Đây là ca bệnh điển hình của tình trạng nhồi máu cơ tim cấp gây ngừng tuần hoàn, cần can thiệp nhanh chóng và kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận bệnh nhân L.H.V. (42 tuổi, lái xe taxi), có tiền sử nghiện thuốc lá nhiều năm, vào viện trong tình trạng đau ngực dữ dội sau xương ức.
Kết quả điện tâm đồ cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Ngay sau khi vào viện, bệnh nhân rơi vào tình trạng mất ý thức nhanh chóng, tím tái toàn thân, và điện tim ghi nhận rung thất.
Bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế.
Các bác sỹ đã ngay lập tức tiến hành sốc điện và cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau 5 phút, bệnh nhân có mạch trở lại và được đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập, đồng thời sử dụng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp và kiểm soát nhịp tim. Tuy nhiên, bệnh nhân tiếp tục rơi vào trạng thái mất ý thức và rung thất liên tục, buộc các bác sĩ phải thực hiện sốc điện và ép tim liên tục.
Sau khi hội chẩn, các bác sỹ quyết định áp dụng kỹ thuật Hồi sinh tim phổi nhân tạo (ECMO VA). Với phương pháp này, các bác sĩ vừa ép tim, vừa tiến hành cấy các thiết bị vào mạch máu lớn để chạy tim phổi nhân tạo.
Sau 90 phút kết hợp ép tim, sốc điện và can thiệp ECMO VA, bệnh nhân được tiến hành chụp mạch vành can thiệp, lấy huyết khối và đặt 2 stent vào động mạch vành phải, nguyên nhân gây ra ngừng tuần hoàn.
Mặc dù can thiệp mạch vành đã giúp cải thiện tình trạng, nhưng chức năng tim vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân tiếp tục phải duy trì ECMO, lọc máu liên tục do suy đa tạng và toan chuyển hóa nặng.
Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân đã được truyền 14 đơn vị hồng cầu khối, 6 đơn vị huyết tương tươi và 4 đơn vị khối tiểu cầu, do khoa Huyết học của bệnh viện cung ứng kịp thời.
Theo TS.Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, sau 72 giờ điều trị bằng ECMO, chức năng tim của bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn, huyết động được duy trì tốt.
Bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản và tiếp tục hồi sức nội khoa thêm 2 tuần. Ngày 16/12/2024, bệnh nhân L.H.V. đã được xuất viện trong tình trạng tỉnh táo và hồi phục tốt.
TS.Oanh cho biết, nhồi máu cơ tim cấp với biến chứng ngừng tuần hoàn là tình huống rất nguy hiểm.
Bệnh nhân L.H.V. đã được cấp cứu kịp thời nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều chuyên khoa và các kỹ thuật cao như ECMO VA, can thiệp tim mạch và lọc máu liên tục.
Đây là minh chứng cho khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong việc triển khai các kỹ thuật tiên tiến, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân trong tương lai.
Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, và thói quen hút thuốc lá chính là yếu tố nguy cơ lớn góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh này.
Mặc dù nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe tim mạch, nhưng các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, thuốc lá không chỉ làm hại phổi mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tuần hoàn, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp.
Khi hút thuốc lá, cơ thể sẽ hấp thụ một loạt các chất độc hại, bao gồm nicotine, carbon monoxide, các hợp chất gây ung thư và các chất tạp chất khác.
Nicotine là chất gây co mạch máu, làm tăng huyết áp và nhịp tim, trong khi carbon monoxide làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, gây tổn hại cho các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào tim.
Khi các mạch máu bị co lại do tác động của nicotine, khả năng cung cấp máu và oxy đến tim bị hạn chế, làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa trong động mạch (xơ vữa động mạch).
Những mảng xơ vữa này có thể vỡ ra, gây tắc nghẽn dòng máu và dẫn đến hiện tượng nhồi máu cơ tim cấp – khi một phần cơ tim không nhận đủ oxy, gây tổn thương nghiêm trọng hoặc thậm chí là hoại tử cơ tim.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp đôi so với những người không hút thuốc. Bên cạnh đó, hút thuốc lá làm tăng khả năng tái phát nhồi máu cơ tim ở những bệnh nhân đã từng bị bệnh lý này.
Các chuyên gia y tế, đặc biệt là những bác sĩ chuyên về tim mạch, cảnh báo rằng thuốc lá là "kẻ giết người thầm lặng" của hệ tim mạch. Mỗi điếu thuốc không chỉ làm tăng huyết áp mà còn gây xơ vữa động mạch, yếu tố trực tiếp dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ.
Bệnh nhân nghiện thuốc lá có thể không cảm nhận ngay được những tác hại lâu dài, nhưng bệnh sẽ âm thầm phát triển và đến khi xảy ra biến chứng thì mọi thứ đã quá muộn.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, việc bỏ thuốc lá có thể giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp. Chỉ trong vòng vài tháng sau khi bỏ thuốc, sức khỏe tim mạch sẽ được cải thiện rõ rệt, đồng thời giảm được nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
D.Ngân