Trong gần 10 năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực đối nội và đối ngoại, để lại dấu ấn trong giai đoạn đất nước chuyển mình mạnh mẽ thời kỳ đầu đổi mới và hội nhập.
PGS.TS Nguyễn Văn Bích là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, trợ lý của Chủ tịch nước Trần Đức Lương giai đoạn 1997-2006. Ông chia sẻ với VietNamNet rằng rất buồn khi nhận được tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương qua đời.
"Dẫu biết rằng quy luật sinh lão bệnh tử nhưng tôi vẫn rất sốc. Anh Lương ốm nằm viện được khoảng 7 tháng. Trước đó, chúng tôi - những cấp dưới của anh - vẫn thường xuyên đến thăm. Mỗi lần thăm, tôi với anh lại trò chuyện nhiều vấn đề về thời sự và chuyện cuộc sống rất vui vẻ.
Lần cuối thăm anh, chị Vĩnh (phu nhân nguyên Chủ tịch nước) ghé tai nói thì anh mới nhận ra tôi, nhưng anh không nói được nhiều" - ông Bích buồn rầu nói.
CƠ DUYÊN VỚI NGƯỜI THỦ TRƯỞNG
Ông Trần Đức Lương có gần 10 năm giữ cương vị người đứng đầu Nhà nước. Cũng ngần ấy thời gian, ông Nguyễn Văn Bích làm việc trực tiếp, dưới sự chỉ đạo của ông Trần Đức Lương.
"Tôi và anh Lương quen biết nhau từ trước đó rất lâu, khi nước ta bắt đầu công cuộc đổi mới. Anh công tác trong Chính phủ, còn tôi làm ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế của Trung ương chuyên nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn xây dựng các dự thảo đề án về quản lý kinh tế" - ông Bích kể.
Thời điểm giữ trọng trách Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (sau này là Phó Thủ tướng) từ năm 1987-1997, ông Trần Đức Lương được phân công phụ trách ngành kinh tế kỹ thuật và cải tiến quản lý kinh tế. Vì vậy, ông Bích và ông Lương có nhiều dịp để làm việc, trao đổi cùng nhau.
Khi đó, Trung ương giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế nhiệm vụ nghiên cứu về cơ chế, chính sách quản lý về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ông Bích cùng một số cán bộ được phân vào tổ biên tập nghiên cứu về nông nghiệp, cùng bàn thảo một nghị quyết về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp. Cuối năm 1987, dự thảo nghị quyết được trình Bộ Chính trị cho ý kiến và thông qua. Ngày 5/4/1988, Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp được Bộ Chính trị ban hành.
Ông Bích kể trong quá trình soạn thảo nghị quyết, ông thường xuyên làm việc với các thành viên Chính phủ, trong đó có ông Trần Đức Lương.
"Mối quan hệ giữa tôi và anh bắt đầu từ khi đó", ông Bích chia sẻ.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương vui Tết Trung thu và tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi được nuôi dạy tại các cơ sở mái ấm tình thương ở các quận, huyện của thành phố Hà Nội (5/10/1998). Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN
Năm 1997, ông Trần Đức Lương được bầu làm Chủ tịch nước.
"Anh Lương giao thư ký sang Viện nói chuyện và thuyết phục tôi sang làm trợ lý cho anh, nhưng tôi từ chối vì chỉ muốn chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học", ông Bích nhớ lại.
Vài ngày sau, Chủ tịch nước đi công tác tại địa phương, ông Bích cũng được phân công đi theo đoàn bởi là thành viên của tiểu ban xây dựng đất đai. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch nước yêu cầu ông Bích phát biểu về hợp tác xã và đất đai.
"Sau hôm đó, Chủ tịch nước gọi tôi vào Phủ Chủ tịch để nói chuyện. Tôi cứ đinh ninh Chủ tịch nước sẽ giao việc hoặc bàn về chuyến làm việc đó. Nhưng không ngờ, câu đầu tiên là ông hỏi tôi là suy nghĩ thế nào về việc sang làm trợ lý cho ông. Tôi nói: Nói thật với anh, em sợ không hoàn thành được nhiệm vụ, thôi anh để em ở lại Viện để tiếp tục nghiên cứu khoa học. Đó là việc em rất tâm đắc, muốn cống hiến cho nền nông nghiệp, nông thôn nước nhà” - ông Bích trình bày lý do với Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Nghe ông Bích nói vậy, Chủ tịch nước ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo: “Thôi, nếu cậu không làm trợ lý thì sang Văn phòng Chủ tịch nước làm Phó chủ nhiệm để giúp anh Cảnh Dinh (ông Nguyễn Cảnh Dinh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước giai đoạn 1997-2003) quản lý nội bộ văn phòng”.
