP) và 273 ĐVHC cấp xã (gồm 210 phường, 58 xã, 5 thị trấn). Đây cũng là số lượng ĐVHC tồn tại cho tới hiện nay.
HOÀNG KIM