Ba mạ tôi người Huế cũng như những bàn tay đàn ông chỉ quen kéo lưới, người đàn bà quen lựa cá, ba mạ không quen làm nông. Nhưng hai đôi bàn tay ấy đã gào và úp mặt trước biển mong trả lại cậu con trai đi chơi mãi mãi không về khiến họ không còn niềm tin, dũng khí đối mặt với bãi cát mỗi chiều gió nổi. Vượt hơn 700 km từ Lộc Vĩnh, ba mạ dắt tôi vào đây cắm rễ để vùi biển vào đoạn ký ức dờn dợn mỗi mùa gió nổi. Trong hành trang đem vào Tây Nguyên lạnh gió có cả giống gừng Huế cay cay. Hồi bé, tôi hỏi ba chỉ bảo "chẳng gừng mô cay và nồng ấm như gừng Huế mô con". Lớn lên, tôi mới thấu tỏ ba mang mấy củ gừng giống như thể nó là mối dây liên hệ duy nhất của con người li hương với mảnh đất bao dung đang tìm cách tái sinh phần linh hồn đã vụt mất.
Hồi bé, tôi không ăn mứt gừng vì chẳng có gì khiến tôi yêu nó nhưng tôi thích cảm giác nhìn cây gừng lớn lên từng ngày. Cũng như Hoàng tử bé, anh ấy yêu bông hoa hồng vì thời gian anh ấy dành cho cây hoa. Mỗi sáng xách xô nước vo gạo tưới vào mấy bụi cây xanh non, tôi thấy mình to lớn, mình đang yêu thương một sinh linh bé bỏng. Cũng chính vì tình yêu ngây thơ đó mà tôi luôn chối từ ăn món hoa gừng xào măng của mạ. Tháng Chín gừng ra hoa, những nụ hoa bọc trong vỏ xanh tròn xinh chỉ lộ những chấm nhỏ đo đỏ, vàng vàng. Hoa gừng thơm lạ, không nồng nàn mà ấm áp, dìu dịu. Khoảng thời gian vui nhất của tuổi thơ tôi đó là lúc cây đào phai sau ngày gió bung những nụ mong manh trong nắng vàng chào đón tháng Chạp. Sau cái lạnh buôn buốt cứng bàn tay nhìn qua ô cửa mấy bao gừng đã rụi lá báo hiệu nó sẽ chào tôi mà ra đi để làm một sứ mệnh mới. Lúc này, Tết cũng về rộn ràng trong tâm hồn lũ trẻ nên tôi đã thôi đau đáu về mấy nụ hoa gừng. Tôi hì hục cùng mạ xé bao chào đón những củ gừng vàng đậm màu thơm nồng nàn vị Tết. Thường mạ tôi sẽ chọn ngày nắng đẹp để đào và đem phơi. Mạ bảo, phơi vậy gừng mới gắt lại độ cay nồng. Tôi không biết nó đúng không nhưng tôi tin đó là cách riêng mà con người hay đi biển như ba mạ làm để đối mặt với gió sóng. Thường mạ sẽ đợi đến 20 tháng Chạp sẽ đem gừng đi ngâm nước một đêm cho vỏ dễ bong. Việc của tôi là ngừng chạy nhảy lung tung trong xóm để ngồi nạo vỏ, cái cảm giác không ăn mà phải chôn chân khiến nhiều lúc muốn bẻ mấy cái nách gừng ra. Như biết tôi có tâm đồ xấu xí khi lên rẫy, mạ luôn dặn dò mang tính hù dọa nạo cẩn thận. Giờ thì lớn rồi, tôi biết gừng Huế củ không to như gừng Phan Rang, Đắk Lắk, củ nó bé tẹo teo nhiều mắt nhỏ. Không chỉ vậy, khi ra mứt cũng không trắng mà vàng đậm nên nếu tôi vì lười mà bẻ nách thì chỉ còn gừng vụn. Tết đến, nhìn lát mứt sẽ biết người phụ nữ ấy có khéo léo tinh tế không nên mạ rất chú ý. Mứt gừng Huế cay, nó ấm như chính tâm tư của những người đi xa luôn hoài niệm về cố hương.
