Vừa qua, nhóm nhạc B.O.F – gồm 5 gương mặt nổi bật từ một chương trình truyền hình thực tế chính thức ra mắt sản phẩm âm nhạc debut mang tên No Fair. Nhóm quy tụ các nghệ sĩ quen thuộc với khán giả Việt gồm Jun Phạm, BB Trần, S.T Sơn Thạch, Bùi Công Nam và Kay Trần. Trước đó, B.O.F từng phát hành một MV nhạc Tết phục vụ quảng bá thương hiệu, như bước “làm nóng” trước khi chính thức lấn sân với tư cách nhóm nhạc chuyên nghiệp.
Sở hữu lượng người hâm mộ sẵn có từ các hoạt động cá nhân, B.O.F chưa ra mắt đã tạo sức hút lớn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, màn debut lại vấp phải loạt phản ứng trái chiều, thậm chí bị cho là “gây thất vọng toàn diện” từ âm nhạc, hình ảnh cho đến chiến lược quảng bá.
“No Fair” – sáng tác cá nhân bị đánh giá thấp hiếm hoi của Bùi Công Nam
No Fair là ca khúc do chính thành viên Bùi Công Nam sáng tác, mang màu sắc Rap - R&B với phần ca từ kể về mối tình đơn phương, khi chàng trai dành trọn tình cảm nhưng chỉ nhận lại sự lạnh nhạt từ đối phương. Dù nội dung mang màu sắc cảm xúc, nhiều đoạn lời nhạc mang phong cách thả thính gen Z bị chê là gượng ép, sến sẩm, thậm chí “cringe” khi thể hiện bởi các nghệ sĩ đã gần độ tuổi 40.
Đây được xem là lần hiếm hoi Bùi Công Nam – người từng tạo dấu ấn với nhiều bản hit – nhận về phản hồi tiêu cực liên quan đến chất lượng sáng tác.
Giai điệu và hình ảnh gây tranh cãi: Bống Bống Bang Bang phiên bản… U40?
Về mặt âm nhạc, No Fair sở hữu giai điệu vui tươi, pha trộn EDM hiện đại với tinh thần dân gian, khiến nhiều khán giả liên tưởng đến Bống Bống Bang Bang – bản hit từng gắn liền với Jun Phạm và S.T trong thời kỳ nhóm 365daband. Sự tương đồng khiến ca khúc bị đánh giá là thiếu mới mẻ, thậm chí bị gọi là “phiên bản lỗi” của sản phẩm từng đạt hàng trăm triệu lượt xem.
Điểm gây tranh cãi không kém đến từ phần hình ảnh. Ngay từ teaser, khán giả đã bày tỏ sự bối rối trước tạo hình rực rỡ, trang điểm đậm và phong cách thị giác đậm chất Kpop của nhóm. MV mang màu sắc hiện đại, nhưng lại kết hợp với âm nhạc mang hơi hướng dân gian, khiến tổng thể bị đánh giá là thiếu sự ăn khớp. Dù nhóm cố gắng xây dựng hình tượng 5 “phản diện” khác biệt, hé lộ góc khuất nội tâm từng nhân vật, phần kịch bản vẫn bị chê là rối rắm, khó hiểu và thiếu điểm nhấn.
Công thức Kpop lỗi thời, phản ứng trái chiều từ cả fan cứng
Sự đầu tư về mặt hình ảnh, sự “chịu chơi” của các nghệ sĩ trong lần debut này không đủ để thuyết phục người xem. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều bình luận chê bai xuất hiện dày đặc, cho rằng sản phẩm “cũ kỹ, lạc quẻ” và không phù hợp với thị hiếu hiện tại. Thậm chí, một số khán giả ví von No Fair còn “cringe” hơn cả “thảm họa âm nhạc” Pickleball – sản phẩm từng bị chỉ trích dữ dội của Đỗ Phú Quý.
Không chỉ người nghe trung lập, ngay cả một bộ phận fan của các thành viên cũng tỏ ra thất vọng với MV đầu tay của nhóm. Một số ý kiến cho rằng mô hình nhóm nhạc nam “gộp sao” kiểu này, dù có lượng người theo dõi lớn, vẫn không thực sự hiệu quả tại thị trường Việt Nam – nơi gu thưởng thức của khán giả đang ngày càng nghiêng về chất lượng âm nhạc và cá tính nghệ sĩ hơn là độ nổi tiếng.
Qua đây, No Fair cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất và nghệ sĩ Việt: Sự nổi tiếng cá nhân không đồng nghĩa với thành công khi hoạt động nhóm – đặc biệt trong một thị trường âm nhạc đang phát triển và ngày càng có yêu cầu cao từ khán giả trẻ.
Minh Quân