Người dân xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan thu hoạch mía.
Năng suất, lợi nhuận giảm
Trồng hơn 1 ha mía, ra Tết, anh Đinh Văn Đông (bản Mét, xã Kỳ Phú) thuê gần chục nhân công để thu hoạch. Nỗi buồn thoáng trên gương mặt, anh chia sẻ: Thời tiết thất thường, 3 tháng vừa rồi trời không hề có giọt mưa nào, cỏ dại trên núi còn chết khô trắng thì cây mía làm sao phát triển được, chăm lắm cũng chỉ cao bằng 2/3 so với năm ngoái, sản lượng giảm tới 20%. Bình thường thu hoạch được 60-65 tấn/ha thì năm nay chỉ được khoảng 45-50 tấn/ha.
Năng suất mía, giá mía đều giảm khiến người nông dân kém vui.
Thêm vào đó, giá mía thu mua năm nay còn giảm so với năm ngoái vài giá, dao động quanh mức 1,25 triệu đồng/tấn. Nếu trừ công chặt 14-15 triệu đồng, công bốc vác, vận chuyển, phân bón, thuốc BVTV khoảng 15-20 triệu đồng nữa thì gia đình chỉ thu về được khoảng 25-30 triệu đồng/ha, còn tính toán chi li cả công dóc lá, làm cỏ... thì nông dân trồng mía chúng tôi không có lãi.
Tương tự, anh Đinh Văn Linh (xã Cúc Phương) cho biết: So với nhiều người, anh chăm sóc mía cũng khá cẩn thận, nhưng năng suất năm nay chỉ được 55-60 tấn/ha. Tính toán chi phí thì không có lãi bởi một nghịch lý là trong khi giá thu mua mía nguyên liệu giảm thì các chi phí đầu vào như phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch... lại tăng. Đặc biệt, giá nhân công thu hoạch mía hiện nay rất cao, công chặt và vận chuyển mía từ ruộng ra bãi cân lên tới 350-400 nghìn đồng/tấn, tùy theo đường vận chuyển mía xa hay gần. Hơn nữa phần lớn lao động trẻ, khỏe đã đi làm ở các công ty, xí nghiệp, muốn thuê cũng khó.
Theo anh Linh, lý do mà anh còn trung thành với cây mía đến giờ này là do gia đình đang chăn nuôi gần 50 con bò, hươu, anh trồng mía để tận dụng lá, ngọn làm thức ăn cho vật nuôi. Với lợi nhuận thấp như hiện nay, nhiều người dân trong vùng đã bỏ cây mía chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Lao động chặt mía được trả theo thành phẩm khoảng 2.500 đồng/bó.
Cần có giải pháp phát triển bền vững
Ở các xã vùng cao của huyện Nho Quan, nơi mà nước tưới không có, việc canh tác hoàn toàn dựa vào nước trời, thì mía là một trong những cây trồng ưu thế bởi nó chịu hạn tốt. Hơn nữa, chi phí về giống, vốn, phân bón, chăm sóc ít, trồng 1 lần nhưng có thể cho thu hoạch 3-4 vụ, sản phẩm được Nhà máy mía đường tiêu thụ toàn bộ.
Trước đây, diện tích mía trên địa bàn huyện Nho Quan có thời điểm lên tới trên 1.000 ha, tuy nhiên đến thời điểm này đã thu hẹp chỉ còn khoảng 350 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương, Thạch Bình, Quảng Lạc. Nguyên nhân khiến người dân không còn mặn mà với cây mía là do lợi nhuận từ cây mía quá thấp và có xu hướng ngày càng giảm. Điều này xuất phát từ việc lâu nay dường như đang thiếu sự chung tay hợp tác giữa doanh nghiệp mía đường, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân. Việc nghiên cứu, chuyển giao các giống mía mới năng suất cao, sạch sâu bệnh, phù hợp ở địa phương còn hạn chế.
Người dân tận dụng ngọn mía để làm thức ăn chăn nuôi.
Phần lớn đất trồng mía là đất đồi, không liền vùng, liền thửa, độ dốc lớn và khó áp dụng cơ giới hóa, nhất là khâu thu hoạch, nên giá thành sản xuất cao. Song song với đó, trình độ kỹ thuật của người dân trồng mía còn thấp, chủ yếu canh tác theo tập quán, ít đầu tư thâm canh. Bà con chưa tuân thủ quy trình sản xuất mía như: sử dụng giống nhiễm bệnh, hom giống tận dụng từ ngọn mía vụ 3, 4; đầu tư phân bón chưa đủ định mức; phòng trừ sâu bệnh không kịp thời, công tác chăm sóc mía, nhất là chăm sóc mía lưu gốc còn muộn và không đúng kỹ thuật... Đây là nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mía khiến thu nhập không cao...
Vẫn phải khẳng định rằng, mía là cây trồng phù hợp và ưu thế ở vùng đất đồi Nho Quan. Tuy nhiên, thiết nghĩ để phát triển cây mía bền vững thì cần có các giải pháp tháo gỡ. Trước tiên, Nhà máy đường cần phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh các chương trình tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là giống mới để nâng cao năng suất và chất lượng mía. Tăng cường đưa cơ giới hóa, đặc biệt là khâu thu hoạch, bón phân, phòng trừ sâu bệnh; xây dựng các gói hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để giúp nông dân đầu tư vào sản xuất. Việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ sẽ giúp người trồng mía vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và gắn bó với cây mía.
Nguyễn Lựu