Dòng chữ “quyết tử”
Tôi thấm được suy nghĩ đau đáu của cụ Nguyễn Xuân Thi, vì cứ tới Tết là cụ lại đi qua đi lại ngôi nhà từng là nơi cố thủ cuối cùng trong Tết Đinh Hợi 1947 và chép miệng: “Thương 15 anh em quá, hy vọng lịch sử sẽ không lãng quên họ!”. Nói rồi, cụ lại nhắn tin cho tôi để tự sự về những người con ở làng cổ Hoàng Mai đã hy sinh và được đưa vào chôn trong nghĩa trang Mai Dịch. Trong hồi ký viết năm 1992, nhân chứng còn sống sót là ông Nguyễn Duy San viết: “Lúc 4 giờ sáng ngày 1/2/1947, quân Pháp tiếp tục tấn công…, đội trưởng Nguyễn Đào liên tiếp ném lựu đạn xuống tầng dưới”.
Cụ Nguyễn Xuân Thi (bên phải) tỏ lòng xót thương khi nhìn trần ngôi nhà vẫn còn đầy vết mảnh đạn. Ảnh: Văn Chương
Trong cuốn “Hà Nội mùa đông năm 1946, Hà Nội 60 ngày đêm” có ghi: Đêm 19/12/1946, trước sự gây hấn không ngừng của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Thực dân Pháp dự định sẽ đánh bại Việt Minh trong 24 giờ, nhưng sau đó phải nâng kế hoạch lên 1 tuần, rồi 1 tháng nhưng vẫn không làm chủ được Hà Nội, vì vậy Tết Đinh Hợi 1947 trở thành Tết kháng chiến. Người dân rầm rập gánh bánh chưng ra tận chiến hào, nhiều lá thư động viên gửi đến tay từng người lính đang bám trụ để chiến đấu.
“Sau 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút lực lượng địch, giam chân kẻ thù trong thành phố suốt 60 ngày đêm để Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ rút lui chiến lược thần kỳ từ Hà Nội về chiến khu Việt Bắc an toàn; động viên nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến, mà cuối cùng là chiến thắng Điện Biên Phủ”.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Cụ Thi đưa tôi đi qua giếng cổ ở làng Hoàng Mai, đến thăm ngôi nhà số 127, tổ 30. Ngôi nhà hình chữ nhật, chiều ngang khoảng 3,5 mét, chiều dài khoảng 7 mét, trần nhà đúc bê tông, có một cầu thang để lên gác xép. Anh Doãn Tiến Ngọc, chủ ngôi nhà này, cho biết, kết cấu nhà bằng bê tông, cốt thép chắc chắn và đến nay vẫn không có dấu hiệu xuống cấp. Tôi nhìn thấy những dấu vết còn lưu lại. Đó là dòng chữ “Tổ quốc là trên hết” dưới lớp vôi trắng, trần ngôi nhà có thể đếm được gần 100 vết lõm của lựu đạn F1, lựu đạn Phan Đình Phùng.
Giếng cổ làng Hoàng Mai, nơi lực lượng tự vệ làng vớt súng lên để chiến đấu. Ảnh: Văn Chương
Bản sao lá thư của nhân chứng Nguyễn Duy San mà cụ Thi mang theo giúp tôi hình dung được một phần trận đánh cách đây gần 80 năm, trong đó có đoạn viết: “Ngày 10 tháng Giêng âm lịch, tức 31/1/1947, ban chỉ huy quyết định tiêu thổ kháng chiến. Một phần lực lượng rút về nhà cụ Tú Lâm, ông Ba Đạo, nhà ông Thu và nhà ông Quyến. Sau tiếng nổ của viên đại bác 105 mm tại nhà ông Ba Đạo và các cột khói bốc lên cao, liên lạc viên báo cáo với đại đội, quân địch tập trung lố nhố tại lò gạch Mai Động…”. Ngày 31 tức 42 ngày sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
Sắp đến ngày chính quyền phường Hoàng Văn Thụ giỗ 15 liệt sĩ, cụ Thi lại đi qua ngôi nhà 127, giếng cổ làng Hoàng Mai và kể: “Hơn 20 năm về trước, cứ vào dịp Tết, ngày giỗ là bà con lại kể lại chuyện quân dân trong làng đã cố thủ chiến đấu tới cùng, diệt 61 lính Pháp, trong đó có một quan 3, một quan 1. Rồi các cụ già nói rằng, mong làng Hoàng Mai được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng rồi theo năm tháng, các thế hệ đó đều đã mang theo ước nguyện của mình về với tiên tổ”.
Nguyên vẹn ký ức
Cụ Thi từng là giáo viên Trường Sĩ quan Thông tin, sau này trở về địa phương tham gia chính quyền và giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Mai. Cụ kể, nhân chứng Nguyễn Duy San sau này trở thành giáo viên Trường Đại học Nông nghiệp 1. Trong những lần gặp gỡ cụ Thi và trong bản hồi ký kể lại trận chiến đấu với quân Pháp để bảo vệ làng Hoàng Mai, ông San viết: ‘Bằng ống nhòm, chúng tôi thấy địch đang khuân vác và đi lại tấp nập, đang mải quan sát, chúng tôi bị đạn cối dội trúng mái nhà theo phương pháp bắn tiến dần về phía trước. Nguyễn Duy San và chiến sĩ chạy ngang qua nhà ông Thu thì anh Tiến bị mảnh đạn cối nổ bị thương vào ngực và bụng, sau đó hy sinh…”.
