Nhớ mãi lần đầu tiên được ông hỏi thăm và tâm sự với tôi đó là: Vào buổi chiều ngày 02/10/1983 trong buổi sinh hoạt đầu tiên của tôi tại Chi bộ Phòng Nghiên cứu công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT), thuộc Văn phòng Tổng cục Chính trị. Ông là đảng viên của Chi bộ Phòng Nghiên cứu CTĐ, CTCT, Văn phòng Tổng Cục chính trị. Tôi và đồng chí Lê Minh Tân sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo tích lũy học phần tại Học viện Chính trị - Quân sự, nhận bằng Cử nhân đại học về xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Tốt nghiệp loại giỏi và đã trải qua chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường, qua Chính ủy Trung đoàn nên đã được chọn về công tác tại Phòng Nghiên cứu CTĐ, CTCT thuộc Văn phòng Tổng cục Chính trị.
Phòng chúng tôi do đồng chí Đại tá, Giáo sư tiến sĩ Trịnh Quang Tân làm Trưởng phòng và cũng là Bí thư Chi bộ. Trong buổi sinh hoạt hôm đó, tôi và đồng chí Lê Minh Tân được đồng chí Trịnh Quang Tân, Bí thư Chi bộ giới thiệu khá cụ thể vì là đảng viên mới của Chi bộ.
Đại tướng Chu Huy Mân (1913 - 2006) Ảnh tư liệu
Kết thúc buổi sinh hoạt, Đại tướng Chu Huy Mân đã đến bắt tay hai chúng tôi và hỏi thăm tình hình học tập, công tác trước khi được điều về Văn phòng Tổng cục Chính trị. Đối với tôi, ông hỏi kỹ hơn “Cậu cùng quê xứ Nghệ hẹ? Còn trẻ đã trưởng thành, phát triển trong chiến đấu, phải tích cực học tập, phải vừa làm vừa học thì mới tiến bộ”. Ông tiếp tục hỏi tôi: “Thế cậu chiến đấu ở chiến trường nào là chính?”, “Dạ! em đã chiến đấu nhiều năm ở chiến trường Quảng Trị, nhưng đến tháng 5/1974 được Bộ Tổng tham mưu điều Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 vào tăng cường cho Quân khu 5 để tiêu diệt căn cứ Thượng Đức ở Đại Lộc, Quảng Đà”. “Thế à! Lúc đó cậu làm gì?”; “Dạ! em làm Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66”. Ông lặng lẽ suy nghĩ một lúc và nói: “Chiến dịch ấy, Trung đoàn 66 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập được nhiều chiến công rất vang dội, nhưng ta cũng tổn thất lớn”.
Tôi không bao giờ quên vào giữa tháng 7 năm 1974, tại sở chỉ huy Trung đoàn 66 ở gần Cao điểm 296 phía Bắc căn cứ Thượng Đức, Trung đoàn triệu tập cán bộ chủ trì từ đại đội trở lên quán triệt nhiệm vụ và phương án tác chiến trên sa bàn về tiến công căn cứ Thượng Đức, có đại diện Bộ Tư lệnh Sư đoàn và Quân đoàn cùng dự.
Hôm đó, đồng chí “Hai Mạnh” đến giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 66. Đồng chí “Hai Mạnh” tức Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5. Với giọng nói nhẹ nhàng, điềm tĩnh ông nói rất rõ ràng, mạch lạc: “Căn cứ Thượng Đức là Chi khu Quận lỵ được xây dựng từ thời Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống và ngày càng được gia cố thêm kiên cố. Kẻ địch coi căn cứ Thượng Đức là lá chắn thép, bảo vệ thành phố Đà Nẵng từ phía Tây Nam. Đà Nẵng là khu liên hợp quân sự lớn nhất nhì Miền Nam của Mỹ - Ngụy. Kẻ địch hiện tại dùng căn cứ Thượng Đức làm bàn đạp mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta, chúng phá hoại Hiệp định Pa ri đã ký kết.
Do vậy, ta phải tiêu diệt bằng được căn cứ này để tập trung đập tan âm mưu phá hoại ý đồ của địch. Ông nhấn mạnh: Chiến dịch này, lực lượng chủ yếu là Trung đoàn 66 tấn công tiêu diệt Chi khu Quận lỵ Thượng Đức; các đồng chí phải chiến thắng cả về quân sự và chính trị. Về quân sự phải tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, làm chủ căn cứ. Về chính trị là mở rộng vùng giải phóng từ Thượng Đức đến Vùng B, Đại Lộc, giải phóng 13 ngàn dân. Tạo niềm tin to lớn trong Nhân dân, nâng cao sức mạnh chiến đấu của chủ lực ta. Sau khi Thượng Đức bị thất thủ, chắc chắn quân địch điên cuồng đưa lực lượng ra tái chiếm Thượng Đức. Ta phải chuẩn bị để giữ vững vùng Giải phóng.
Thượng tướng Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) thăm hỏi các cán bộ Quân đội chuẩn bị đi công tác các tỉnh miền núi (tháng 11-1977). Ảnh: TTXVN
Ông quán triệt và động viên rất sâu sắc trong buổi giao nhiệm vụ, đặc biệt ông nêu bật về truyền thống Anh hùng của Trung đoàn 66, của Sư đoàn 304 chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, nay lại được sát cánh cùng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Đà lập nên nhiều chiến công mới. Kết thúc buổi giao nhiệm vụ, đồng chí đã giao lá cờ giải phóng rộng 50m2 cho Trung đoàn 66. Đây là lá cờ giải phóng để các đồng chí cắm lên đỉnh căn cứ Thượng Đức; ông ân cần: “Đây là niềm tin của Đảng bộ và Nhân dân, LLVT tỉnh Quảng Đà giao cho các đồng chí”!.
Cuối buổi giao nhiệm vụ, đồng chí Lê Xuân Lộc, Chính ủy Trung đoàn đã hứa: “Trung đoàn 66 nhất định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà đồng chí Thượng tướng Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 đã giao. Trung đoàn 66 sẽ tiêu diệt và bắt sống hết quân địch trong căn cứ Thượng Đức và cắm lá cờ đồng chí giao trên Trung tâm Chi khu quận lỵ Thượng Đức”. Đúng như lời hứa của đồng chí Chính ủy Trung đoàn Lê Xuân Lộc, sau 10 ngày (từ 29/7 đến 7/8/1974), Trung đoàn 66 đã tấn công quyết liệt và đã giành thắng lợi trọn vẹn, tiêu diệt căn cứ Thượng Đức và mở rộng vùng giải phóng ở huyện Đại Lộc. Đó là kỷ niệm đầu tiên tôi được gặp đồng chí Thượng tướng Chu Huy Mân tại mặt trận Thượng Đức.
Khi tôi công tác ở Phòng Nghiên cứu CTĐ, CTCT, thuộc Văn phòng Tổng cục Chính trị, sau đó tôi được bầu vào cấp ủy Chi bộ Phòng Nghiên cứu CTĐ, CTCT, đồng chí Trịnh Quang Tân làm Bí thư; đồng chí Việt Hà người giúp việc trực tiếp cho đồng chí Chu Huy Mân làm Phó Văn phòng và Phó Bí thư Chi bộ phòng Nghiên cứu CTĐ, CTCT. Phòng nghiên cứu có 2 bộ phận, bộ phận chủ yếu là nghiên cứu CTĐ, CTCT trong Quân đội. Bộ phận thứ 2 là tập trung biên soạn công trình tổng kết CTĐ, CTCT trong liên minh chiến đấu Việt – Lào. Bộ phận này toàn những Đại tá cao niên đều trải qua thời kỳ Nam tiến và Tây Tiến do đồng chí Chu Huy Mân trực tiếp chỉ đạo, biên soạn công trình. Do tính chất công việc, hơn nữa cùng sinh hoạt trong một chi bộ nên chúng tôi được tiếp xúc nhiều với đồng chí Chu Huy Mân.
Đồng chí Chu Huy Mân có tính cách hiền lành, đức độ gần gũi anh em, ông là một con người tâm huyết với công việc. Ông vô cùng tâm đắc với công trình tổng kết CTĐ, CTCT trong Liên minh chiến đấu Việt – Lào, ông luôn nhắc đến tình cảm hết sức sâu sắc, vừa yêu thương kính trọng Nhân dân và quân đội Lào anh em, vừa thể hiện tình cảm sâu nặng đối với bạn. Là cán bộ đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng của nước bạn Lào nên khi chỉ đạo biên soạn công trình này, ông đã dồn hết tâm huyết
Đối với bộ phận chuyên nghiên cứu về CTĐ, CTCT trong quân đội, ông thường lắng nghe những phản ánh từ thực tiễn, những yêu cầu đặt ra cần giải quyết. Với phong cách làm việc bình đẳng, dân chủ, lắng nghe ý kiến cấp dưới, đồng chí Chu Huy Mân luôn luôn được anh em kính trọng và mến phục. Một vị tướng xông pha trận mạc, người chỉ huy tài tình, lập nhiều chiến công xuất sắc trong các cuộc kháng chiến. Trong cuộc sống đời thường mặc dù ông có địa vị cao trong xã hội nhưng lại rất giản dị, bữa ăn hằng ngày của ông cũng rất đạm bạc, ông vốn thích những món ăn như ruốc, mắm bôi, cà muối xứ Nghệ…
Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 4 trong cuộc sống đời thường.
Tôi được ở gần ông chưa đầy 5 năm, cùng sinh hoạt một Chi bộ, có nhiều kỷ niệm về ông. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình lúc đó rất khó khăn, tôi xin và được chuyển vùng về công tác ở Bộ Tư lệnh Quân khu 4, với cương vị là Phó Chánh văn phòng và quyền Chánh văn phòng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu. Tôi vẫn được phục vụ ông trong những lần ông vào làm việc và thăm Quân khu và các tỉnh trong Quân khu.
