Nhộn nhịp khách tàu biển quốc tế đến Việt Nam

Nhộn nhịp khách tàu biển quốc tế đến Việt Nam
6 giờ trướcBài gốc
Liên tiếp đón tàu du lịch quốc tế
Theo các hãng lữ hành, từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm là mùa cao điểm đón khách tàu biển. Cách nay ít ngày, tàu Celebrity Solstice đưa hơn 3.000 khách châu Âu, Mỹ... tham quan TPHCM và một số tỉnh thành khu vực ĐBSCL. Lữ hành Saigontourist đón tiếp và cung cấp dịch vụ cho đoàn khách này. Tại TPHCM, khách được tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử tại các điểm đến như Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TPHCM, chợ Bến Thành…
Trước đó, tàu du lịch biển Costa Serena (Ý) cập cảng Phú Quốc (Kiên Giang) đưa gần 3.300 khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có gần 3.000 khách Thái Lan, số còn lại đến từ khu vực châu Âu. Ước tính, chỉ trong 1 tuần của tháng 2, TP Phú Quốc (Kiên Giang) đón 3 chuyến tàu du lịch 5 sao đến tham quan “đảo ngọc”. Một số hoạt động tiêu biểu của du khách, gồm: tìm hiểu cuộc sống người dân địa phương, thưởng thức ẩm thực, mua sắm sản phẩm đặc trưng của đảo, tham quan Grand World Phú Quốc…
Tương tự, từ đầu năm 2025 đến nay, Cảng quốc tế Cam Ranh - Khánh Hòa; vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)… cũng liên tiếp đón nhiều chuyến tàu du lịch đưa khách quốc tế trải nghiệm danh thắng dọc mọi miền Tổ quốc. Thông tin từ tỉnh Quảng Ninh, lễ hội “Nghệ thuật vì khí hậu - Vịnh Hạ Long 2025” (từ ngày 2 đến 8-6 sắp tới), dự kiến có khoảng 200 tỷ phú châu Âu đến Vịnh Hạ Long bằng siêu du thuyền.
Khách quốc tế chèo thuyền Kayak trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: PHẠM HÀ
Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, tính riêng tháng 1-2025, đơn vị đã đón và phục vụ 19.800 du khách tàu biển quốc tế. Tương tự, Công ty Tân Hồng - Du Ngoạn Việt (chuyên đón khách tàu biển) cũng cho hay, từ đầu năm đến nay đã đón hàng ngàn lượt khách tàu biển đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ... Ngành du lịch xác định, khách tàu biển quốc tế thuộc nhóm khách hàng tiềm năng. Sự có mặt của hàng loạt hãng tàu biển lớn như Royal Caribbean, MSC Cruises, Costa Cruises… đã góp phần đa dạng nguồn khách, thu hút khách đến nước ta nhiều hơn. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch tàu biển có doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch đường hàng không hoặc đường bộ. Đây cũng là một trong những lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển ưa chuộng.
Nâng cấp hạ tầng, tăng cường quảng bá
Dòng khách tàu biển được xem là phân khúc hấp dẫn của ngành du lịch, nhưng không dễ khai thác, bởi nhiều nguyên do. Các chuyên gia du lịch chỉ ra rằng, hạ tầng cảng du lịch, nguồn nhân lực, hoạt động xúc tiến quảng bá… vẫn chưa được chú trọng. Cụ thể, phần lớn các cảng biển nước ta chưa có cầu cảng chuyên dụng cho tàu du lịch cỡ lớn, phải dùng tàu trung chuyển vào bờ nên rất bất tiện. Bên cạnh đó, việc tổ chức nhập cảnh mất khá nhiều thời gian do thủ tục rườm rà, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách…
Để khai thác tốt dòng khách tàu biển vốn sẵn sàng chi tiêu, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch Phan Yến Ly cho rằng, dù đã có nhiều dịch vụ trải nghiệm hơn so với trước đây, nhưng TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần có nghiên cứu chuyên sâu về thói quen, xu hướng tiêu dùng cũng như tâm lý của từng đối tượng du khách cụ thể để có định hướng phục vụ phù hợp. “Không phải khách nào cũng thích mua vài ba món đồ lưu niệm đại trà, tham quan một số điểm đến…, rồi lên tàu nghỉ đêm”, bà Phan Yến Ly nói. Bổ sung nhận định trên, ông Phan Xuân Anh, lãnh đạo Công ty Tân Hồng - Du Ngoạn Việt, ví von, chỉ cần khách vui thích, rút ví chi tiêu nhiều hơn so với hiện tại, thì ngành du lịch sẽ thu lợi đáng kể.
Khách tàu biển quốc tế tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM ngày 12-2 do Lữ hành Saigontourist tổ chức. Ảnh: NGỌC CHI
Chia sẻ với PV Báo SGGP, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng, nhóm du khách quốc tế chi tiêu cao thường ưa thích những trải nghiệm độc đáo, riêng tư và có tính cá nhân hóa cao như đi du thuyền, các tour du lịch riêng biệt, thưởng thức ẩm thực tại các địa điểm độc đáo và các hoạt động giải trí, biểu diễn độc quyền… Khách cũng yêu thích các dịch vụ sang trọng, hướng dẫn viên riêng biệt thông thạo ngôn ngữ, văn hóa. Ngoài ra, xu hướng chi tiêu vào các dịch vụ spa, chăm sóc sức khỏe, trị liệu cao cấp đang ngày càng gia tăng…
“Muốn đón được dòng khách cao cấp, chúng ta cần xây dựng những sản phẩm du lịch độc quyền, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm độc đáo và sang trọng; tiếp tục cải thiện dịch vụ và cơ sở hạ tầng; đầu tư vào các cảng biển; phát triển các khu trung tâm mua sắm hàng hiệu; nâng cấp các cơ sở lưu trú chuẩn 5-6 sao; đẩy mạnh quảng bá, hợp tác tại các sự kiện du lịch quốc tế cao cấp và các hội chợ du lịch chuyên biệt…”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng đề xuất.
Khu thương mại tự do tại Cần Giờ sẽ thu hút khách du lịch
Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có Khu thương mại tự do (FTZ) tại Cần Giờ. FTZ sẽ tạo điểm nhấn quan trọng cho ngành du lịch trong tương lai; góp phần thúc đẩy các hoạt động logistics; nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại, tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp gồm du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…. FTZ được kỳ vọng tạo sức bật cho kinh tế TPHCM cũng như cả nước. Nếu được triển khai nhanh sẽ thu hút khách du lịch đến vui chơi, tiêu tiền, nhất là khách tàu biển, góp phần kích hoạt ngành du lịch phát triển mạnh.
THI HỒNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/nhon-nhip-khach-tau-bien-quoc-te-den-viet-nam-post783176.html