Nhóm sinh viên với sáng kiến giúp người khiếm thị tiếp cận tri thức

Nhóm sinh viên với sáng kiến giúp người khiếm thị tiếp cận tri thức
2 giờ trướcBài gốc
Là giảng viên hướng dẫn nhóm đề tài, Tiến sĩ Lê Thanh Huy, giảng viên trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), cho biết, ở Việt Nam đến nay, số lượng đề tài nghiên cứu về phương tiện hỗ trợ người khiếm thị nói chung và phương tiện chuyển đổi tài liệu trong giáo dục cho người khiếm thị nói riêng còn rất ít.
Mặc dù đã có những nghiên cứu về chế tạo máy in chữ nổi nhưng việc sử dụng công nghệ in 3D để chế tạo máy vẫn chưa được khai thác triệt để. Các nghiên cứu trước đây cũng chưa giải quyết được vấn đề chuyển đổi sách giáo khoa và tài liệu học tập cho học sinh khiếm thị.
Cách tiếp cận đề tài của nhóm sinh viên lớp K22SVK - khoa Vật lý là sự kết hợp giữa các yếu tố kỹ thuật, giáo dục, ứng dụng để tạo ra một sản phẩm công nghệ có ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ học sinh khiếm thị trong quá trình học tập.
Chia sẻ về đề tài, bạn Ngô Thanh Trúc, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, hiện nay cả nước đã đổi mới toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 nhưng học sinh khiếm thị mới có sách giáo khoa ở các khối lớp 1, 2 và 6.
Ở các khối lớp khác, các em không có sách giáo khoa hay bất kỳ tài liệu học tập nào. Chính vì vậy, nhóm của Trúc đã đề ra 3 mục tiêu chính khi thực hiện đề tài. Một là thiết kế, chế tạo và phát triển máy in chữ nổi Braille với giá thành thấp và nhiều điểm mới so với những loại máy in chữ nổi hiện nay.
Hai là chuyển đổi và cung cấp sách giáo khoa, tài liệu học tập cho học sinh khiếm thị tại các trường chuyên biệt, trường hòa nhập. Ba là đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập tại các trường chuyên biệt hay các trường hòa nhập.
Qua khảo sát, thiết bị nhận được phản hồi tích cực về một số tiêu chí như: Tính di động, tính dễ sử dụng với các thao tác đơn giản, thuận tiện, âm thanh phát ra trong quá trình hoạt động dễ chịu.
Nhóm nghiên cứu gồm 5 sinh viên của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
Thiết kế của máy in cũng được đánh giá là dễ dàng vệ sinh, thuận tiện sửa chữa và bảo trì khi có lỗi. Hầu hết giáo viên nhận thấy máy có tiềm năng để đưa vào sử dụng rộng rãi tại các trường học chuyên biệt bởi giá thành rẻ (từ 5 triệu đồng trở lên).
"Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra một số hạn chế của thiết bị cần được cải thiện. Tổng quan, máy in chữ nổi do nhóm nghiên cứu được đánh giá chưa hoạt động ổn định, vấn đề này đã được nhóm khắc phục sau khi khảo sát.
Tốc độ in của máy được đánh giá ở mức bình thường, đòi hỏi tăng tốc độ in để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ sở giáo dục. Máy cũng cần được cải tiến để đảm bảo độ chính xác như trong các thông tư, quy định và cần bổ sung các kí hiệu Braille để tăng tính ứng dụng", Thanh Trúc cho biết thêm.
Đến nay, nhóm đã thành công trong việc chế tạo máy in chữ nổi Braille dùng trong chuyển đổi tài liệu dạy học cho học sinh khiếm thị. Công nghệ máy in chữ nỗi mà nhóm nghiên cứu đã đạt được kết quả chính xác trong quá trình thực nghiệm.
Bên cạnh đó, nhóm đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả in ấn tài liệu học tập cho học sinh khiếm thị bằng máy in chữ nổi, bao gồm đầu kim và lực nén của kim. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, máy in chữ nổi Braille được chế tạo có thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh khiếm thị ở các trường chuyên biệt và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục.
Sản phẩm máy in chữ nổi dùng trong việc chuyển đổi sách giáo khoa và tài liệu để dạy học cho học sinh khiếm thị đã đạt giải Ba Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng năm học 2023 - 2024; giải Ba Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Trường năm học 2023 - 2024; giải Nhất Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Khoa Vật lý năm học 2023 - 2024.
An Khê
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/nhom-sinh-vien-voi-sang-kien-giup-nguoi-khiem-thi-tiep-can-tri-thuc-20241023120139994.htm