PGS.TS Nguyễn Văn Bích
"Chủ tịch nước đã quyết định và mong muốn như vậy mình mà từ chối nữa là không được. Vì vậy, tôi đồng ý. Mấy hôm sau, Chủ tịch nước có quyết định điều động, bổ nhiệm tôi làm Phó chủ nhiệm Văn phòng kiêm trợ lý của Chủ tịch nước. Lúc đó, tôi cũng bất ngờ vì kiêm nhiệm nhiệm vụ trợ lý cho ông" - ông Bích cho biết.
Vậy là từ năm 1997 đến năm 2006, ông Nguyễn Văn Bích luôn ở cạnh, đồng hành, giúp việc cho "người thủ trưởng" đáng kính.
THÔNG ĐIỆP CHUYỂN GIAO THẾ KỶ
Ông Bích tâm sự: "Tôi vô cùng cảm phục anh Lương vì tinh thần làm việc rất nghiêm túc, luôn lắng nghe ý kiến của mọi người và đặc biệt rất cẩn trọng. Những vấn đề gì cần đào sâu, anh Lương sẽ lắng nghe chi tiết. Với anh em cấp dưới và cán bộ, công nhân viên chức trong Văn phòng, anh là người rất gần gũi, chân tình và cởi mở. Người mới gặp có thể cảm thấy anh hơi khó gần nhưng không phải, thực tế anh rất hòa nhã".
Chủ tịch nước Trần Đức Lương tham gia đánh cồng chiêng cùng đồng bào dân tộc huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An), năm 1998. Ảnh: TTXVN
“Cẩn trọng, tỉ mỉ và sâu sát với thực tiễn” - ông Bích nhận định ngắn gọn phong cách làm việc của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Nói về nét tính cách này, ông Bích kể cuối năm 1999, Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ chuẩn bị bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào dịp đầu năm 2000 - thời điểm chuyển giao từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21.
Khi đó, Bộ Ngoại giao xây dựng dự thảo phát biểu dài 14 trang. Chủ tịch nước Trần Đức Lương yêu cầu ông Bích rút gọn lại vì trước nhân dân và bạn bè quốc tế, bài phát biểu cần ngắn gọn, dễ hiểu nhưng truyền tải được thông điệp lớn.
"Tôi ngồi nghĩ cả buổi, rút từ 14 trang xuống còn 3 trang quả là khó, nhưng rồi cũng xong. Khi tôi trình lên, Chủ tịch nước cẩn trọng đọc lại, sửa tiếp từng câu từng chữ. Tuy nhiên, chưa yên tâm vì đây là thông điệp quan trọng, ông còn yêu cầu tôi mang sang Văn phòng Trung ương Đảng xin ý kiến của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu" - ông Bích kể.
Năm đó, tại Nhà hát lớn Hà Nội, đúng thời khắc chuyển giao thế kỷ, thông điệp năm mới được Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc lên trước quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế. Thông điệp mang tính bao quát lớn khi đề ra những định hướng, mục tiêu phát triển của Việt Nam, mong muốn hợp tác với bạn bè quốc tế.
Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam
Ông Bích nhấn mạnh, với hai nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn quán triệt nghiêm túc, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của ông Trần Đức Lương trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ.
"Ở những thời điểm lịch sử, vai trò và đóng góp của anh Lương cũng vô cùng lớn" - ông Bích cho biết.
Đặc biệt, thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ 6 đề ra, Chính phủ nhiệm kỳ đó - trong đó có Phó Thủ tướng Trần Đức Lương - đã dành nhiều thời gian, công sức chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan đưa ra nhiều chính sách. Những chính sách mới này nhằm từng bước xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất và người lao động được quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, dần hướng tới môi trường kinh doanh bình đẳng trước pháp luật.
Ông Bích cho biết trước thời gian đó, các chỉ đạo, lãnh đạo của nhà nước, chính phủ với kinh tế được thể hiện dưới dạng nghị quyết, nghị định và quyết định, còn luật pháp về kinh tế còn rất ít.
"Viện chúng tôi được giao tham gia xây dựng các luật về khuyến khích đầu tư trong nước, luật doanh nghiệp về tư nhân... Đồng chí Trần Đức Lương luôn căn dặn cán bộ nghiên cứu: đây là việc làm khó khăn, mới mẻ, vì ta chưa có kinh nghiệm nên phải nghiên cứu sâu về tình hình cụ thể của đất nước, đồng thời chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài" - ông Bích chia sẻ.
Khi đó, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương cho rằng nên dùng khái niệm “doanh nghiệp” thay cho khái niệm “xí nghiệp”, để sau này khái niệm doanh nghiệp chỉ chung cho các loại hình xí nghiệp, thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
"Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và đồng chí Lương, sau mấy năm nghiên cứu, cơ bản các dự thảo luật đã được trình lên Quốc hội xem xét và thông qua như: Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Luật Dầu khí (1993), Luật Đất đai (1993), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1995), Luật Doanh nghiệp Nhà nước (1995) và Luật Hợp tác xã (1996)" - ông Bích kể.
Theo ông Bích, những luật và quyết định này góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho các tổ chức kinh tế khác nhau hoạt động trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Trần Thường