Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần giảm nhẹ, thanh khoản đi xuống. Nỗ lực bứt phá sớm không thành khi thị trường thiếu sự dẫn dắt của các nhóm ngành có sức ảnh hưởng, trong khi nhóm trụ không còn duy trì được ưu thế về điểm số.
Đóng cửa tuần giao dịch 24/3-28/3, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.317,46 điểm, giảm 0,33%, đánh dấu tuần thứ hai liên tiếp đi xuống. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn TP HCM đạt 18.751 tỷ đồng, giảm 6,555%. Khối ngoại bán ròng tuần thứ 8 liên tiếp trên sàn này với trên 2.000 tỷ đồng.
Giới chuyên gia cho rằng, nhịp chỉnh của thị trường chứng khoán tuần qua là cần thiết cho sóng tăng ở phía trước (ảnh minh họa).
Theo đánh giá của giới chuyên gia, VN-Index có tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp, mức giảm điểm không quá lớn và khối lượng giao dịch sụt giảm nên xu hướng tăng điểm đã thiết lập trong 8 tuần tăng điểm trước đó chưa bị bẻ gãy. Tuy vậy, sau quá trình tăng điểm 2 tháng liên tiếp, áp lực chốt lời gia tăng và thị trường có nhịp điều chỉnh cũng là điều bình thường.
Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, nhịp chỉnh này có thể kéo VN-Index về vùng hỗ trợ mạnh (1.286-1.290 điểm) rồi mới quay trở lại xu hướng tăng điểm. Vì vậy, nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng trong chiều hướng mua và kiên nhẫn chờ đợi VN-Index kiểm tra ngưỡng hỗ trợ mới mạnh tay giải ngân cho vị thế mua ròng.
Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect đưa quan điểm, tuần này thị trường có thể duy trì tâm lý thận trọng và VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ quan trọng 1.300 điểm (+/-10 điểm). Tuy nhiên, khả năng chỉ số giảm sâu hơn vùng này không cao bởi lo ngại thuế quan đã phản ánh phần lớn vào đợt điều chỉnh gần đây.
Việt Nam gần đây đã có những bước đi mạnh mẽ và kịp thời để giảm thiểu nguy cơ bị phía Mỹ áp thuế quan “hà khắc”. Tác động trực tiếp từ thuế quan tới thị trường chứng khoán là hạn chế do nhóm cổ phiếu liên quan tới xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu các chỉ số chứng khoán. Rủi ro và tác động từ thuế quan có thể đang bị “thổi phồng” quá mức.
“Nếu VN-Index lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.300 điểm (+/-10 điểm) sẽ mở ra cơ hội giải ngân với giá vốn tốt cho mục tiêu trung-dài hạn, đặc biệt ở các ngành có triển vọng tích cực trong năm nay như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhà ở, điện, và đầu tư công. Năm 2025, thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ để kỳ vọng vào xu hướng tích cực, bao gồm định giá hấp dẫn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực, những lợi ích lớn từ triển khai hệ thống KRX và nâng hạng thị trường”, chuyên gia doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Còn chuyên gia Vũ Tuấn Duy, Bộ phận Chiến Lược thị trường-Trung tâm Phân tích, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhìn nhận, VN-Index đang kết thúc giai đoạn tăng giá mạnh kéo dài trong 8 tuần và liên tục chịu áp lực điều chỉnh kiểm tra lại các vùng hỗ trợ. Xu hướng ngắn hạn đang chuyển qua giai đoạn điều chỉnh, tích lũy với vùng hỗ trợ gần nhất 1.315 điểm, hỗ trợ mạnh hơn 1.300 điểm.
“Có thể thấy, sau giai đoạn tăng, chỉ số VN-Index đang chịu áp lực cơ cấu danh mục khi đang đến giai đoạn sắp kết thúc quý I-2025, chờ cập nhật các yếu tố cơ bản, kết quả kinh doanh. Chỉ số đại diện sàn TP HCM có thể chịu áp lực điều chỉnh, kiểm tra lại vùng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm nếu không giữ được vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.315 điểm”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Còn theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhịp chỉnh vừa qua chỉ chỉnh giảm với nhịp nhỏ, không có dấu hiệu báo tháo trên diện rộng, cho thấy đây là nhịp điều chỉnh khá lành mạnh. Thanh khoản cũng dần giảm về cuối tuần, cho thấy những sự thận trọng của thị trường cả ở chiều mua lẫn chiều bán.
Đây chỉ là "khoảng lặng" cần thiết sau đà tăng dài, giúp thị trường lấy lại cân bằng, nhịp chỉnh này là cần thiết để chuẩn bị cho sóng tăng ở phía trước.
An Hạ