Ông Nguyễn Minh Nhủ - Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Bến Tre hiện đang đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 18ha, năng suất sản lượng 400 tấn tôm/năm. Mô hình nuôi tôm của anh Nhủ có doanh thu 45 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi hơn 20 tỷ đồng.
Chật vật mưu sinh với nghề muối "mặn chát"
Ông Nhủ kể, trước đây gia đình ông cũng như nhiều người dân ở xã sinh sống bằng nghề làm muối. Việc chủ yếu sống nhờ vào 2ha đất làm muối năng suất bấp bênh do thời tiết thất thường, giá cả thì 10 vụ mất tới 7-8 vụ bán rẻ, nên cuộc sống của ông gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nhủ hiện đang đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 18ha, năng suất sản lượng 400 tấn tôm/năm. Ảnh NVCC
"Những năm 2000 là thời gian làm muối khó khăn nhất, thời tiết bất lợi, giá lại thấp. Nhưng cũng nhờ khó khăn đó đã ép tôi phải thay đổi."- ông Nhủ nhớ lại.
Thấy được hiệu quả của con tôm phù hợp với vùng đất quê hương, ông quyết định đặt nền móng cho việc đổi đời. Đó là năm 2014, khi vừa tròn tuổi 40, ông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiến hành đào ao, chuyển sang nuôi tôm biển thâm canh ao đất để tăng thu nhập.
"Tôi đánh liều thử phá một phần ruộng muối để đào ao nuôi tôm. Mấy năm đầu nuôi rất trúng, nên năm 2014 tôi chuyển toàn bộ 2ha ruộng muối thành ao tôm”- ông Nhủ kể.
Với hình thức nuôi tôm thâm canh - quảng canh, thu nhập và cuộc sống của gia đình ông đã có những thay đổi đáng kể khi tôm trúng vụ. Tuy nhiên khi ông Nhủ quyết định ăn thua với con tôm cũng là lúc khó khăn của nghề nuôi tôm ập đến. Thiếu kiến thức, ít kinh nghiệm, nuôi tôm ao đất lại rủi ro cao, dịch bệnh nhiều dẫn đến nhiều vụ tôm ông Nhủ mất trắng.
“Không dễ ăn chút nào, có năm một vụ trúng thì 3 vụ lỗ, cũng có lúc vì nuôi tôm mà nghèo hơn lúc còn làm muối”, ông nông dân nói.
Từ nuôi tôm theo kiểu thông thường, ông Nhủ mạnh dạn đầu tư lớn nuôi tôm công nghệ cao.Theo đó, đời sống từng bước vượt qua khó khăn, ông Nhủ nuôi tôm thành công và trở thành tỷ phú. Ảnh NVCC
Quyết tâm gắn bó với con tôm
Nhưng trong những ngày khó khăn nhất, ông Nhủ vẫn tin con tôm mới là “chân ái”. Để khắc phục khó khăn, ông Nhủ quyết tâm đi học kỹ thuật nuôi tôm khi đã ngoài 40 tuổi. Có kiến thức, đúc kết được kinh nghiệm từ thực tiễn, năm 2017 ông tập trung đầu tư nuôi tôm công nghệ khép kín 2 giai đoạn với loại tôm thẻ chân trắng.
Với kỹ thuật mới, ao tôm của ông Nhủ có hiệu quả kinh tế hơn hẳn, ít chi phí thức ăn, thuốc men hơn, tôm lại gần như không dịch bệnh, chất lượng cao nên được giá.
“Khi ao tôm được che chắn tốt thì không còn nguồn dịch bệnh xâm nhập nữa. Các chỉ số môi trường, chất lượng nước, sức khỏe tôm đều được theo dõi hàng ngày và có thể can thiệp nhanh chóng. Nhờ chuyển sang công nghệ cao này thì tỷ lệ thành công đạt từ 95%. Còn 5% đó là do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết", - ông Nhủ chia sẻ.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi, ông Nguyễn Minh Nhủ cho biết, điều quan trọng là khâu quản lý phải chặt, nhất là hàng ngày, hàng giờ phải theo dõi thức ăn tôm, phân tôm. Khi thấy phân không ổn định thì tôi trộn thuốc vi sinh hoặc kháng sinh vào thức ăn cho tôm. Nhờ kịp thời theo dõi, phát hiện xử lý nên sau một vài ngày thì tôm sẽ khỏi, ổn định trở lại, phát triển bình thường.
Chỉ từ 2ha đất ban đầu, sau những vụ tôm trúng liên tiếp, ông Nhủ không ngừng mua thêm đất, mở rộng trang trại. Trang trại càng rộng, quy mô càng lớn ông lại càng dễ áp dụng công nghệ mới, có điều kiện đàm phán được giá thức ăn cho tôm và giá bán tôm tốt hơn, hiệu quả kinh tế lại càng cao.
Bên cạnh đó, trang trại nuôi tôm của ông Út đang giải quyết việc làm cho 18 lao động địa phương, với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, ông Út cũng trích một phần lợi nhuận đóng góp cho các hoạt động xây dựng giao thông, xây nhà tình nghĩa và hỗ trợ người nghèo của địa phương.
Hồng Thắm