Khí hậu Tây Nguyên với 2 mùa nắng mưa rõ rệt. Nhưng với vùng núi cao, mùa nào về đêm cũng lạnh. Vì vậy, bếp lửa được xem như là vị thần hộ mệnh đem lại sự sống, niềm vui, hạnh phúc quanh năm của từng gia đình trong những buôn làng xưa. Các tộc người ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên đa phần có kiểu thiết kế và đặt bếp lửa trong nhà sàn giống nhau.
Một gia đình trung bình có 3 thế hệ thường làm 2 bếp lửa: bếp chính và bếp phụ. Bếp chính đặt phía bên phải cửa ra vào, nằm gần với phên sau của căn nhà, diện tích có phần nhỉnh hơn, có giàn bếp (gác bếp) phía trên để các thực phẩm cần hong khô. Bếp phụ có phần nhỏ hơn nằm phía bên trái cửa ra vào, đa phần có hình vuông với khung gỗ, bên trong được nện chặt bởi đất sét. Bếp lửa thường có 3 hòn đá bằng nhau làm ông táo (có thể xê dịch khi cần thiết).
Theo tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Tây Nguyên thì bên cạnh các thần núi, thần sông, thần làng thì còn có thần nhà, thần bếp lửa… Đây là những vị thần gần gũi đem lại sự no ấm, hạnh phúc của các thành viên trong gia đình nên trong các lời khấn của nghi lễ như cúng mừng sức khỏe, lễ thổi tai, mừng lúa mới, cúng nhà mới… họ đều gọi mời thần bếp lửa về dự, chứng kiến với mong ước đem lại sự may mắn cho gia đình. Họ có những quy tắc, kiêng kỵ đối với bếp lửa gia đình, như luôn giữ bếp lửa khô ráo, gọn gàng.
Khi làm nhà mới, đầu tiên phải cúng thần bếp với nghi lễ đầy đủ, sau đó thầy cúng trao ngọn lửa thiêng cho người chủ nhà (thường là người đàn bà lớn tuổi trong nhà) và đun bếp lửa cháy liên tục ngày đêm bằng củi rừng khô được chuẩn bị từ trước.
Những ngày sau đó, không được để bếp lửa lạnh mà phải ủ than nóng trong tro, khi cần nấu nướng, chỉ cần cho củi vào. Trẻ con không được chơi đùa bên bếp lửa chính; người ngoài không được tự tiện đến bếp để xin lửa mang về mà phải được người chủ nhà cho phép và tự tay gắp than hồng cho.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Củi để đun bếp được chọn lựa, đem về dự trữ trong nhiều tháng, nhất là những tháng mưa kéo dài. Củi phải được chặt từ những cây đứng, khô ráo. Tích trữ củi để bếp lửa gia đình được đỏ, ấm áp quanh năm là nhiệm vụ khá vất vả của người phụ nữ trong gia đình.
Một số dân tộc còn có phong tục “củi hứa hôn”. Người con gái khi đến tuổi cập kê, được cha mẹ hướng dẫn cách chặt và tích trữ củi hứa hôn. Họ phải vào rừng lựa những cây dẻ, thông đỏ, bời lời vừa tầm, chặt từng đoạn, chẻ đều, bó đẹp rồi gùi về nhà để nơi khô ráo. Đến khi hứa hôn, người con gái mang số củi mình đã tích trữ sang bên nhà chồng để làm sính lễ. Củi chắc, thẳng, đẹp, ngay ngắn… thì người con gái đó được nhà chồng và người làng cho là có đức hạnh, siêng năng, có tố chất làm người vợ tốt.
Người dân tộc bản địa Tây Nguyên quan niệm, bếp lửa không chỉ là nơi để nấu nướng, đem lại sự no ấm cho mọi thành viên trong gia đình mà còn là nơi để sưởi ấm trong suốt mùa mưa lạnh lẽo và những đêm dài buốt giá của rừng; là nơi thắp sáng khi mặt trời xuống núi, người người trong nhà còn nhìn rõ mặt nhau. Không những thế, bếp lửa chính còn là nơi tụ họp gia đình, khuyên dạy con cháu; là nơi tiếp khách với ché rượu cần và ngọn lửa cười ấm áp cùng câu chuyện râm ran cả đêm trường…
Tôi đã từng ngồi với già làng bên bếp lửa nhà sàn ấm áp trong đêm đông giá lạnh, uống từng can rượu cần và trò chuyện với chủ nhà cho đến khi say lúc nào không hay. Nửa đêm tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên chiếu bên bếp đang đỏ lửa; thỉnh thoảng lại có người đến chêm thêm thanh củi để giữ cho ấm cho mọi người trong giấc ngủ ngon. Có những bữa cơm mà tôi là khách, cũng chỉ với chiếc đòn gỗ ngồi bên bếp lửa, bà con đem cho tôi những ống cơm lam còn nóng, có lẽ được người nhà nướng bên bếp phụ.
Chủ nhà ngồi cùng tôi bên bếp chính, lấy cây khơi trong tro nóng vài mụt măng le còn non, nóng hôi hổi rồi bóc đưa cho tôi chấm với muối é giã ớt, ăn cùng với cơm dẻo, ngon ngọt đến khó tả. Dân dã là vậy nhưng đầm ấm và hạnh phúc vô cùng. Và tôi không thể nào quên những khoảnh khắc bên bếp lửa nhà sàn mà các gia đình đã dành cho mình sự ấm áp bên ngọn lửa thiêng ngày ấy.
BÙI QUANG VINH