Thu gom được hơn 3.000 tấn rác
Sài Gòn xanh – cái tên không còn xa lạ với người dân sống ven kênh, rạch tại TP.HCM và những người yêu môi trường. Dù nắng hay mưa, đều đặn 2 ngày/tuần, nhóm bạn trẻ Sài Gòn xanh lại lặn lội tìm đến những con nước bị ô nhiễm, ngập ngụa rác để dọn dẹp, làm mới hình ảnh cho những kênh, rạch.
Thậm chí những ngày cuối năm, nhiệt độ vào sáng sớm tại TP.HCM khá lạnh, nhưng họ vẫn không ngại lội bùn, ngâm mình hàng giờ dưới dòng nước đen kịt, tanh rình để dọn rác tại những dòng kênh đang “oằn mình” vì rác thải và ô nhiễm ở thành phố.
Ở đâu có rác là nhóm bạn trẻ Sài Gòn xanh tìm đến để dọn dẹp, mang lại hình ảnh mới cho kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Dù là câu lạc bộ (CLB) tự phát, thế nhưng quy mô, cách thức tổ chức hoạt động của Sài Gòn xanh lại hết sức bài bản. Anh Nguyễn Lương Ngọc, Chủ nhiệm CLB Sài Gòn xanh chia sẻ, sau gần hai năm thành lập, nhóm đã có hơn 2.000 tình nguyện viên, tổ chức gần 300 hoạt động ra quân, thu gom được hơn 3.000 tấn rác tại các kênh rạch ở TP.HCM.
“Hoạt động dọn rác của Sài Gòn xanh liên tục tổ chức vào thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần. Còn thứ Bảy tổ chức cải tạo mỹ quan đô thị, cải tạo những bức tường bị dán quảng cáo bẩn. Các tình nguyện viên khi đăng ký tham gia các hoạt động của Sài Gòn xanh sẽ được hỗ trợ tiêm vaccine uốn ván, thương hàn, tả, cúm, viêm gan B và được trang bị đồ bảo hộ lao động chống nước, bao tay chống cắt” - anh Nguyễn Lương Ngọc nói.
Những ngày này, nhiệt độ vào sáng sớm tại TP.HCM khá lạnh, nhưng nhiều bạn trẻ Sài Gòn xanh vẫn không ngại ngâm mình hàng giờ dưới dòng nước đen kịt, tanh rình để dọn rác. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Một buổi sáng Chủ nhật cuối tháng 12, sau khi mặc đồ bảo hộ, không ai bảo ban, phân công ai, mỗi thành viên của nhóm Sài Gòn xanh tự giác làm những phần việc, phối hợp rất nhịp nhàng. Người thì phát quang, dọn dẹp bụi rậm, người thì xịt ruồi, muỗi, người thì dầm mình dưới nước den kịt để cào, gom rác, người thì kéo rác lên bờ,… tại một con rạch trên đường số 42, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Nặng lòng với những dòng kênh ô nhiễm
Ai trong số họ cũng nặng lòng và chung mục tiêu, ước mơ là xanh hóa những dòng kênh. Chia sẻ về lý do gắn bó với Sài Gòn xanh gần 1 năm qua, anh Đỗ Phương Nam (sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng vì thấy thành phố còn rất nhiều kênh, rạch bị ô nhiễm và ý thức người dân chưa cao, còn xả rác bữa bãi. Do đó, anh muốn đóng góp một phần nào đó sức mình để cùng mọi người làm cho thành phố xanh, sạch, đẹp hơn, cũng như bảo vệ sức khỏe của mọi người.
Còn anh Trần Minh Khang (sinh viên trường Đại học Gia Định) cho biết, anh không nghĩ rằng TP.HCM có nhiều kênh rạch bị ô nhiễm đến vậy.
“Trước khi tham gia nhóm Sài Gòn Xanh, em không nghĩ là nhiều kênh rạch bị ô nhiễm đến vậy. Khi mà tham gia rồi mới thấy nó ô nhiễm rất nặng, nước đen sì, đi ngang qua là phải nín thở. Có những con kênh phải dọn từ sáng cho đến chiều, tối luôn” – anh Khang nói.
Những dòng nước đen kịt, tanh rình nhưng không thể làm chùn bước các bạn trẻ trong nhóm Sài Gòn xanh. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Suốt 2 năm qua, nhóm Sài Gòn xanh không nhớ hết họ đã dọn dẹp bao nhiêu kênh rạch ở TP.HCM, bởi rác được dọn sạch hôm nay thì ngày mai vẫn xuất hiện trở lại. Với họ ấn tượng và ám ảnh nhất là Rạch Lăng ở quận Bình Thạnh, đây là trong những con kênh ô nhiễm nặng nhất, nhì TP.HCM.
