Theo BCTC hợp nhất quý 4/2024 cho thấy Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) ghi nhận doanh thu giảm 37% đạt mức gần 217 tỷ đồng. Giá vốn giảm sâu hơn 41% so với cùng kỳ tuy nhiên không bù đắp được sự sụt giảm của doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ giảm 21% đạt mức 60,3 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Công ty cũng giảm từ 61 tỷ đồng xuống còn 20 tỷ đồng, do ghi nhận khoản lỗ 43 tỷ đồng liên quan việc thoái vốn công ty con.
Thêm vào đó, chi phí bán hàng cũng ghi nhận giảm 61% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí tài chính cũng giảm 39% so với cùng kỳ do giảm nợ gốc ngân hàng nên chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ giảm.
Ngược chiều, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 21,8 tỷ đồng, do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả, Đức Long Gia Lai báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh lên tới 193 tỷ đồng trong quý 4/2024.
Đáng chú ý, trong kỳ doanh nghiệp phát sinh khoản thu nhập khác lên đến 315 tỷ đồng. Công ty cho biết khoản thu nhập này phát sinh do Công ty mẹ tất toán nợ gốc và ngân hàng miễn giảm lãi vay. Đây là nguyên nhân chính góp phần tăng lợi nhuận của quý 4, giúp công ty thoát lỗ dù tình hình kinh doanh èo uột.
Sau cùng, Đức Long Gia Lai báo lãi sau thuế hơn 124 tỷ đồng trong quý 4/2024 trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 149 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2024, công ty đạt 1.031 tỷ đồng doanh thu, giảm 8% so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế đạt hơn 250 tỷ đồng, trong khi năm 2023 lỗ hơn 578 tỷ đồng.
Trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu đạt 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần và 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả hiện tại, Đức Long Gia Lai đã hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Từng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu tại khu vực Tây Nguyên, Đức Long Gia Lai đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng từ năm 2019, khi doanh thu giảm sút và khoản lỗ bắt đầu từ đây.
Đức Long Gia Lai chứng kiến 2 năm lỗ đậm trong đó năm 2020 lỗ 929 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 1.197 tỷ đồng. Sang đến năm 2023, DLG tiếp tục ghi nhận khoản lỗ hơn 579 tỷ đồng khiến cho lỗ lũy kế của doanh nghiệp tăng lên 2.664 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Tính đến cuối năm 2024, Đức Long Gia Lai có lỗ lũy kế lên đến 2.450 tỷ đồng. Thua lỗ triền miên cũng là nguyên do dẫn đến việc cổ phiếu DLG bị đưa vào diện kiểm soát.
Ngoài ra, DLG cũng đang đứng trước nguy cơ hủy niêm yết trong trường hợp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Công ty tiếp tục có ý kiến ngoại trừ.
Trong văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) mới đây, Đức Long Gia Lai cho biết để khắc phục tình trạng này, đến nay, Công ty đã thực hiện đánh giá khả năng thu hồi các khoản cho vay ngắn và dài hạn, tăng cường thu hồi các khoản công nợ, đồng thời làm việc với các đối tác khách hàng để bổ sung tài sản đảm bảo, riêng đối với các khoản nợ quá hạn thì Công ty thực hiện trích lập dự phòng theo qui định của luật kế toán để cung cấp đầy đủ bằng chứng cho đơn vị kiểm toán làm cơ sở để đơn vị kiểm toán tháo gỡ ý kiến ngoại trừ trong Báo cáo tài chính năm 2024.
Bên cạnh đó, đối với ý kiến ngoại trừ do khoản lỗ lũy kế, khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Đến nay, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 có nhiều diễn biến tích cực, đồng thời Công ty đã thực hiện thành công tái cấu trúc tình hình tài chính doanh nghiệp, giảm tối đa dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng.
Cụ thể trong năm 2024 đã thực hiện trả nợ gốc: 526,4 tỷ đồng, trả lãi: 469,5 tỷ đồng góp phần giảm khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn tại ngày 31/12/2024 là 272,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 là 1.637,9 tỷ đồng và giảm dần một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán số tiền 670 tỷ đồng.
Đồng thời Công ty khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn đang hoạt động ổn định và phát triển tăng trưởng bền vững, góp phần khắc phục tình trạng lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.
Minh Vy