Từ khi xuất hiện lần đầu trên một bản khắc của Đức vào năm 1892, ảo ảnh “thỏ-vịt” đã khiến người xem không khỏi bối rối bởi khả năng biến hình tài tình – nhìn một lần thấy vịt, lần sau lại hóa thỏ.
Theo các tuyên bố lan truyền trên mạng xã hội, việc bạn nhìn thấy con gì đầu tiên không chỉ là trò chơi thị giác, mà còn liên quan đến sự lạc quan, khả năng trì hoãn hay cách ra quyết định.
Bạn nhìn thấy thỏ hay vịt trước?
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới từ Đại học Hertfordshire đã cho thấy: đa phần những nhận định đó chỉ là... huyền thoại.
Giáo sư Richard Wiseman cùng nhà tâm lý học Caroline Watt từ Đại học Edinburgh đã tiến hành nghiên cứu với 300 người trong độ tuổi từ 18 đến 79. Người tham gia được xem bốn hình ảnh thị giác nổi tiếng: thỏ-vịt, bình Rubin, người phụ nữ trẻ – già và ngựa – hải cẩu.
Sau khi ghi nhận hình ảnh đầu tiên họ nhìn thấy, nhóm nghiên cứu tiếp tục thu thập dữ liệu về tính cách, mức độ lạc quan, khả năng trì hoãn, tư duy tổng thể và kiểu ra quyết định.
Kết quả được công bố trên tạp chí PeerJ đã kiểm chứng – và đồng thời bác bỏ – nhiều tuyên bố đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Trái với các "bài test tính cách" lan truyền trên mạng:
Không có mối liên hệ nào giữa việc thấy con vịt đầu tiên và khả năng trì hoãn công việc.
Thấy khuôn mặt trước trong bình Rubin cũng không liên quan đến khả năng chú trọng chi tiết.
Việc nhìn thấy người phụ nữ già trước cũng chẳng cho thấy bạn logic hay dễ chịu hơn.
Và thấy con hải cẩu trước không phản ánh gì đặc biệt về tư duy phân tích.
Theo Giáo sư Wiseman, những mối liên hệ này "gần như là bịa đặt", và việc chúng phổ biến là ví dụ điển hình cho một "huyền thoại tâm lý học hiện đại".
Không phải tất cả đều vô căn cứ. Nghiên cứu vẫn phát hiện một số mối liên hệ đáng chú ý:
Thấy con vịt đầu tiên liên quan đến mức độ ổn định cảm xúc và lạc quan thấp hơn.
Thấy con thỏ đầu tiên gắn với tính cách hướng ngoại, hòa đồng, siêng năng và tỉ mỉ.
Thấy khuôn mặt trước trong bình Rubin tương quan với mức độ cởi mở cao hơn.
Nhìn thấy người phụ nữ trẻ đầu tiên cho thấy xu hướng ra quyết định bốc đồng.
Thấy con hải cẩu trước liên quan đến trực giác và khả năng ra quyết định nhanh.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: đây là những phát hiện đơn lẻ và cần được kiểm chứng thêm trong các nghiên cứu sâu rộng hơn.
Ảo ảnh thị giác từ lâu đã là đề tài hấp dẫn của khoa học tâm lý – vừa mang tính giải trí, vừa khơi dậy những câu hỏi sâu sắc về cách não bộ con người vận hành.
Nghiên cứu lần này một lần nữa khẳng định: không phải mọi điều lan truyền trên mạng đều đúng. Và đôi khi, thứ tưởng là “bài kiểm tra tính cách” lại chỉ đơn giản là một cú lừa thị giác thú vị.
Bạn thấy thỏ hay vịt trước? Câu trả lời vẫn thú vị – nhưng có lẽ không tiết lộ hết con người bạn như mạng xã hội từng nói.
Như Ý (t/h)