Nhồi máu cơ tim nguy hiểm thế nào?

Nhồi máu cơ tim nguy hiểm thế nào?
một ngày trướcBài gốc
Người trẻ tầm soát nguy cơ nhồi máu cơ tim bằng siêu âm tim gắng sức
GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng trong vòng 30 phút từ khi tim thiếu máu nuôi, cấu trúc cơ tim có sự thay đổi và phù, sau 3 giờ thiếu máu các tế bào cơ tim chết đi. Lúc này tim yếu, không đủ khả năng tái tưới máu mô cơ quan.
Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp là do tình trạng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa này bị vỡ đột ngột hoạt hóa các yếu tố đông máu ở trong huyết tương hình thành nên một cục máu đông và bít lòng mạch, ngăn chặn hoàn toàn máu tới nuôi tim. Mảng xơ vữa hình thành âm thầm trong cơ thể, không có dấu hiệu cảnh báo, từ đó làm tổn thương mạch máu và tim, dần dẫn đến xơ vữa động mạch cùng những biến cố như là nhồi máu cơ tim. "Nếu không can thiệp kịp thời, nguy cơ người bệnh tử vong 40%, trong đó 20% do biến chứng loạn nhịp trong những giờ đầu", giáo sư Nhân nói, thêm rằng trường hợp được cứu sống, nhưng do cơ tim hoại tử nhiều có thể biến chứng suy tim, ảnh hưởng đến cuộc sống, giảm tuổi thọ.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có khoảng 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, trong đó nhồi máu cơ tim là tình trạng khẩn cấp nhất, nếu không xử trí điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong đến 50%. Tại Việt Nam hàng năm có khoảng 200.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch, chiếm phần lớn là nhồi máu cơ tim.
Theo giáo sư Nhân, hiện các phương tiện cấp cứu nhồi máu cơ tim cải tiến giúp can thiệp nhanh chóng nhưng điều trị là thách thức do triệu chứng xảy ra đột ngột, người bệnh nhập viện quá trễ. Thời gian "vàng" điều trị là 1-2 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đau thắt ngực hoặc ít nhất trong 6 giờ đầu cần can thiệp tái thông nhánh động mạch bị tắc nghẽn để tăng tưới máu cho tim, giảm mức độ hoại tử cơ tim, suy tim, loạn nhịp sau đó.
Người có nguy cơ nhồi máu cơ tim có thể có một số biểu hiện như đau thắt ngực trái hoặc đau sau xương ức. Cơn đau thường kéo dài hơn 20 phút, có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, đổ mồ hôi lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn tri giác... Có khoảng 1/2 trường hợp bệnh không có dấu hiệu báo trước, chỉ xảy ra khi gắng sức quá mức như tập luyện thể thao cường độ cao, không kiểm soát được cảm xúc, những tình huống quá đột ngột, bất ngờ hoặc căng thẳng tâm lý, theo giáo sư Nhân.
Thời gian và sơ cứu ban đầu đúng cách trước khi đến bệnh viện giúp tăng cơ hội sống còn, giảm di chứng cho người bệnh. Nếu gặp triệu chứng như trên, người bệnh cần bình tĩnh, ngưng ngay mọi hoạt động, tìm chỗ gần nhất ngồi tựa lưng hoặc nằm ở tư thế nửa ngồi nửa nằm, nới lỏng quần áo để bớt cảm giác khó thở, mệt mỏi. Lưu ý không gắng sức lúc này vì khiến cơ tim tổn thương nặng hơn. Sau đó, người bệnh cần nhanh chóng liên lạc trạm cấp cứu 115 hoặc nhờ người thân đưa ngay đến bệnh viện gần nhất hoặc nơi có đầy đủ điều kiện cấp cứu, can thiệp nhồi máu cơ tim.
Êkíp cấp cứu ngoại viện sơ cứu một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp trước khi chuyển đến bệnh viện
Hiện có ba kỹ thuật cấp cứu nhồi máu cơ tim cơ bản gồm dùng thuốc, đặt stent, phẫu thuật. Tại các trung tâm y tế không có điều kiện can thiệp đặt stent có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết như là một biện pháp kéo dài thêm thời gian cấp cứu. Dù được can thiệp thành công, người bệnh vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định, có kế hoạch điều trị, kiểm soát bệnh nền, tái khám theo dõi lâu dài, thay đổi lối sống.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khoảng 20-30 năm trước, bệnh tim mạch tử vong thường do bệnh van tim do thấp (bệnh thấp tim). Hiện nhóm bệnh này giảm thì xuất hiện những bệnh lý mới do lối sống hiện đại liên quan đến xơ vữa động mạch. Mỗi ngày Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Trong đó có 1/3 là nam giới ngoài 40 tuổi, thừa cân béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá nhiều, thức khuya, ít vận động, cuộc sống căng thẳng...
Người trẻ với lối sống hiện đại, ít vận động, chế độ ăn uống không khoa học, tiêu thụ thức ăn nhanh, hút thuốc lá, lạm dụng chất kích thích... là các yếu tố nguy cơ âm thầm thúc đẩy nhồi máu cơ tim. Nhóm người tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu... chưa điều trị hoặc kiểm soát chưa tốt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Những người bệnh rối loạn lipid máu gia đình, có cha hoặc chú, bác bị nhồi máu cơ tim trước 55 tuổi hoặc mẹ bị nhồi máu cơ tim trước 65 tuổi cần khám tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ.
L.A (tổng hợp)
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/nhoi-mau-co-tim-nguy-hiem-the-nao-410378.html