Đọc những dòng hồi ức của Nguyễn Duy San, tôi nhận ra, Tết năm 1947, ở những vùng nội đô ở Hà Nội vẫn đón Tết kháng chiến, còn quân dân ở ngôi làng này thì chỉ lo toan cho việc cố thủ. Lịch sử lực lượng vũ trang thủ đô Hà Nội còn ghi lại khung cảnh Tết kháng chiến trong nội đô: “Tối mồng một tết Đinh Hợi, Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô tổ chức một bữa tiệc long trọng tại ngôi biệt thự Anh Hoa ở phố Hàng Chiếu. Ban chỉ huy mời các lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa và các đại biểu ngoại kiều đến dự, với mục đích tuyên truyền về chính nghĩa cuộc kháng chiến của ta”. Còn Nguyễn Duy San hầu như không nhắc gì về không khí xuân.
Sắp đến ngày chính quyền phường Hoàng Văn Thụ giỗ 15 liệt sĩ, cụ Thi lại đi qua ngôi nhà 127, giếng cổ làng Hoàng Mai và kể: “Hơn 20 năm về trước, cứ vào dịp Tết, ngày giỗ là bà con lại kể lại chuyện quân dân trong làng đã cố thủ chiến đấu tới cùng, diệt 61 lính Pháp, trong đó có một quan 3, một quan 1. Rồi các cụ già nói rằng, mong làng Hoàng Mai được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng rồi theo năm tháng, các thế hệ đó đều đã mang theo ước nguyện của mình về với tiên tổ”.
Thổn thức cùng mùa xuân
Làng Hoàng Mai nằm kề cửa ô Nam, kinh đô Thăng Long, “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi ghi nơi đây có rượu cúc tiến vua. Dấu tích xưa vẫn còn là các giếng cổ rất lạ, miệng giếng có đường kính 25 mét, rộng như cái ao. Cụ Thi chỉ xuống chiếc giếng làng và cho biết, thời còn làm Bí thư Đảng ủy xã, các cụ già nhiều lần kể lại chuyện thanh niên đã tổ chức lặn xuống giếng để vớt 3 khẩu súng của tù binh Pháp làm khí giới để tổ chức làng tự vệ khi thực dân Pháp quay trở lại. Đồng chí Vũ Quốc Uy là cán bộ cách mạng mua thêm được 2 khẩu súng nữa ở Hải Phòng và bó trong chiếu gửi về làng để đánh Pháp.
Nghe câu chuyện cũ giữa mùa xuân mới và vòng quay gấp gáp của cuộc sống, tôi hiểu ý cụ Thi, một người đang cố níu giữ những giá trị lịch sử đang trôi theo dòng chảy thời gian. Cụ Thi lấy ra một xấp giấy đánh máy ghi chép lời kể của các nhân chứng về trận đánh quân Pháp. Bản ghi chép có nội dung: Vũ khí của lực lượng tự vệ lúc đó còn 18 quả lựu đạn Phan Đình Phùng, 1 súng lục Mauser, 1 súng “Pạc - hoọc, 6 súng trường. Khi quân Pháp siết chặt vòng vây thì lực lượng tự vệ làng được gọi là quân quyết tử. Quân quyết tử không tản mát trong các khu dân cư mà tập trung về ngôi nhà 127. Một sĩ quan Pháp cầm súng lục và phẩy tay thúc binh lính tấn công nhưng sau đó bị bắn gục bởi đạn từ tầng 2 của ngôi nhà.
Nhiều người nhắc đến làng cổ Hoàng Mai chỉ nhớ đến bài thơ Tương tư của thi sĩ Nguyễn Bính “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…”. Riêng cụ Thi, cụ cứ nhắc đến người nằm xuống, cứ đến ngày 11 tháng Giêng (âm lịch), ngày lực lượng tự vệ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng với 1 tiểu đoàn lính Pháp, cụ Thi lại run run đôi tay với trang viết về những thanh niên trẻ đã ngã xuống để chiến khu Việt Bắc được củng cố an toàn.
Nhiều người nhắc đến làng cổ Hoàng Mai chỉ nhớ đến bài thơ Tương tư của thi sĩ Nguyễn Bính “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…”. Riêng cụ Thi, cụ cứ nhắc đến người nằm xuống, cứ đến ngày 11 tháng Giêng (âm lịch), ngày lực lượng tự vệ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng với 1 tiểu đoàn lính Pháp, cụ Thi lại run run đôi tay với trang viết về những thanh niên trẻ đã ngã xuống để chiến khu Việt Bắc được củng cố an toàn.
Lê Văn Chương