Thưa bác sĩ, em bị nhịp chậm xoang và đã được cấy máy tạo nhịp. Như vậy em sẽ phải gắn máy tạo nhịp suốt đời hay có cách nào cải thiện để có thể cai máy tạo nhịp được không? Vì năm nay em mới chỉ 32 tuổi mà máy tạo nhịp chỉ có tuổi thọ khoảng 10 năm. Cảm ơn bác sĩ!
(Chị Nguyễn Thu, ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch)
Bác sĩ trả lời:
Chào chị!
Chỉ định cấy máy tạo nhịp tim đối với bệnh nhân bị nhịp chậm xoang thông thường nằm trong bệnh lý suy nút xoang có triệu chứng và không do các nguyên nhân có thể phục hồi được. Một số chỉ định khác cần cấy máy tạo nhịp tim là hội chứng nhịp nhanh - nhịp chậm, ngưng xoang kéo dài, nhịp tim không tăng thích hợp khi vận động, bệnh lý nút nhĩ thất (block nhĩ thất), bệnh lý ngất tái phát do phản xạ phế vị, đặt máy để sử dụng các thuốc cần thiết mà các thuốc này gây nhịp chậm...
Các rối loạn nhịp này có thể liên tục hoặc từng lúc. Người bệnh cần tái khám và được kiểm tra máy tạo nhịp định kỳ để đánh giá hoạt động của máy cũng như phát hiện thêm các rối loạn nhịp khác theo thời gian. Bác sĩ cũng có thể lập trình để điều chỉnh thông số máy thích hợp và thông báo khi máy gần hết pin. Khi đó máy tạo nhịp cần được thay mới. Việc thay máy mới này là cần thiết vì trong bệnh lý suy nút xoang thì các tế bào phát nhịp tự nhiên đã bị thoái hóa và không có khả năng hồi phục.
BS CKI Nguyễn Văn Tới,
Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai