Nhớ anh Nguyễn Thế Phương!

Nhớ anh Nguyễn Thế Phương!
7 giờ trướcBài gốc
Minh họa: BH
Chỉ có một ngày để chuẩn bị, và theo yêu cầu ghi trong giấy mời, đại biểu ở xa phải có mặt từ chiều ngày 13/1 ở thôn Hữu Bộc, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Sơn). Đến nơi, tôi mới thấy trụ sở Tập san ở nơi sơ tán thật đơn giản. Đó là mấy gian nhà dân, khá rộng. Lúc ấy trong cơ quan chỉ có hai người. Một anh có dáng giản dị, phong nhã, mặc sơ mi cộc tay (tháng Chạp năm ấy trời rất nóng) bước ra giúp tôi dựng xe, thân mật hỏi: “Đào Hữu Phương hả? Đi đường có mệt lắm không? Mình là Mai Ngọc Thanh". Và anh chỉ người đeo kính trắng ngồi bên bàn giấy: Còn đây là nhà văn Nguyễn Thế Phương. Cậu vào đi, anh Phương cũng đang cần gặp”.
Tôi rụt rè bắt tay từng người, lòng khấp khởi mừng vì ngay phút đầu đã được tiếp xúc với một nhà thơ có nhiều thi phẩm hay mình đã được đọc và đặc biệt là với cả một nhà văn tên tuổi. Trong tôi có một cảm giác rất lạ. Tôi đang ngồi trước tác giả tiểu thuyết “Đi bước nữa” tác phẩm từng được lũ học trò cấp hai chúng tôi đọc say mê. Nhà văn thật đúng như tưởng tượng của tôi: Phong độ, hào hoa với cặp kính trắng rất đáng nể. Nhà văn pha trà, rót cho tôi một chén rồi nói: “Anh Phương uống nước đi. Hai truyện ngắn anh gửi xuống tôi đã đọc. Vấn đề trong “Ruộng chùa” có mới nhưng cách giải quyết chưa thật thuyết phục, tôi chọn truyện “Người Sông Chu” để in số Tết này. Tôi có nhận xét khi viết về các nhân vật thiếu niên ngòi bút của anh hoạt hơn. Anh nên phát huy thế mạnh này. “Người Sông Chu” khi biên tập tôi đặt lại tên truyện là “Trận địa Sông Chu”.
Tôi suýt ngất vì sung sướng. Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên. Sáng hôm sau hội nghị khai mạc. Đó là lần đầu tiên tôi được dự một hội nghị văn học, được gặp gỡ, làm quen với những cây bút đàn anh đã có nhiều tác phẩm in trên “Người bạn Văn hóa” như: Hà Khang, Minh Hiệu, Mai Bình, Trần Hiệp, Nguyễn Xuân Nha...
Tháng 6 năm ấy tôi được mời tham dự trại sáng tác văn học của tỉnh. Đây là lần thứ ba Ty Văn hóa - Thông tin mở trại dành riêng cho lực lượng sáng tác. Số cây bút mới chiếm tỷ lệ rất ít trong đó có tôi, Huy Trụ, Mai Hảo Ân và mấy học sinh cấp ba Lam Sơn. Trước khi xuống cơ sở thâm nhập thực tế chúng tôi được học chính trị và nghiệp vụ sáng tác hơn nửa tháng. Trong đó có nhà thơ Minh Hiệu trình bày về “Nghệ thuật ca dao và sáng tác ca dao”; nhà thơ Mai Ngọc Thanh với “Thơ và kinh nghiệm làm thơ” và loạt bài giảng về truyện và sáng tác truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thế Phương.
Nghe bài giảng và những kinh nghiệm viết của nhà văn, tôi đã vỡ ra nhiều vấn đề. Sự hăm hở ban đầu kiểu “điếc không sợ súng” lúc này đã nhường chỗ cho nỗi lo vì sự hụt hẫng kiến thức (Tôi vốn chỉ mới học hết cấp hai rồi phải nghỉ học để đi làm). Tôi mang tâm sự này thổ lộ cùng nhà văn. Anh động viên tôi: “Các nhà văn không phải ai cũng có may mắn được học hành đến nơi đến chốn. Anh còn trẻ, có điều kiện nên theo học cấp ba bổ túc để nâng cao trình độ văn hóa. Mấy truyện ngắn anh viết cho thiếu nhi gần đây tôi thấy đã hứa hẹn một cách nhìn, cách viết. Anh nên đi sâu vào mảng đề tài này”.