Để mứt gừng được vàng và không đục màu sau khi bào mỏng, mạ tôi ngâm trong nước có chanh và sai tôi bưng ra hiên phơi nắng. Tôi đã phơi bao nhiêu chậu gừng như thế mà chưa một lần tôi phơi được đoạn tình quê hương đang ri rỉ buồn trong lòng ba mạ. Gừng làm mứt không khó nhưng luộc không khéo lát gừng bị mềm luộc vội mứt lên sẽ cứng nên hầu như việc của tôi là ngồi nhìn khói thông loang trong căn bếp của mạ. Mạ ngồi đó trong làn khói mỏng chiều tháng Chạp với từng sợi tóc lơ phơ đang bạc. Tôi không biết mạ có thả nỗi nhớ nào đi lang lang thang qua những bãi cát, hàng dương ngọn sóng nhưng tôi thấy mạ buồn. Nỗi buồn đang cựa quậy như chính nồi gừng đang sôi trên bếp. Mạ sợ tôi qua bao đồi núi sẽ đứt lìa với biển với sông nên năm nào cũng dặn "một ký gừng bảy lạng đường nghe con". Mấy mươi năm mạ chỉ lặp lại với tôi câu nói ấy. Mạ không tin chiếc máy tính, USB nào có thể lưu giữ được ký ức ngoại trừ trái tim.
Đêm chuẩn bị đưa ông Táo về trời, nhà tôi luôn nồng nàn ngọt ngào vị Tết. Như chiếc đồng hồ sinh học của năm, mạ canh tầm chín giờ tối thì mứt tới. Tôi cùng mạ sẽ dở mứt vuốt ve cho lát gừng phẳng đẹp không quăn. Lát nào đẹp nhất, mạ lựa thắp nhang ông Táo, ông bà và cất đãi khách. Còn tôi chỉ cần cạo phần đường ngọt ngào sau khi đã được thắp nhang. Có vậy mà tuổi thơ tôi đã ngọt ngào mãi không thôi. Tôi nhớ hoài cái thông lệ sáng mồng một, ba ra thắp nhang lạy cửu huyền thất tổ sau đó vào nhà thắp cho ôn mệ. Vẫn là những lát mứt gừng đầy thơm thảo và yêu thương. Ba sai tôi dậy sớm đốt lửa nấu nước để cả năm nước đầy ang, gạo đầy khạp, lửa ấm áp gia đình. Mạ pha chum trà buồm chan chát nước không xanh. Rồi ba mạ ngồi bên nhau uống trà ăn miếng mứt như đang hồi tưởng trông về một miền quê xa xôi.
Cứ như vậy, bao nhiêu năm trôi cho đến ngày ba tôi đi xa, mạ tôi lặng lẽ trầm ngâm hơn, tôi lớn hơn thấu cảm hơn. Không cần mạ nhắc mùa tháng Năm tôi lại trồng gừng chờ tháng Chạp làm mứt thắp nhang cho ba. Mạ không ăn mứt gừng từ dạo ba mất. Mạ kêu già miệng cay không ăn được gừng Huế. Nhưng tôi biết mạ đau. Nỗi đau không cùng ai chia sẻ. Hôm rồi mạ gọi tôi qua nói chuyện. "Sang năm con đừng làm mứt nữa. Mạ ra quê. Mạ muốn về gần anh. Ba con chắc cũng về quê lâu rồi", giọng mạ buồn buồn. Tôi thấy sống mũi mình cay cay như chính lát gừng Huế đang cắn dở trên miệng. Có một triền gió cát đang cuốn qua tâm hồn tôi những ngày tháng Chạp hanh hao của kẻ li hương. Tôi cũng muốn trở về như mạ, về với cát, với sóng nhưng tâm hồn lại lỡ neo nơi mảnh đất Tây Nguyên này mất rồi. Tôi muốn ôm mạ thủ thỉ: “Mạ ơi! Con sẽ làm mứt gừng mỗi năm. Con làm vì đó là một phần yêu thương đan lăn trong tâm hồn con, mạ ơi!...”.
TRẦN THỊ THANH THỦY