Hà Nội phải tăng trưởng bền vững
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội. Suốt những năm đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo Chính phủ và đặc biệt trong hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước, đồng chí đã nhiều lần đến thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội, cũng như các đơn vị, địa phương, cán bộ và nhân dân Thủ đô, thể hiện sự gắn bó và trách nhiệm sâu sắc với sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố.
Còn nhớ, dịp đầu năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương có buổi làm việc với thành phố Hà Nội. Đó là thời điểm Hà Nội tập trung thực hiện các chương trình trọng tâm kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Đồng chí Trần Đức Lương đã bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những nỗ lực to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong 15 năm đổi mới, đạt được nhiều thành tựu đáng kể; tỏ rõ vai trò đầu não, là trung tâm phát triển tương đối toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân Thủ đô.
Trong buổi làm việc này, đồng chí Trần Đức Lương đã đưa ra nhiều ý kiến chỉ đạo, gợi mở nhằm giúp Hà Nội triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong những năm đầu của thế kỷ XXI.
Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững của Thủ đô. Đồng chí chỉ rõ, năm 2000 là năm cả nước phấn đấu để thật sự chuyển sang chiều hướng tăng dần về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hà Nội cần quan tâm đến các vấn đề như thị trường nội địa, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường trong nước và tăng cường khả năng hội nhập, đẩy mạnh xuất khẩu; đầu tư xây dựng các khu công nghiệp quy mô vừa và nhỏ cho các nhà đầu tư trong nước, mà trước hết là cho các nhà đầu tư Hà Nội.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng quà chúc Tết công nhân Công ty Môi trường và Đô thị Hà Nội năm 1999. Ảnh: Trọng Nghiệp - TTXVN
Đặc biệt, Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn chú trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn của Thủ đô. Đồng chí đề nghị có những chính sách cụ thể, quan tâm giúp đỡ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện để nông sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận lưu thông trên thị trường cả nước và vươn ra thị trường nước ngoài.
Không chỉ dừng lại ở các định hướng phát triển kinh tế, Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn thường xuyên nhắc nhở lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành của Hà Nội cần lưu ý đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời trong việc khắc phục tình trạng chậm trễ trong thực hiện một số dự án, công trình xây dựng hạ tầng.
Vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý rác thải đô thị ở Hà Nội cũng là một trong những trăn trở của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo thành phố và các cơ quan tham mưu cần tiếp cận vấn đề này một cách khoa học hơn, nhanh chóng xử lý hiệu quả để từng bước xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại.
Tác phong gần gũi, sâu sát cơ sở
Sự quan tâm của đồng chí Trần Đức Lương không chỉ thể hiện ở những lời nhắc nhở mà còn được minh chứng rõ nét qua hành động cụ thể, cùng tác phong sâu sát thực tế và gần gũi với nhân dân.
Ngày 27-1-2003, Chủ tịch Trần Đức Lương đã đi xe buýt từ Nhà hát Lớn đến Cầu Giấy để thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp xe buýt Thăng Long. Trên xe, đồng chí đã trò chuyện thân mật với hành khách và ghi nhận hoạt động phục vụ văn minh, lịch sự của đội ngũ lái, phụ xe.
Sau đó, Chủ tịch nước đã thăm hỏi cán bộ, công nhân viên Công ty Vận tải và dịch vụ công cộng Hà Nội, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng với sự quan tâm của Trung ương và lãnh đạo thành phố, hệ thống giao thông Thủ đô sẽ có diện mạo mới, phục vụ hiệu quả cho những sự kiện lớn, đặc biệt là SEA Games 22.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chúc Tết, động viên cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội đêm giao thừa Tết Kỷ Mão 1999. Ảnh: Trọng Nghiệp -TTXVN
Trước đó, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm và chúc Tết lực lượng phản ứng nhanh (Cảnh sát 113). Sau khi nghe báo cáo kết quả hoạt động năm qua và tình hình tội phạm trên địa bàn của Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Sở Công an Hà Nội khi đó, đồng chí Trần Đức Lương bày tỏ sự hài lòng về lực lượng Cảnh sát 113 đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao trước những yêu cầu chính đáng của nhân dân; tích cực tấn công tội phạm, bắt giữ nhiều đối tượng phạm pháp, thực hiện đúng pháp luật. Đồng chí nhắc nhở Cảnh sát 113 cần tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục rèn luyện, cơ động nhanh, xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra, mang lại sự bình yên cho nhân dân.