Chị Hạ Băng (nhân viên văn phòng – một thành viên của Sài Gòn xanh) cho biết, Rạch Lăng nằm ở hạ nguồn của các kênh rạch khác nên có lượng rác nhiều và nguồn nước bẩn nhất. Chưa kể dưới đó có rất nhiều kim tiêm, mỗi lần thu gom nếu cân có thể nặng tới 2 – 3kg. 90% tình nguyện viên sau khi tham gia thu dọn rác ở Rạch Lăng đều bị ngứa và các bệnh về da.
Thế nhưng, những điều ấy không thể làm nản lòng các bạn trẻ, họ vẫn đam mê theo đuổi ước mơ xanh hóa con kênh này.
“Rạch Lăng tụi em luôn quay lại hàng tháng để dọn rác. Đôi lúc tụi em cũng cảm thấy bất lực khi đứng trước Rạch Lăng vì lượng rác sau khi dọn xong lại như cũ. Buồn thì cũng có buồn nhưng tụi em vẫn quyết tâm dọn sạch. Bọn em hy vọng rằng sẽ có một ngày nào đó Rạch Lăng sẽ không còn lượng rác như vậy nữa, có thể ít hơn hoặc thậm chí không còn rác luôn. Đó là điều mong muốn của em, cũng như tất cả các bạn trong CLB Sài Gòn Xanh” – chị Hạ Băng nói.
Tổ chức bài bản, làm việc rất có tâm
Chứng kiến các bạn trẻ Sài Gòn xanh năm nào cũng phải vất vả với con kênh đi qua địa bàn khu phố ngập ngụa rác, ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Chi bộ khu phố 15, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức và bà Phan Thị Lan, người dân khu phố đã không ngần ngại tham gia cùng nhóm dọn dẹp “thay áo mới” cho con kênh trước thềm năm mới.
Nhận xét về những thành viên của nhóm Sài Gòn xanh luôn xung kích vì cộng đồng, ông Nguyễn Văn Phong bày tỏ sự cảm kích trước tinh thần trách nhiệm rất cao và cách làm việc rất có tâm của họ.
“Phải thừa nhận rằng kênh rất dơ, nước đen, ruồi muỗi rất nhiều. Tuy các bạn không phải là người ở địa phương nhưng các bạn vẫn về đây, xông pha để làm những công việc này, giúp cho địa phương. Phải nói là tinh thần, trách nhiệm của các bạn rất cao, làm việc rất có tâm. Các bạn đã xuống kênh vớt rác, khơi thông dòng chảy, chặt cây, phát quang, dọn dẹp cho con kênh rất sạch sẽ” – ông Phong nói.
Phao chắn rác là một trong những sáng kiến, dự án của nhóm Sài Gòn trong việc thu gom, ngăn chặn rác trôi chảy ra sông Sài Gòn và biển. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Còn bà Phan Thị Lan, người dân khu phố thì bày tỏ vừa vui mừng, vừa hổ thẹn khi ý thức bảo vệ môi trường công cộng của một số người dân trong khu phố chưa cao.
“Mừng thì cũng mừng, nhưng tôi thấy rất tội nghiệp các con, các cháu vì quá cực khổ với dòng kênh này, năm nào cũng lội như vậy. Tội nghiệp lắm, các con phải lội dưới kênh ướt hết người. Tôi mong muốn làm sao mọi người có ý thức hơn, đừng vứt rác xuống dòng kênh nữa. Nếu ai cũng có ý thức thì mấy đứa nhỏ sẽ không phải lội nước dơ để dọn dẹp nữa” – bà Lan nói.
Chia sẻ thêm về hoạt động của Sài Gòn Xanh, anh Nguyễn Lương Ngọc cho biết mong muốn của CLB không phải là giải quyết phần ngọn của vấn đề rác ở kênh rạch, mà là muốn tạo ra một giá trị bền vững và thay đổi ý thức của tất cả mọi người.
Theo anh Ngọc, đó mới là cách giải quyết triệt để nguồn gốc vấn nạn vứt rác bừa bãi. Hiện nay, Sài Gòn xanh cũng tạo ra rất nhiều dự án như: lắp đặt phao chắn rác, làm những máy thu gom rác và đổ vi sinh ném xuống những dòng kênh để cải tạo nguồn nước ô nhiễm và giảm được mùi hôi thối của dòng kênh. Đặc biệt dự án này sẽ ngăn cản được dòng rác chảy ra ngoài biển. Hằng tháng, Sài Gòn xanh ngăn chặn được hàng trăm tấn rác trôi ra sông Sài Gòn và cửa biển.
Từ dữ liệu về lượng rác thu gom được tại các phao chắn rác, đại diện Sài Gòn Xanh cho biết lượng rác thải tại các kênh rạch ở TP.HCM đã giảm khoảng 20-30% so với trước đây. Điều đó cho thấy người dân đang có chiều hướng quan tâm hơn tới môi trường, ý thức tốt hơn trong việc quản lý rác thải của hộ gia đình, cá nhân của họ.
Những “chiến binh xanh” vẫn đang miệt mài nỗ lực từng ngày để viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu và trách nhiệm với quê hương. Một thành phố sạch đẹp ngày mai, bắt đầu từ chính những hành động của ngày hôm nay!
Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM