Nhịp cầu nối bờ vui

Nhịp cầu nối bờ vui
2 ngày trướcBài gốc
Đẩy mạnh xã hội hóa
Từ tháng 12/2024 đến nay, từ nguồn vốn xã hội hóa 8,2 tỷ đồng, các địa phương ở huyện Phú Tân đã khởi công xây dựng 4 cầu bê-tông. Các cây cầu nằm ở vị trí quan trọng, kết nối nhiều ấp, có lưu lượng phương tiện, học sinh qua lại và vận chuyển hàng hóa đông. Điển hình, cầu kênh xáng Phú Bình, nối liền 2 ấp Bình Phú 1 và Bình Phú 2, trị giá khoảng 2,8 tỷ đồng, do Tổ Xây dựng cầu đường xã Phú Bình phụ trách thi công. Chủ tịch UBND xã Phú Bình Nguyễn Lê Hoàng Minh cho biết, chủ trương xây dựng cầu được đề xuất, người dân rất đồng tình ủng hộ. Tại lễ khởi công, xã tiếp nhận nguồn lực trên 1,1 tỷ đồng, dự kiến thi công trong vòng 90 ngày. Bên cạnh đó, trân trọng sự đóng góp của bà con, nhà hảo tâm, từ 50.000 - 100.000 đồng cho đến 200 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Vũ (xã Phú Bình) chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương này, khi nghe địa phương vận động kinh phí làm cầu kênh xáng, tôi bàn với gia đình hỗ trợ 100 triệu đồng nhằm giúp địa phương sớm thực hiện hoàn thành chủ trương, bà con có điều kiện đi lại thuận lợi, vậy là gia đình đều tán thành”.
Mới đây, 2 xã Phú Thạnh, Phú Thành tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng cầu An Thùy 5, là công trình đăng ký chào mừng Đại hội Đảng các cấp (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh Lý Thị Lệ Hằng thông tin, công trình có ý nghĩa rất lớn đối với Nhân dân 2 xã, vì ấp Gò Ba Gia, thuộc xã Phú Thạnh và ấp Phú Quới của xã Phú Thành là 2 ấp khó khăn nhất, hẻo lánh, với tỷ lệ người dân ở địa phương làm việc rất ít, đa số đều “ly hương” để đi làm ăn xa. Có được cây cầu bê-tông vững chắc là điều bà con chưa bao giờ nghĩ tới như các xã “mặt tiền”. Bởi, thu nhập từ nghề nông còn thấp, đóng góp đủ kinh phí xây dựng cầu là điều xa vời, không biết khi nào mới hoàn thành.
Huy động các nguồn lực xây dựng cầu nông thôn ở huyện cù lao Phú Tân
Rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã hướng về quê hương, như: Gia đình An Thùy cùng ông Đoàn Hữu Thoại đóng góp 500 triệu đồng; nhóm MMSS5, bạn bè và gia đình đóng góp 150 triệu đồng; Nhóm bạn Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) đóng góp 150 triệu đồng; ông Vương Tấn Dũng (TP. Long Xuyên) đóng góp 100 triệu đồng… Ba tháng qua, sự đồng hành và tài trợ kinh phí vật chất, tinh thần của nhà tài trợ, Nhân dân trong và ngoài xã đã góp phần để cầu An Thùy 5 hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng. Công trình đưa vào sử dụng đã giải quyết được vấn đề sản xuất nông nghiệp vào mùa thu hoạch, người dân và trẻ em cũng không còn vượt 3 - 4km đường vòng để qua khoảng cách con kênh như hiện nay. Các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp vật tư, 580 ngày công lao động… Anh Hồ Văn Hòa (xã Phú Hưng) làm nghề phụ hồ, hàng ngày kiếm được vài trăm nghìn giúp gia đình đủ sống. Khi nghe mọi người rủ đi phụ giúp đổ bê-tông xây dựng cầu nối liền 2 xã, anh vui mừng và sẵn lòng tham gia. Bằng cách đóng góp thiết thực, ai có tiền góp tiền, ai không có tiền thì góp sức, mong mỏi lớn nhất là đóng góp để địa phương sớm có điều kiện phát triển.
Phát triển cầu, đường nông thôn
Hiện, mạng lưới giao thông đường bộ huyện Phú Tân bao gồm: Đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và đường giao thông nông thôn (GTNT), có tổng chiều dài 348,099km; có 109 cầu. Về đường thủy, Phú Tân tiếp giáp với 4 sông lớn do Trung ương quản lý, gồm: Sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Vừng, sông Vàm Nao; có 19 tuyến kênh trục chính liên xã dài 105,8km do UBND huyện quản lý. Giai đoạn 2021 - 2024, đã xã hội hóa đầu tư xây dựng được 11 cầu bê-tông, với tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa trên 19,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đầu tư nâng cấp láng nhựa, bê-tông 42 công trình (láng nhựa 14 công trình, bê-tông cốt thép 7 công trình, bê-tông xi-măng 21 công trình), chiều dài 70km.
Theo kế hoạch xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Phú Tân giai đoạn năm 2025 - 2030, mục tiêu của địa phương là thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư thay thế một số cầu GTNT hiện đang bị xuống cấp, không còn đảm bảo an toàn giao thông, hoặc không đáp ứng được nhu cầu lưu thông cho các loại phương tiện phục vụ sản xuất - kinh doanh theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. Để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTNT đồng bộ, bền vững, thống nhất quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật, hạ tầng giao thông thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư gia tăng sản xuất - kinh doanh vào khu vực nông thôn, sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Phạm vi thực hiện chủ yếu trên các tuyến đường đến trung tâm xã, đường liên huyện liên xã, liên ấp và các tuyến đường ra cánh đồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các cầu GTNT xã hội hóa đầu tư phải kiên cố, đạt chất lượng và tuổi thọ theo tiêu chuẩn thiết kế cầu GTNT quy định. Giai đoạn 2025 - 2030, dự kiến huyện Phú Tân xây dựng tổng số 26 cây cầu trên các tuyến đường kênh Thần Nông và tuyến đường liên huyện, xã từ nguồn vốn vận động xã hội hóa, ngân sách huyện hỗ trợ chi phí tư vấn khảo sát thiết kế, lập hồ sơ đầu tư xây dựng.
MỸ HẠNH
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/nhip-cau-noi-bo-vui-a417854.html