Đầu năm 2004, nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến thăm, chúc Tết Đảng bộ và nhân dân phường Cống Vị (quận Ba Đình), lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của các cán bộ, đảng viên về vấn đề xây dựng hạ tầng cơ sở như điểm sinh hoạt văn hóa, xây Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, các vấn đề về nước sạch, đèn chiếu sáng.
Nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân ở đây, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đề nghị: "Mỗi tổ chức, mỗi cơ sở, mỗi người dân nêu cao tinh thần đoàn kết, tạo sức mạnh cộng đồng để các phong trào thi đua, các kế hoạch, chương trình đề ra đều đạt, vượt và bảo đảm tiến độ".
Cùng năm 2004, đồng chí Trần Đức Lương còn có cuộc làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác bảo tồn, tôn tạo Phố cổ Hà Nội. Điều này cho thấy sự quan tâm của Chủ tịch nước không chỉ dừng lại ở phát triển hiện đại mà còn rất chú trọng đến việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến chung vui Tết Trung thu với thiếu nhi Hà Nội, tháng 9-1999. Ảnh: Đình Trân - TTXVN
Đến thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm dịp đầu năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương lưu ý đây là một trong những địa phương đang có tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh của Thủ đô. Đồng chí đề nghị thành phố và huyện phải đặc biệt lưu ý tới việc chuyển đổi cơ chế quản lý.
"Đối với những vùng ven đô thị đang công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh về mặt hành chính nếu không kịp thời có từng bước dịch chuyển về cách tổ chức quản lý hành chính dân cư thì cũng sẽ trở thành một trở ngại bởi vì quản lý theo kiểu đô thị và theo kiểu nông thôn khác nhau rất nhiều", đồng chí nói.
Đáp lại sự quan tâm, tình cảm, sự tin tưởng của Chủ tịch nước Trần Đức Lương dành cho, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn trân trọng, ghi nhớ những chỉ đạo của đồng chí để đưa vào các chương trình, kế hoạch công tác.
Trong những năm 1997-2006, Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu gương mẫu trong xây dựng và phát triển. Trong giai đoạn 1996-2000, cơ cấu kinh tế Thủ đô tiếp tục chuyển biến theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng bình quân hằng năm 10,6%. Trong giai đoạn 2001-2005, tổng sản phẩm quốc nội của Hà Nội tiếp tục tăng hai con số 11,1%/năm. So với năm 1985, năm trước thời kỳ đổi mới, GDP năm 2005 của thành phố tăng khoảng 6,4 lần (bình quân tăng 9,7%/năm), thu ngân sách tăng trên 10 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 47,4 lần, GDP bình quân đầu người tăng 3,7 lần.
Đáng chú ý, công tác quản lý đô thị cũng khẳng định sự tiến bộ, hạ tầng đô thị phát triển mạnh theo hướng văn minh, hiện đại. So với năm 1985, cung cấp điện năng năm 2005 tăng trên 5,8 lần, số máy điện thoại tăng 61,2 lần, khối lượng vận chuyển hành khách công cộng tăng 15 lần, xây dựng nhà ở tăng 10 lần, sản lượng cấp nước sạch tăng gần 4,3 lần...
Đà phát triển trong giai đoạn quan trọng trên đã tiếp sức cho Hà Nội không ngừng phát triển lớn mạnh xứng đáng với vai trò Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, và hội nhập quốc tế.
Tưởng nhớ đồng chí nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội sẽ luôn trân trọng ghi nhớ và biết ơn những tình cảm gắn bó, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí. Đây sẽ mãi mãi là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần để Hà Nội tiếp tục phấn đấu xây dựng và phát triển ngày càng mạnh mẽ trong giai đoạn tới với niềm tin và khát vọng tiên phong trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Minh Nguyệt