Nhóm cựu lãnh đạo Tổng công ty Chè Việt Nam hầu tòa vì gây thất thoát lãng phí

Nhóm cựu lãnh đạo Tổng công ty Chè Việt Nam hầu tòa vì gây thất thoát lãng phí
một ngày trướcBài gốc
Cùng vụ án, bị cáo Trần Hồng Điệp (cựu Kiểm soát viên Tổng công ty Chè Việt Nam) bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo buộc, Tổng công ty Chè Việt Nam (Tổng công ty Chè) được Nhà nước giao quản lý, sử dụng 11 cơ sở nhà đất. Quá trình quản lý, sử dụng các khu đất trên, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty Chè và các cá nhân liên quan đã có hành vi trái pháp luật, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước ở 3 khu đất.
Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa
Cụ thể, đối với nhà đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. HCM), theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, sau cổ phần hóa khu đất này vẫn là đất thuê trả tiền hàng năm, không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; giao cho Tổng công ty Chè cổ phần tiếp tục được thuê đất và đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Tuy nhiên, khi đang thực hiện cổ phần hóa, bị cáo Nguyễn Thiện Toàn và các đồng phạm đã thống nhất ký các nghị quyết, văn bản thỏa thuận, hợp đồng vay tiền, nộp tiền đất một lần, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong tương lại cho Công ty GB-Tea.
Toàn bộ việc làm trên được thực hiện sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đang trong thời gian cổ phần hóa Tổng công ty Chè. Dẫu vậy, Nguyễn Thiện Toàn, Đặng Ngọc Cầm, Nguyễn Quốc Khánh và các đồng phạm không hạch toán bổ sung, không xác định tài sản là QSDĐ thuê 50 năm trả tiền một lần vào giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Đối với diện tích 1.500m2 tại phố Trần Khát Chân (Hà Nội), bị cáo Toàn và các đồng phạm đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, quyền góp vốn không qua đấu giá. Tương tự, bị cáo Toàn đã ký các văn bản chuyển nhượng phần vốn góp là quyền QSDĐ diện tích 11.635 m2 ở đường Chè Hương (Hải Phòng) không qua đấu giá… Hành vi này của các bị cáo gây thiệt hại cho ngân sách hơn 38 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thiện Toàn khai khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa là đất thuê 50 năm, khi cổ phần hóa thì phương án là Tổng công ty Chè tiếp tục được sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh. Sau đó, khi thực hiện thoái vốn tại liên doanh, Nhà nước đã thu được 27,9 tỷ đồng tiền thuê đất 50 năm trả tiền một lần. Còn Tổng công ty Chè đã thu được tài sản trên đất là 21 tỷ đồng và 4 tỷ đồng lợi thế quyền thuê đất.
Đối với khu đất Trần Khát Chân, Tổng công ty Chè được sử dụng 238.500 USD tiền thuê đất trong 30 năm, để góp vốn vào Liên doanh Hotel Indochine Việt Nam. Khi đó, Tổng công ty Chè đã nhận nợ tiền thuê đất với Nhà nước, phương án giải quyết có thể hạch toán tăng tài sản Nhà nước đã đầu tư vào Tổng công ty Chè hoặc Tổng công ty Chè sẽ trả khoản nợ này.
Về tiền thuê đất được đưa vào góp vốn, liên doanh đến nay vẫn không ghi nhận vì thực tế, khu đất này đến giờ vẫn còn tranh chấp với các hộ dân xung quanh, công ty liên doanh chưa sử dụng được mặc dù đã đứng tên trên giấy chứng nhận QSDĐ.
Về khu đất 11.635m2 tại đường Hương Chè (Hải Phòng), bị cáo Toàn trình bày, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thời điểm đó thì buộc phải bán cho các cổ đông sáng lập tại doanh nghiệp dự án là Công ty Nam Cường. “Tổng công ty Chè bán được 20,5 tỷ đồng. Việc bán có sai ở 870m2 là đất thuê lâu dài phải xác định lại giá trị và bán đấu giá công khai”- cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Chè Việt Nam khai.
Cựu Kế toán trưởng Đặng Văn Tới bị cáo buộc không hạch toán bổ sung tài sản là QSDĐ thuê 50 năm trả tiền một lần tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Tổng công ty Chè. Bị cáo cũng hạch toán tiền chuyển nhượng phần vốn góp là QSDĐ thuê 30 năm, diện tích 1.500 m2 tại phố Trần Khát Chân và diện tích 11.635 m2 đất đường Chè Hương không qua đấu giá là trái phát luật, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 38 tỷ đồng.
Khai báo tại tòa, bị cáo Tới cho rằng khi Tổng công ty Chè Việt Nam chuyển nhượng QSDĐ tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị cáo này không biết, chỉ đến khi có báo cáo kiểm toán mới biết và có báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ).
Bị cáo Tới khai, trong quá trình làm việc, bị cáo này ghi nhận là tài sản vô hình là quyền thuê đất. Về khu đất 1.500m2 tại phố Trần Khát Chân, bị cáo Tới khai bản thân có báo cáo với bị cáo Vũ Ngọc Tự (khi đó là Chủ tịch HĐTV) về quy định phải bán đấu giá nhưng “quyền quyết định như thế nào là của các thành viên HĐTV”.
Lâm Vinh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/nhom-cuu-lanh-dao-tong-cong-ty-che-viet-nam-hau-toa-vi-gay-that-thoat-lang-phi-post608923.antd