Nhộn nhịp sân khấu cải lương Đồng Nai

Nhộn nhịp sân khấu cải lương Đồng Nai
3 giờ trướcBài gốc
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai công diễn vở cải lương Đồng chí, phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh trong tháng 11-2024. Ảnh:L.Na
Giữa muôn vàn khó khăn ấy, sân khấu cải lương của Đồng Nai vẫn sáng đèn.
1. Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai thời gian vừa qua đã tổ chức nhiều buổi diễn trực tiếp, trực tuyến và biểu diễn tại các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ các tầng lớp nhân dân. Phần lớn các buổi biểu diễn này tập trung vào các vở diễn cải lương và trích đoạn sân khấu mới dàn dựng năm 2024 như: Đồng chí, Tiếng khóc trong đêm, Ông Sáu rừng Sác, Tình mãi thiên thu, Máu nhuộm thành Cô Tô…
Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 -22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2024), Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức đợt công diễn miễn phí vở cải lương Đồng chí tại sân khấu của đơn vị, phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân.
Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Thân Trọng Bích Hạnh cho biết, việc chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức công diễn cải lương về người lính Cụ Hồ trong và sau chiến tranh có ý nghĩa rất to lớn. Không chỉ gửi gắm thông điệp hãy trân trọng và ghi nhớ công ơn của thế hệ cha ông đi trước mà qua vở diễn còn khơi gợi trong người xem những hành động, việc làm cụ thể để tiếp tục đóng góp cho quê hương, đất nước.
Bà Bích Hạnh chia sẻ: “Vở diễn Đồng chí, trích đoạn Ông Sáu rừng Sác thuộc đề tài chiến tranh cách mạng, rất khó để xây dựng trên sân khấu cải lương bởi những lát cắt của lịch sử. Tuy nhiên với sự nỗ lực của đạo diễn, các nghệ sĩ, diễn viên… đã kịp thời biểu diễn phục vụ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh”.
Thượng tá Nguyễn Văn Thái, Chính ủy Lữ đoàn 972 thuộc Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) cho biết, chào mừng các ngày lễ lớn, Lữ đoàn tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao; giao lưu văn nghệ với các đơn vị trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
“Để giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu hơn về nghệ thuật cải lương cũng như những câu chuyện về người lính, Lữ đoàn 972 đã phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đến xem trực tiếp vở Đồng chí tại nhà hát. Đây được xem như là đợt sinh hoạt chính trị, bồi đắp thêm niềm tự hào về tình đồng chí, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc” - thượng tá Nguyễn Văn Thái nói.
Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai THÂN TRỌNG BÍCH HẠNH cho hay: “Ngoài công diễn cải lương phục vụ nhân dân, đơn vị còn tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tại thành phố Cần Thơ với 2 vở diễn: Ánh nhật nguyệt và Đồng chí. Từ sân chơi này, các đơn vị, các nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi lẫn nhau, phát hiện những tìm tòi mới trong lao động, sáng tạo nghệ thuật”.
2. Một vở cải lương đề tài chiến tranh cách mạng tưởng như khô khan, nặng nề nhưng đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả, nhất là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Lần đầu trực tiếp xem một vở cải lương trên sân khấu, chiến sĩ Bùi Minh Chiến, Lữ đoàn 972 chia sẻ: “Các nghệ sĩ ca, diễn lắng đọng và ấn tượng, cảm giác cũng rất gần gũi. Việc truyền tải các câu chuyện những người lính từ thời chiến đến thời bình thông qua nghệ thuật cải lương đã giúp tôi hiểu hơn về tình “đồng chí” thiêng liêng. Đã là người lính thì không được quên những lý tưởng cao đẹp để sống xứng đáng với các thế hệ cha ông đã ngã xuống”.
Chị Nguyễn Thị Yến, đoàn viên phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa cho biết mình là một khán giả cải lương và khẳng định đây là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc cần giữ gìn và phát huy.
“Vở Đồng chí đang công diễn có nội dung đan xen giữa cuộc sống hiện thực và những hồi ức quá khứ, gắn với các phân cảnh hành động và diễn biến tâm lý nhân vật nhiều kịch tính. Câu chuyện cải lương khép lại bằng sự tiếp nối thế hệ khi nhiều người trẻ chọn con đường binh nghiệp làm lý tưởng cao đẹp để hướng đến và phát triển tương lai” - chị Yến bộc bạch.
3. Vào vai Thành trong vở Đồng chí, nghệ sĩ Hoàng Việt Trang cho biết với anh đây là vai diễn nặng ký. Bởi từ trước đến nay, anh đã tham gia rất nhiều vai song chuyên đóng vai “một chiều”, tính cách “một chiều”. Tuy nhiên, với vai Thành thì tính cách có sự kết hợp giữa phản diện và sự thay đổi, hướng thiện trong mỗi con người.
“Tôi rất vui và hạnh phúc khi được biểu diễn, phục vụ các tầng lớp nhân dân. Từ trên sân khấu, tôi đã nhìn thấy những nụ cười, những tiếng vỗ tay, cả những giọt nước mắt của khán giả. Đó chính là động lực để tôi và anh chị em nghệ sĩ tiếp tục nỗ lực, cống hiến nhiều hơn những vở diễn, vai diễn hay” - nghệ sĩ Hoàng Việt Trang nói.
Có thể nói, sân khấu Đồng Nai thời điểm này vô cùng phong phú, sáng đèn liên tục với nhiều thể loại, từ cải lương, kịch nói truyền thống đến các chương trình ca múa nhạc. Các vở diễn đa dạng đề tài, có vở đề tài lịch sử, cũng có những vở về chiến tranh cách mạng hay đề tài về xã hội đương đại; bi kịch có, hài kịch có... Chính sự năng động, thay đổi từ sân khấu, vở diễn đến cách tiếp cận phù hợp đã thu hút nhiều người chung tay bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội được khán giả mến mộ, thời gian gần đây trên sân khấu cải lương Đồng Nai còn xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ đầy tâm huyết, cùng sự quay trở lại dần của khán giả, nhất là những người trẻ đã và đang đem đến kỳ vọng về một “thời kỳ hoàng kim” mới cho sân khấu Đồng Nai.
Năm 2024, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức 300 buổi biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phục vụ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Cùng với đưa sân khấu, nghệ thuật về cơ sở, nhà hát còn thường xuyên tổ chức nhiều suất diễn trực tiếp và trực tuyến tại đơn vị, phát sóng trên kênh Facebook, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Ly Na
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/nhon-nhip-san-khau-cai-luong-dong-nai-edc3c6b/