Hoàn cảnh tôi lúc ấy làm gì còn có điều kiện để bước chân đến cổng trường. Sau ngày kết thúc trại sáng tác, trở về tôi tiếp tục viết. Sai lầm của tôi là đã không làm theo cách “mèo nhỏ bắt chuột con” mà bập vào viết dài. Sau một năm vừa lăn lộn kiếm sống vừa viết, tháng 7/1968 tôi đã hoàn thành bản thảo "Phố nhỏ”. Truyện có dung lượng khoảng 50 ngàn từ (chừng 150 trang in). Tôi gửi nhiều hy vọng vào tác phẩm này. Ngày chép xong bản thảo, tôi hăm hở lấy vé xe khách đem xuống Ty Văn hóa - Thông tin. Nhà văn Nguyễn Thế Phương đã ra Hà Nội nhận công tác ở Nhà xuất bản Văn học. Tôi trao bản thảo cho một ông nhà văn, ông hờ hững lật qua vài trang rồi đặt xuống bàn, sau một hồi lục vấn tôi đủ điều về đề tài, chủ đề tư tưởng của tác phẩm, ông lắc đầu phán: “Tại sao các cậu không tự lường sức mình mà cứ nôn nóng viết dài vội là thế nào nhỉ?”. Tôi như bị dội một gáo nước lạnh.
Năm 1973, trên đường ra Vạn Phúc (Hà Đông) họp cộng tác viên báo Quân khu Ba, khi qua Hà Nội tôi tìm đến Nhà xuất bản Văn học thăm anh Nguyễn Thế Phương. May cho tôi lúc đang còn lớ ngớ tìm số nhà thì nghe tiếng gọi trong quán nước gần đấy: “Đào Hữu Phương phải không?”. Nhận ra anh tôi mừng quá. Và cũng ngạc nhiên vì anh uống rượu hơi nhiều. Anh bảo tôi: “Mình buồn lắm, có thằng con thì hy sinh mất rồi. Lâu nay mình cứ phải dùng rượu để giải sầu”. Rồi anh hỏi: “Gần đây viết được những gì, mình có xem mấy số tạp chí của tỉnh, thấy cậu in cả thơ?” Tôi thú thật với anh về nỗi thất vọng sau truyện dài “Phố nhỏ” và lý do mình làm thơ mấy năm nay. Anh khuyên: “Đừng nản. Nếu thấy mình có thế mạnh ở mảng viết cho thiếu nhi thì cứ kiên tâm mà làm, cái gì đã viết mà chưa được in thì cứ để đấy, sau này sửa chữa, nâng cao”.
Lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy một lần nữa tôi lại được anh đốt lên ngọn lửa đã gần tàn rụi trong tôi. Trở về tôi lại hăm hở bắt tay vào viết cái truyện dài “Xóm núi” (sau này người biên tập đổi thành “Những người bạn chí thân”). Số phận đứa con tinh thần của tôi lần này gặp may mắn hơn. Chính tác phẩm này đã đảo lộn một số dự định và vị trí của tôi trong làng văn nghệ xứ Thanh. Trước hết là việc Ban vận động bỏ phần thơ của tôi dự kiến in chung với một tác giả khác, sau đó giới văn nghệ Thanh Hóa tổ chức đại hội, thay vì ở tiểu ban Thơ tôi được nhận thẻ hội viên tiểu ban Văn xuôi và là ba tác giả viết cho thiếu nhi có sách in riêng lúc ấy (Phùng Thanh Vân với “Cuộc truy lùng Cáo mũi đỏ”, Đinh Phan Cảnh với “Mướp lớn lên rồi” và tôi với “Những người bạn chí thân”).
Thời gian này tôi năng xuống thị xã hơn, vì vậy những thông tin về tình hình sức khỏe của nhà văn Nguyễn Thế Phương cũng thường xuyên được nhà thơ Mai Ngọc Thanh cho biết. Tin anh từ trần tôi nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Đài đã dành hẳn mấy chương trình “Đọc truyện đêm khuya” để giới thiệu truyện ngắn “Bạn cũ”, một tác phẩm nổi tiếng của anh.
