Tôi năm nay 87 tuổi. Diễm phúc là tôi đã sống qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ và 50 năm từ sau ngày giải phóng. Đến nay, tôi có một đại gia đình 22 người, trong đó 10 đứa con, dâu, rể đều thành đạt, 8 đứa cháu nội, ngoại thì 3 đứa đã qua đại học, đi làm, 4 đứa đang học đại học và 1 đứa đang học phổ thông. Năm con Rồng thêm 1 đứa cháu cố ra đời.
Tôi có ngôi nhà kiên cố nằm giữa vườn cây, xa tiếng động cơ xe và ồn ào phố chợ. Suốt ngày quanh nhà lúc nào cũng có tiếng chim ríu rít, những con chim nhỏ chuyền cành chăm chỉ bắt sâu; chưa đến hè mà bầy ve đã râm ran trên cành lá.
Trong nhà tôi có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt hợp thời. Tôi không còn cảnh ngồi trong tum đưng nóng bức và bịt gió, nhiều muỗi, mà trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ, muốn mát, muốn lạnh chỉ bấm nút cái rờ-móc. Không phải ngồi kê giấy lên đầu gối để viết, mà có bàn, ghế đại gỗ quí, rọi sáng bằng đèn nê-ông. Không phải uống nước khi nấu sôi phải gắp mấy cục than bỏ vô nồi để giảm nồng độ phèn, mà có máy lọc nước tinh khiết có 3 vòi nóng, mát và lạnh tùy ý khi uống. Không phải trải tấm ni-long trên nền đất, mà có giường nệm, gối kê đầu, có cả gối ôm để ngủ. Mùa khô không phải mang bõng trên lưng, lội bộ băng qua những cánh đồng cỏ, mỏi rã rời hai chân, hay mùa nước bơi xuồng, ngủ gục đêm khuya, mà đi lại có xe bốn bánh, đi xa có máy bay, vượt biển có tàu cao tốc... Mặc, không phải vài bộ bà ba đen, phèn bám vàng ống quần, tay áo, mà là âu phục, ủi láng, chân mang giày... Nhớ vợ con, muốn biết tin tức có bình yên không, khi nghe hướng đó ầm ì bom đạn, mà không sao liên lạc được; nay có điện thoại di động thông minh, mở ra bất kỳ lúc nào, con cháu ở xa chẳng những nghe tiếng mà thấy cả hình người...
Có mọi thứ, tôi sung sướng và hạnh phúc lắm!
Những lúc nhìn gia đình đầm ấm của mình, tôi lại nhớ đến các đồng đội tôi trong thời khói lửa đã không có được niềm sung sướng và hạnh phúc như tôi. Tôi nhớ anh Trần Thiện Chương vừa cưới vợ, chưa có con, những khuya sau buổi làm việc đêm, hai đứa nằm cạnh nhau trên nền đất, anh thì thầm tâm sự về ước ao, thèm muốn của mình: Hết chiến tranh, anh có được một ngôi nhà gỗ, trước hàng ba có cái bàn tròn, mấy cái ghế đẩu, mâm trà để anh tiếp khách. Trong nhà, có ba phòng ngủ dành cho vợ chồng anh và mấy đứa con. Những lúc tạm lắng tiếng bom pháo như vầy, anh ước ao có đứa con gái đầu lòng, có thằng con trai lí lắc, tay chân không yên, cái miệng lúc nào cũng bi bô nói cười. Anh thèm muốn đến nao lòng! Nhưng giặc Mỹ đã giết chết anh, cướp tuổi đời chưa đến ba mươi, cướp luôn những ước mơ rất bình thường của anh! Anh không thấy được ngày toàn thắng vui ra sao, không hưởng được một ngày sống trong không khí hòa bình, trở lại quê hương sau hằng chục năm dài bị địch chiếm. Mỗi lần đến nghĩa trang liệt sĩ đốt nén hương cắm trước mộ anh, tôi so sánh giữa anh và tôi, tôi có tất cả, anh thì không! Một chữ KHÔNG tàn nhẫn như nhát dao đâm thấu vào tim!
Qua 50 năm sau ngày giải phóng, từng nhà, từng xóm ấp, từng xã... Nhân dân ta đã chịu đựng và khắc phục, vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn, địch họa, thiên tai, với ý chí và bàn tay lao động, đã từng bước vươn lên. Hố bom, hố pháo đã san lấp. Đồng hoang ngày xưa, nay là những cánh đồng vàng lúa, xanh rờn vườn cây ăn trái. Nhà lá tạm bợ nay thay bằng nhà tường, nền cao lót gạch men. Đường mòn, cầu khỉ nay là đường bê-tông, trải nhựa, cầu bê-tông kiên cố, xe tải chở hàng hóa, xe máy ngược xuôi và các cháu nhỏ ngồi xe đạp, xe đạp điện đi học hằng ngày. Ban đêm, đèn điện rọi sáng đường quê. Quê hương nghèo khó xưa kia, đổi thịt thay da sáng bừng lên là xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cái đói bị xóa, cái nghèo sẽ không còn nữa, đời sống cả vật chất, tinh thần của con người nâng cao lên gấp trăm lần...
Những thành tựu vĩ đại đó có từ sự lãnh đạo của Đảng, chánh quyền, Mặt trận Tổ quốc và sức mạnh vô địch của sự đồng tình, chung vai vượt mọi khó khăn đi tới của lớp lớp bao thế hệ NHÂN DÂN, hết già đến trẻ, thành thị lẫn nông thôn, đổ biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ làm nên. Những phát triển vượt bậc như lâu đài to đẹp đó, trên cái nền vững chắc của máu xương hằng triệu liệt sĩ, thương bịnh binh, người bị bắt tù đày, nước mắt đau thương của biết bao bà Mẹ Việt Nam anh hùng, của những gia đình có công với cách mạng...
Tôi không dám dạy đời mà chỉ tự dạy mình, tự nhắc nhở mình đừng bao giờ là kẻ vong ơn bội nghĩa, đặng chim quên ná, đặng cá quên nôm, hưởng hạnh phúc mà quên những người, trước hết là những người nằm xuống trong và ngoài các nghĩa trang liệt sĩ, những người đã từng cưu mang, bảo bọc mình trong khói lửa chiến tranh.
Những dịp Xuân về Tết đến, những ngày lễ lớn của đất nước như: Quốc khánh 2/9, Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, Ngày toàn thắng 30/4..., tai tôi như nghe văng vẳng lời ai nhắc nhở: Mầy có đến nghĩa trang liệt sĩ thắp nén nhang trước mộ đồng đội chưa? Mầy có rời cái mông trên ghế nệm đi thăm những gia đình từng nuôi dưỡng mầy trong thời kháng chiến không? Mầy có quan tâm đến các anh chị em cùng mầy gian khổ chiến đấu, nay già yếu, bịnh tật không? Nhớ: Còn sống là còn cống hiến cho đời, đừng là kẻ bạc nghĩa, bạc tình. Nhớ đấy!
NGUYỄN ĐẮC HIỀN