Từ năm 2025, tiếng Anh trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo thống kê, năm nay số lượng thí sinh dự thi môn tiếng Anh là 351.848 em, giảm hơn một nửa so với năm ngoái (năm 2024 đây là môn thi bắt buộc nên có 906.549 thí sinh dự thi).
Tiếng Anh là môn thi nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận nhất bởi tính phân hóa của đề thi năm nay.
Kết quả thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số 351.848 thí sinh dự thi môn tiếng Anh, có gần 134.500 thí sinh điểm thi dưới trung bình (38,22%). Điểm trung bình của môn này là 5,38 (năm 2024 là 5,51).
Có 53.251 thí sinh đạt từ điểm 7 trở lên (15,135%). Điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 5,25 điểm.
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phổ điểm tiếng Anh năm nay khắc phục được tình trạng hai đỉnh trong nhiều năm qua
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng, Trưởng Khoa Công nghệ phần mềm, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Xuân Quý
Tại buổi công bố Hội nghị thông tin phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 chiều ngày 15/7 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng, Trưởng Khoa Công nghệ phần mềm, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho hay, trong quá trình phân tích phổ điểm, môn tiếng Anh gây bất ngờ khi phổ điểm đẹp nhất trong 12 môn thi.
Với kết quả điểm trung bình là 5,38; điểm trung vị là 5,25, chuyên gia đánh giá “hai con số này tương đối sát nhau”, cho thấy mức độ phân phối điểm cân đối.
Phó Giáo sư Trần Đăng Hưng cũng nhận định: Phổ điểm môn tiếng Anh năm nay đã khắc phục được tình trạng hai đỉnh - điều vẫn xảy ra trong nhiều năm nay.
Nhìn chung phổ điểm tiếng Anh năm 2025 có hình dáng cân đối, phân tán đều về hai phía gần với phân bổ chuẩn hơn. Bên cạnh đó, nếu so với năm 2024, chuyên gia cũng đánh giá các chỉ số khá tương đồng nhau.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho rằng, với môn tiếng Anh, năm nay là năm đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Kết quả yêu cầu đầu ra với học sinh có sự thay đổi so với trước đây là đạt phải trình độ B1 (tức bậc 3/6), trước đây chuẩn đầu ra trước đây là trình độ A2 (bậc 2/6).
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà, nhìn vào phổ điểm có thể thấy không còn hiện tượng phổ điểm có "hình yên ngựa". Đây là một tín hiệu rất đáng mừng.
“Ngoài ra, theo trong phổ điểm thi môn Tiếng Anh, mặc dù số lượng thí sinh giảm xuống nhưng nói lên rằng, chất lượng thí sinh tham gia kỳ thi tăng lên”, Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà nhận định.
Phổ điểm môn tiếng Anh trong 4 năm gần đây (2022-2025). Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Từ góc nhìn thực tế giảng dạy tại trường phổ thông, thầy Đồng Quang Thuận - Trưởng chuyên môn Tổ Tiếng Anh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phenikaa (Hà Nội) cũng cho rằng, phổ điểm môn tiếng Anh năm 2025 thể hiện một bước chuyển tích cực trong thiết kế đề thi với xu hướng chuẩn hóa và tăng tính phân loại.
“Với điểm trung bình 5,38 và trung vị 5,25, phổ điểm có dạng gần chuẩn, hơi lệch trái, cho thấy phần lớn thí sinh đạt kết quả trung bình khá, đồng thời có một nhóm nhỏ kéo điểm trung bình lên. Độ lệch chuẩn chỉ 1,45 (giảm mạnh so với 1,88 của năm 2024) cùng với độ lệch tuyệt đối trung vị (MAD) 1,16 phản ánh sự hội tụ rõ rệt của điểm số quanh trung tâm, giúp đánh giá năng lực một cách ổn định và công bằng”, thầy Thuận đánh giá.
Tuy nhiên, đáng chú ý là số thí sinh đạt điểm từ 7 trở lên chỉ chiếm 15.13% (so với 25.2% năm 2024), và số điểm 10 chỉ còn 141 em (giảm 75%).
Theo thầy Thuận, đây là dấu hiệu rõ ràng của việc đề thi đã siết chặt “trần điểm”, tăng cường khả năng phân loại ở nhóm thí sinh khá - giỏi, phục vụ mục tiêu tuyển sinh đại học. Phổ điểm không có hiện tượng “dồn” ở đầu cao, đồng thời loại bỏ hiệu quả các cực trị ở đầu thấp (chỉ 2 thí sinh đạt điểm 0).
“Nhìn tổng thể, phổ điểm 2025 phản ánh một đề thi có độ khó được điều tiết hợp lý, giàu khả năng phân loại và phù hợp với định hướng đổi mới kiểm tra đánh giá, không chỉ phục vụ xét tốt nghiệp mà còn hỗ trợ hiệu quả cho các mục tiêu tuyển sinh đại học và nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên toàn quốc”, thầy Thuận nhận xét.
Chỉ khoảng 15% thí sinh đạt từ điểm 7 trở lên
Trong khi đó, thầy Nguyễn Trung Nguyên - Giáo viên tiếng Anh tại HOCMAI cho rằng, phổ điểm tiếng Anh năm nay phổ biến từ 4 tới 6 điểm, số học sinh đạt điểm số từ 7 điểm trở lên chỉ chiếm khoảng 15% (giảm hơn 10% so với năm 2024), cho thấy mức độ phân hóa của đề thi.
Trên thực tế, số lượng điểm 10 năm nay đã giảm mạnh so với năm ngoái, khi chỉ có 141 thí sinh đạt điểm tuyệt đối, trong khi năm 2024 là 565 - tức giảm 75%, dù đây là môn thi tự chọn, có nghĩa là những thí sinh tự tin với môn học, có năng lực tương đối tốt mới tự tin đăng ký dự thi.
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo thầy Nguyên, "phải thừa nhận rằng hình thức của đề thi tiếng Anh đã tích cực hơn rất nhiều trong việc định hướng học sinh học tiếng Anh cho học sinh”.
Đề thi sử dụng các học liệu được trích ra từ các văn bản thực tế như các bài báo, bài quảng cáo hay bản tin. Các câu hỏi cũng được gắn vào một bối cảnh cụ thể, thay vì yêu cầu học sinh hoàn thành các câu đơn lẻ. Vì vậy, đề thi này yêu cầu học sinh phải kết hợp vận dụng được nền tảng tiếng Anh (ngữ pháp và từ vựng) cùng với các kỹ năng tiếng Anh (đọc hiểu và viết).
Từ đó, thầy Nguyên đánh giá, cách dạy và học tiếng Anh sẽ phải thay đổi theo hướng gắn liền với thực tiễn thực hành nhiều hơn (thay vì học công thức và dấu hiệu như trước đây).
“Học sinh cần được dạy về bản chất của từng chuyên đề ngữ pháp, được phát triển kỹ năng đọc hiểu một cách đúng đắn, với yêu cầu hiểu sâu và trả lời được câu hỏi, thay vì tìm từ khóa để làm được bài, và cần được hướng dẫn kỹ năng viết.
Một điều đáng lưu ý nữa đó chính là từ vựng được sử dụng trong đề thi phần nhiều nằm ngoài sách giáo khoa, vì vậy học sinh cũng cần chủ động mở rộng từ vựng của mình bằng việc chủ động tự học. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất để thành công trong việc học tiếng Anh”, thầy Nguyên chia sẻ.
Top 10 tỉnh, thành phố có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất lần lượt là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Điện Biên, Phú Thọ, Hải Phòng, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Thanh Hóa.
Top 10 tỉnh, thành phố có nhiều điểm 10 môn tiếng Anh nhất là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Gia Lai, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, An Giang và Đắk Lắk.
Doãn Nhàn