Buổi chiều tối cuối năm 2013, tại Quân cảng cảng Cam Ranh, lễ tiễn đoàn công tác Vùng 4 Hải Quân diễn ra long trọng và đầy cảm xúc. 3 chuyến tàu chở hàng cùng cán bộ, chiến sỹ, trong đó có nhiều tân binh đã rời cảng chia 3 hướng ra quần đảo Trường Sa. Thấp thoáng phía sau những hàng lính xếp dài tăm tắp là gương mặt đỏ hoe của những người phụ nữ, ánh mắt tròn xoe của các cháu nhỏ…
Khó có thể diễn tả nổi cảm giác của người lần đầu đi biển: mệt vì say sóng, háo hức được nhìn thấy đảo. Ở đất liền, dù sức tưởng tượng có phong phú đến mấy tôi cũng không thể hình dung nổi Trường Sa lại đẹp đến thế. Những dải cát vàng được hình thành từ san hô được kết chặt với loài muống biển ôm lấy đảo. Đêm đầu tiên ở đảo Sinh Tồn, tôi đã được sống trong những thời khắc thiêng liêng nhất của cuộc đời mình. Sự giao thoa giữa trăng, biển và đảo đã làm cho đêm ở đây thêm huyền diệu và lộng lẫy. Những con sóng lấp lánh đuổi nhau từ rạn san hô ngoài xa, xô vào bờ như xóa đi sự ngăn cách vời vợi của biển.
Tác giả với chiến sỹ hải quân tại Quân cảng Cam Ranh trước giờ ra Trường Sa.
Những ngày trên đảo Nam Yết, chúng tôi đã hòa nhịp với cuộc sống của lính đảo: ăn như lính, ngủ như lính, làm việc theo giờ của lính và cảm nhận rõ man mác nỗi nhớ nhà. Nam Yết được mệnh danh là đảo dừa. Bởi đây là nơi duy nhất trên quần đảo Trường Sa có rất nhiều dừa sống được. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho lính đảo thứ quả ngon ngọt và bổ dưỡng trong môi trường khắc nghiệt. Để có khoảng hơn 600 cây dừa, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ đã ươm cây, trồng thay thế những cây già cỗi và gây giống rồi gửi cả cho các đảo khác. Mỗi cây dừa trên đảo đều được lính đảo yêu quý như đồng đội của mình.
Tự hào hơn, chúng tôi đã được lưu lại trên đảo Sơn Ca đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm 2013 và 2014. Đêm đón xuân mới diễn ra trong không khí ngập tràn sắc trẻ và tình cảm của những người xa đất liền. Khoảnh khắc mà một chiến sỹ thể hiện ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” đã làm rung động hàng trăm trái tim hôm ấy. Tôi muốn mình có thể đi ngược thời gian để trở lại tuổi trẻ, tràn đầy sức sống và lãng mạn.
Có những hôm thời tiết trên biển dịu dàng. Ánh nắng chan hòa khiến cho bầu trời và mây hiện lên rõ hơn. Những đảo chìm như Đá Nam, Đá Thị nằm chơi vơi giữa biển mênh mông xanh thẳm. Những món quà của đất liền như heo, gà, nước mắm, gạo nếp, lá dong… như hơi ấm của đất liền gửi bộ đội ở đây.
Hình ảnh rất đỗi thân quen với quê nhà mà tôi đã được gặp ở đảo Song Tử Tây là cây đa Tân Trào do các đồng chí lãnh đạo tỉnh trồng trong dịp ra thăm Trường Sa hồi đầu năm 2013. Ở đảo Song Tử Tây, tôi còn may mắn khi bất ngờ được gặp người đồng hương là Trung úy Lê Thanh Quyền quê ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Quyền luôn gọi tôi bằng cái tên thân mật “anh quê”. Ngoài món quà giản dị là những quả bàng vuông khô tặng tôi về trồng ở đất liền, Quyền còn nhắn nhủ “Tết này em không về quê thăm bố mẹ được, anh nhớ vào nhà em nhé!”.
Cái nắng ở Trường Sa dù có cháy cây, cháy cỏ; hơi mặn của gió biển lồng lộng suốt ngày đêm, thì sức sống dường như càng mãnh liệt hơn nhiều. Tết ở đảo, do không có hoa đào, hoa mai thật nên các anh phải tự làm bằng giấy để tạo không khí xuân. Bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông, buộc bằng dây ni lon, nhưng hình dáng và màu sắc vẫn như ở đất liền.
Ngày chúng tôi rời Trường Sa là lúc bộ đội đang rục rịch đón tết cổ truyền của dân tộc. Không thể tả hết được cảm xúc của mỗi người lần đầu ra đảo vào mùa biển động, nhưng có một điểm chung mà chúng tôi vẫn còn mong mỏi, trở lại Trường Sa thêm một lần nữa.
Bài, ảnh: Việt Hòa