Nhiều năm sau, mỗi lần có dịp về thị xã tôi lại được nghe nhà thơ Mai Ngọc Thanh nhắc lại những ngày tháng cuối cùng của đời anh, nhắc lại nỗi đau day dứt về cái chết và phần mộ của con trai Nguyễn Hoàng.
Một ngày cuối năm 1999, tôi ngồi xem chương trình Thời sự của Đài truyền hình Việt Nam cùng ông bạn đồng niên là thượng tá quân đội vừa nghỉ hưu. Không hiểu sao khi nhìn cảnh nước lũ ngập tràn khắp nơi tôi lại nghĩ đến Cái Quan Tài, “nhân vật” chính trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, nghĩ đến bao khó khăn của người dân vùng lũ nếu chẳng may có người thân qua đời đúng vào thời điểm ấy. Tôi mang tâm sự ấy chia sẻ với anh. Bạn tôi nguyên là một người lính từng lăn lộn nhiều năm ở vùng tứ giác Long Xuyên thời chống Mỹ, sau này là chiến sĩ tình nguyện giúp bạn ở Campuchia, thở dài rồi nói: “Chôn cất người chết những ngày lũ lên cực lắm ông ơi! Lúc chiến tranh còn cực gấp nhiều lần. Tôi đã mấy lần tự tay chôn cất đồng đội nhưng chưa lần nào đau xót bằng cái lần chôn thằng bạn là con trai một nhà văn giữa mùa nước nổi...”. Như có một dòng điện chạy qua người, tôi vội hỏi: “Anh bảo nhà văn nào? Bạn anh tên là gì?”. Bạn tôi đáp: “Cậu ấy là Nguyễn Hoàng, con trai nhà văn Nguyễn Thế Phương, tác giả tiểu thuyết “Đi bước nữa” hồi học cấp hai bọn mình đã được đọc ấy”.
Anh thủ thỉ kể: “Bọn mình lúc ấy là lính Đại đội 2, Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 1. Hoàng là chiến sĩ văn thư kiêm quân khí đại đội. Hoàng có dáng cao to, nước da trắng, rất điển trai, chữ viết đẹp, đầu tóc quần áo lúc nào cũng tươm tất. Cậu ta khoe có em gái đang học cấp ba, hết chiến tranh thằng nào nhanh chân về ra mắt sẽ cho làm em rể. Anh em ai cũng quý. Đầu tháng 10/1972, Tiểu đoàn mình phối hợp với Tiểu đoàn 46 tiến đánh một cụm cứ điểm ngụy gần Nhà máy Xi măng Kiên Lương. Xong chiến dịch đơn vị phải rút vào rừng tràm. Đang mùa nước nổi, rừng tràm và các trảng cỏ quanh vùng nơi nào nước cũng ngập tới ngực. Địch cho trực thăng cán gáo bay thấp quần đảo, ném lựu đạn và xả tiểu liên suốt ngày. Vì vậy bộ đội chỉ vào rừng ban đêm, còn ban ngày phải bò ra các trảng cỏ, khi nghe tiếng è è của bọn cán gáo đi lùng lại nằm xuống, kéo cỏ phủ kín người chỉ để hở mũi và hai mắt. Đêm ngày 15/10, trời sáng trăng, bọn mình vào ấp lấy gạo, khi về gặp địch phục kích. Hoàng bị thương rất nặng. Anh em dìu được vào rừng thì tắt thở. Tình thế thật khó khăn. Khắp nơi chỗ nào cũng ngập nước, tìm mãi mới được một chỗ nông. Anh em phải vượt đất đắp một cái gò để mai táng Hoàng. Chôn cất xong bọn mình còn chặt mấy cây tràm đóng chéo xung quanh, sợ nước tiếp tục dâng sẽ tung mộ lên mất. Vậy mà sau chiến dịch, khi nước rút, trở lại tìm mộ Hoàng chẳng còn thấy dấu vết gì nữa. Đau xót quá!”.
Tôi lặng đi.
Anh Phương ơi! Đấy là những thông tin cuối cùng về người con trai yêu quý của Anh. Xương thịt Hoàng hoặc là được những người dân Nam bộ chất phác chôn cất lại, cũng có thể đã hòa tan vào từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu. Xin anh hãy tin vào điều đó!
Đào Hữu Phương (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/nho-anh-nguyen-the-phuong-38008.htm