Nhớ nhạc sĩ Huy Sô - hồn nhạc không có tuổi già

Nhớ nhạc sĩ Huy Sô - hồn nhạc không có tuổi già
14 giờ trướcBài gốc
Chiều 15 tháng 4 năm 2025, ông đã trút hơi thở cuối, để lại một miền nhớ thương “chơi vơi” trong lòng con cháu, gia đình, học trò, đồng nghiệp và cả những người ngưỡng mộ ông. Thượng thọ 98 tuổi, sức sáng tạo đã đồng hành cùng ông cho tới những hơi thở lúc hoàng hôn, một hồn nhạc không có tuổi già.
Nhạc sĩ Huy Sô, tên thật là Huỳnh Sanh Châu, sinh ngày 2/1/1928 (tuổi Đinh Mão) tại Phú Trinh, Phan Thiết, Bình Thuận. Ông vốn gốc người làng Triều Dương, tỉnh Thanh Hóa. Ông tổ là ngư dân, bị bão biển nên trôi dạt đến tận đảo Phú Quý, đến đời thứ tư thì vào Phan Thiết và ông thuộc đời thứ tám. Ông đã sống một cuộc đời trọn vẹn, thủy chung với quê hương Bình Thuận và với cả âm nhạc. Thời gian sáng tác của ông kéo dài hơn 70 năm.
Nhạc sĩ Huy Sô - Ảnh tư liệu gia đình.
Năm 2023, khi lên bục nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Dục Thanh lần thứ VI của Bình Thuận, ông đã 96 tuổi, được con trai là anh Huỳnh Quang Huy dìu lên để nhận giải A với hợp xướng “Cả cuộc đời thao thức". Một tác giả hậu sinh như tôi xúc động là bởi đối với tỉnh Bình Thuận, NSƯT, nhạc sĩ Huy Sô từ lâu đã trở thành một tấm gương về sức sáng tạo bền bỉ, không có tuổi già, một con dân tâm huyết đối với quê hương Bình Thuận.
Quê tôi miền gió cát/ Sớm sớm chiều chiều/ Nghe biển Đông ca hát/ Tháng giêng động dài/ Tháng hai động tố/ Tháng ba nồm rộ/ Tháng tư nam non/ Biển xanh quê hương/ Ôm ấp lòng son...”.
Khi hợp xướng “Quê tôi miền gió cát” của nhạc sĩ Huy Sô, với sự điều khiển của nhạc trưởng Olivier Ochanine cùng dàn nhạc giao hưởng Mặt trời vang lên, mọi người lặng đi trong tình yêu quê hương da diết, mộc mạc nhưng cũng vô cùng sâu lắng. Mọi người lắng nghe như đang nghe tiếng lòng của mình, lắng nghe như đang nghe quê hương gió cát của mình lên tiếng, lắng nghe như có phép lạ kỳ diệu được quay về tuổi ấu thơ đang chìm đắm trong từng lời ru của mẹ.
Đầu năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Bình Thuận, Đoàn Ca múa nhạc Biển Xanh phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Quê tôi miền gió cát” trình diễn 12 tác phẩm chọn lọc tiêu biểu của nhạc sĩ Huy Sô gồm: "Quê tôi miền gió cát", "Anh là mây trên trời cao biên giới", "Tôi yêu đảo nhỏ quê hương", "Tiếng gọi từ biển đảo", "Ký ức La Ngà", "Hát về mùa xuân tương lai", 'Mùa thu" (Phổ thơ Văn Cao), "Bóng Bác trên quê hương tôi" và tổ khúc hợp xướng "Cả một đời thao thức"...
Đó là một ngày tôi thấy ánh mắt ông ánh lên một niềm vui không tả được, có lẽ ở tuổi của ông, người ta không cần nhiều lắm đến sự tôn vinh hay thừa nhận, tôi đoán rằng ánh mắt ấy chính là thể hiện nỗi vui mừng cho một hạnh phúc viên mãn rất khó đạt được trong cõi nhân sinh. Ánh mắt ấy rực sáng hân hoan bởi tận mắt thấy những “đứa con” của mình được mọi người trân trọng.
Tôi nhớ rất rõ trong đêm giao lưu thơ nhạc tưởng nhớ thi nhân Hàn Mạc Tử vào đêm 18/12/2015, tại khu di tích tháp Pô Sah Inư, nhạc sĩ Huy Sô được Ban Tổ chức nhờ kể lại kỳ tích trận đánh đồn Lầu Ông Hoàng vang danh một thời, (tôi được phân công nói về thơ Hàn Mặc Tử). Đêm ấy, ông rất hào hứng, ông kể say sưa về một thời đánh giặc gan dạ và mưu trí của những người kháng chiến, trong đó có ông.
Nhạc sĩ Huy Sô đặc biệt hào hứng khi kể về chiếc kèn đồng đã cùng ông tham gia không biết bao nhiêu trận đánh, chiếc kèn gắn với ông như một người bạn thân từ rừng già Tánh Linh đến đồi Lồ Ô, Sùng Nhơn, Đức Linh, từ sườn núi B'nom Panlon đến Ngã Hai, Hàm Mỹ, Hàm Thuận, từ mật khu Lê Hồng Phong, từ Sa Lôn, Khu căn cứ Tỉnh ủy, Đông Giang, Bình Thuận đến Sông Quao anh dũng... Trong từng bước di chuyển quân, từng trận đánh, từng đêm phát thanh, tiếng kèn đồng của ông không chỉ là tiếng kèn thúc quân đầy khí thế mà còn là tiếng kèn địch vận lay gọi chấn động tận tâm can những lính tráng phía bên kia chiến tuyến.
Tháng 10 năm 1954, ông được tập kết ra Bắc và học trung cấp âm nhạc; năm 1959, ông học sáng tác và chỉ huy dàn nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam rồi được cử đi tu nghiệp ở Nhạc viện Trai-cốp-xky, Liên Xô cũ.
Ông Nguyễn Minh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trao Giải A cho các tác giả đạt giải.
Năm 1964, ông về nước phụ trách Đoàn Văn công Quân khu IV; Năm 1967, ông được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam; đến năm 1971, ông lại chuyển về làm biên tập chương trình phát thanh binh vận của Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1975, ông trở thành Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Các chức vụ trải qua trong cuộc đời ông cũng không tách rời sự nghiệp báo chí, truyền thông và văn nghệ Cách mạng: Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu IV (1965 - 1970), Biên tập viên Văn nghệ Đài B Đài Tiếng nói Việt Nam (1971- 1975), Trưởng đoàn Ca múa nhạc Thuận Hải (1976 - 1980), Phó giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Thuận Hải (1981 - 1985), Phó chủ tịch Hội VHNT Thuận Hải (1986 - 1990)...
Dưới sự dìu dắt tận tụy của ông cùng các đồng nghiệp, theo thời gian nhiều lớp diễn viên ca, múa, nhạc đã trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, trở thành các NSND, NSƯT được cả nước biết đến. Có thể kể một số tên tuổi tiêu biểu như: NSND Đặng Hùng (1936-2022), NSND Minh Mẫn, NSND Thu Vân...
Bản thân mình, nhạc sĩ Huy Sô là tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài, ông đã sáng tác gần 200 tác phẩm đủ thể loại: ca khúc, hợp xướng, những đoản khúc cho kèn...; đồng thời xuất bản: Tập ca khúc “Mãi như mùa thu”, 1985; tập ca khúc “Hát về mùa xuân tương lai”, 1997; các tập truyện ngắn “Mặt trời tháng ba”, 1987; “Huyền thoại về Láng Nước Nổi”, 1997, tập thơ “Những vần thơ đi cùng năm tháng”, 2009...
Ngoài sáng tác âm nhạc, ông còn sáng tác văn - thơ, khảo cứu văn hóa địa phương, tham gia biên soạn công trình Địa chí Bình Thuận. Trên lĩnh vực khảo cứu, ông đã có những bài nghiên cứu khá sâu về Âm nhạc Chăm, trong đó có nhạc múa Ri Chàprông, những bài trống phục vụ nghi lễ cổ truyền của dân tộc Chăm Ninh - Bình Thuận.
Đây là kết quả của những đợt thâm nhập thực tế vùng đồng bào Chăm và tiếp xúc trực tiếp với các trí thức, nghệ nhân tiêu biểu lúc bây giờ như: Thiên Sanh Cảnh, Trượng Tốn, Tài Mụ, Đào Được, Đào Bổ, Thạch Tiềm.
Bên cạnh đó, các bài viết về nghệ thuật Bài chòi, hò Bả trạo, múa Náp của ông đã góp phần cung cấp nhiều thông tin phong phú và hữu ích, đặc biệt có giá trị đối với giới nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân gian ở địa phương.
Nhạc sĩ Huy Sô về hưu năm 2000, đến năm 2002, ông vinh dự nhận Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Ông được UBND tỉnh Bình Thuận trao tặng Giải thưởng VHNT Dục Thanh lần thứ I (giai đoạn 1992-1995), lần thứ V (giai đoạn 2012-2017) và lần thứ VI (2018 - 2023).
Đến ngày 28/11/2023, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho nhạc sĩ Huy Sô với một đời cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam và sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng hòa bình của đất nước.
Nhạc sĩ Huy Sô là một tấm gương lao động nghệ thuật không mệt mỏi, là người thầy, người bác, người chú, người anh thân thương luôn gần gũi, rộng lượng, yêu thương mọi người. Có lần tôi đến hỏi thăm về sức khỏe, ông hồn nhiên hát: “Già “yamaha”, già mà ham, già mà còn ham... già mà còn yêu đời...”.
Ông cho biết: Biển và ngư dân, những tay lưới rùng, lưới hai, lưới cước luôn là đề tài bất tận, thân thương ruột rà trong những ca khúc, trong những sáng tác của ông. Chính vì vậy mà những ca khúc viết về biển đảo của nhạc sĩ xứ biển này luôn da diết, luôn “mặn mòi” tình cảm, cả về ca từ và giai điệu. “Tôi yêu đảo nhỏ quê hương” của nhạc sĩ Huy Sô là một ca khúc thành công và điển hình về giai điệu riêng ông, bài hát đã được phát nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trên sóng phát thanh, truyền hình địa phương cũng như lan tỏa rộng rãi trên các trang web âm nhạc.
Trong những lần chú cháu ngồi vui với nhau bên lề các cuộc họp, khi được hỏi về “bí quyết để trở thành người không có tuổi”, nhạc sĩ Huy Sô vui vẻ nói: “Đừng có sợ già. Già có gì đâu mà sợ. Sống lâu. Sống khỏe. Sống vui. Ngày nào cũng làm việc hăng say sao gọi là già?!”.
Cho tới khi ngồi viết bài tưởng nhớ ngắn này, tôi vẫn như còn nghe văng vẳng bên tai giọng đọc của “Chú Huy Sô”: “Chiếc kèn đồng còn đó/ Âm thanh sao chơi vơi/ Đã tan vào vách đá/ Đã hòa với biển trời...”!
Nguyễn Hiệp
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nho-nhac-si-huy-so-hon-nhac-khong-co-tuoi-gia-i767089/