Cuối tháng 9/1988, một trận lũ rất lớn xẩy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Băng trong những cơn mưa xối xả, Đại tướng Chu Huy Mân vào thăm chiến sĩ đồng bào, kiểm tra tình hình phòng chống, khắc phục hậu quả bão lụt. Vẫn tác phong nhanh nhẹn, ra tận chiến hào như năm nào chỉ huy đánh giặc trên chiến trường, nơi Đại tướng đến đầu tiên là vùng tâm bão, lụt “Chín Nam” Nam Đàn. Trên chiếc xe lội nước băng băng cưỡi lên dòng nước cuồn cuộn của Sông Lam, nhìn những nóc nhà chơi vơi trong nước, ông hỏi Tư lệnh Quân khu 4:
- Đi xe này tiếp cận nhà dân như thế nào? Sóng xe gây ra làm đổ nhà bà con mất!
Đồng chí Tư lệnh báo cáo phương án dùng xuồng, thuyền nhỏ tiếp cận nhà dân, ông mới yên tâm.
Đê Sông Lam bị vỡ nhiều chỗ gây ngập sâu có nơi 2 đến 3 m. Ông hỏi đồng chí Bí thư Huyện ủy Nam Đàn cặn kẽ từng chi tiết việc tổ chức sơ tán dân, công tác đảm bảo tổ chức đời sống Nhân dân ở các điểm sơ tán. Ông nhắc Tư lệnh Quân khu 4 chuyển gấp nhà bạt đến các điểm sơ tán hỗ trợ nơi ăn nghỉ cho bà con, giúp bà con làm vệ sinh, đề phòng dịch bệnh.
Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân ở xã Hưng Hòa (thành phố Vinh, Nghệ An). Ảnh: Baoquankhu4đại t.
Vào "tiền phương" của Quân khu và huyện Nam Đàn trên đê Tả Nam, ông yêu cầu báo cáo tình hình thiệt hại, việc đảm bảo sức khỏe cho dân đặc biệt người già, trẻ nhỏ, phụ nữ. Ông nhắc đi, nhắc lại: Không được để ai thiếu ăn, thiếu nước sạch để uống, ốm đau phải có thuốc. Huyện ủy, UBND huyện cùng Quân khu thành lập ngay các tổ công tác đến với từng nhà, từng xóm thôn hỗ trợ dân. Một cuộc họp ngày trên triền đê giữa bốn bề mênh mông nước bạc. Những ý kiến chỉ đạo của ông rất cụ thể, thiết thực, tất cả đều từ một nguyên tắc: Tất cả vì cuộc sống của người dân, xây dựng những dự báo chính xác, sát thực tiễn để ngày khi nước rút bồi trúc ngay những chỗ đê vỡ, hư hỏng, chủ động cho những trận lụt có thể xẩy ra sắp tới, giúp bà con vật tư, giống cây con để phục hồi và phát triển sản xuất từng bước ổn định để phát triển. Đến thăm những hộ dân còn trụ lại trên các nhà chòi. Ông rất ngợi khen tinh thần, sáng tạo, chủ động, tìm cách thích ứng của bà con. Gặp một cụ già cởi trần, ông tiến tới nắm tay ân cần:
- Chắc nước lụt cuốn mất hết áo quần rồi phải không cụ?
Cụ già gượng cười:
- Nước lên nhanh quá, trở tay không kịp.
Đại tướng nhanh chóng cởi chiếc áo mình đang mặc khoác lên người cụ.
Cụ già “Chín Nam” có ngờ đâu người vừa cởi áo sẽ chia cùng cụ là Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Đại tướng Chu Huy Mân!
Trên đường về sở chỉ huy Lữ đoàn Công binh 414, Đại tướng nhắc Tư lệnh Quân khu 4: Phải nắm ngay danh sách quân nhân nhà bị lũ lụt, khi nước rút cho anh em đi phép, trợ cấp ngay cho gia đình các quân nhân bị thiệt hại nặng nề,
Bữa cơm trưa ở Lữ đoàn 414 được dọn ra. Đại tướng vẫy tay gọi tôi lại gần:
- Tình vào mượn cho mình mấy chiếc đĩa sạch!
Tôi ngơ ngác chưa hiểu ý ông, vội đi vào phía trong lấy mang ra mấy chiếc đĩa. Đại tướng bảo:
- Tình san hộ thức ăn ra đó, để dành cho anh chị em phục vụ khi còn nguyên…
Tôi chỉ biết làm theo, lòng trào dâng bao cảm xúc! Ở Đại tướng Chu Huy Mân mọi suy nghĩ, việc làm đều dành cho Nhân dân và đồng chí, đồng đội. Ông nhận hết thảy tin yêu của chiến sĩ, đồng bào vì lẽ bình dị ấy.
Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình