Nhọc nhằn những người buôn bán nhỏ

Nhọc nhằn những người buôn bán nhỏ
4 giờ trướcBài gốc
Công việc vất vả, khó nhọc nhưng người lao động tại Chợ đầu mối nông, lâm, thủy sản Đông Hương (TP Thanh Hóa) vẫn miệt mài, thức khuya dậy sớm mưu sinh.
Màn đêm buông xuống, trong khi mọi người đang quây quần bên mâm cơm gia đình, vui vẻ cùng con cháu, thì đây lại là khoảng thời gian mưu sinh vất vả của những lao động tự do với hàng hóa chất lên đôi quang gánh, xe đẩy. Bất chấp thời tiết, đêm đêm, họ miệt mài, oằn mình trên những cung đường, con ngõ mong có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Có thâm niên hơn 10 năm buôn bán hoa quả ở Chợ đầu mối nông, lâm, thủy sản Đông Hương (TP Thanh Hóa), đối với chị Nguyễn Thị Hà (phường Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) để có được “đồng ra, đồng vào” trang trải cuộc sống là điều chưa bao giờ dễ dàng. Công việc tuy vất vả, thường xuyên thức đêm, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, nhưng hàng ngày chị vẫn cần mẫn, chăm chỉ với cuộc sống mưu sinh của mình. Nhọc nhằn là vậy, nhưng chị hầu như chưa nghỉ một ngày chợ nào ngoài những lúc ốm đau, mưa bão. Chị Hà cho biết, đây là chợ đầu mối nên mọi người thường họp sớm để còn kịp cung cấp hàng về các chợ. Do buổi ngày còn lo việc con cái, nhà cửa nên chỉ có những lúc đêm hôm thế này mới tranh thủ được thời gian buôn bán để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Phần lớn tiểu thương ở đây thường phải chấp nhận cuộc sống đảo ngược về thời gian, thức khuya, dậy sớm, ngược xuôi để kiếm kế sinh nhai. Ở khu chợ đầu mối lớn nhất xứ Thanh này, những người lao động đa phần là phụ nữ, họ bày bán đủ loại như: hải sản, hoa, rau, củ, quả các loại. Với họ, mỗi mớ rau, cân hoa quả lãi lời cũng được vài nghìn đồng, ngày nào buôn bán thuận lợi cũng đủ chi tiêu sinh hoạt. Gặp hôm ế ẩm, mưa gió, nhiều người buộc phải bán rẻ hơn cả giá nhập nên xác định vừa lỗ vốn, vừa tốn công, tốn xăng đi lại...
Mưu sinh trong đêm tuy vất vả, nhưng bù lại giúp lao động nghèo có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Nhiều năm buôn bán hải sản dọc ngang các phố phường thuộc TP Thanh Hóa, sạp hàng đủ loại tôm, cua, cá... của chị Lê Thị Hiền (phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) không lúc nào vắng khách. Công việc vất vả, bụi bặm đường phố khiến đôi tay chị nổi đầy gân guốc, khuôn mặt sạm đi vì mưa gió, bù lại giúp chị kiếm hơn 10 triệu đồng/tháng.
“Nghề bán hải sản này được nhiều chị em lựa chọn bởi không cần nhiều vốn, lại thường không cố định, nay bán chỗ này, mai lại bán chỗ kia, miễn sao có khách cần mua. Nhà có con đang tuổi ăn, tuổi học, nên phải cố gắng kiếm tiền để còn lo toan cho nó. Ngày thì tất bật việc con cái, rồi lại tính toán xem nhập hàng thế nào là vừa đủ, không ế ẩm..., tối lại đi bán hàng. Nói chung vất vả lắm”, chị Hiền tâm sự.
Vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền, các bà, các chị vẫn cần mẫn mưu sinh cả ngày lẫn đêm.
Cũng vì gánh nặng mưu sinh nên nhiều phụ nữ nông thôn đều đổ xô ra chốn thị thành tìm việc, gồng mình trước mưa thâm, gió bấc, đôi khi còn đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Đối với nhiều bạn sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa (phường Đông Vệ) chắc hẳn quá đỗi quen thuộc với gánh hàng rong la liệt các mặt hàng như: rau muống, mùng tơi, rau ngót, bắp cải, cà chua... của chị Lê Thị Nga (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa). Năm nay mới 37 tuổi, trông chị có vẻ già hơn so với độ tuổi, vì mưu sinh bất kể ngày hay đêm, chị vẫn miệt mài với công việc của mình. Trước kia, chị Nga từng làm công nhân may mặc, do kinh tế khó khăn, công ty cắt giảm nhân sự, đành phải nghỉ việc rồi bén duyên với nghề bán rau, củ quả không biết từ khi nào. Nhờ xe hàng rong, cộng thêm bản tính chịu thương, chịu khó nên thu nhập cũng đủ nuôi con cái, trang trải cuộc sống...
Bài và ảnh: Trung Lê
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/nhoc-nhan-nbsp-nhung-nguoi-buon-ban-nho-34052.htm