Nhộn nhịp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với Trung Quốc

Nhộn nhịp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với Trung Quốc
3 giờ trướcBài gốc
Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai ổn định, thông suốt
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh của du khách qua cửa khẩu của Lào Cai với Trung Quốc diễn ra ổn định, thông suốt ngay cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và cả khi thời tiết có nhiều bất lợi. Trung bình mỗi ngày có gần 600 xe hàng xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là gỗ ván bóc, sắn khô, trái cây tươi như thanh long, chôm chôm, chuối tươi và sầu riêng; hàng nhập khẩu chủ yếu là nông sản, than cốc, phân bón, rau củ quả, hóa chất, thiết bị.
Hết tháng 9/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương 53,3% so với kế hoạch tỉnh giao, đạt gần 70% kế hoạch trung ương giao (kế hoạch phấn đấu của tỉnh 4,5 tỷ USD).
Xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành tăng trưởng (Ảnh: VGP)
Dù có một số ngày bị gián đoạn bởi mưa lũ từ cơn bão lịch sử tháng 9 vừa qua, song ngay sau khi hoạt động trở lại, mỗi ngày, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành luôn có 400 - 500 xe hàng được thông quan. Tại Cửa khẩu Quốc tế đường sắt Lào Cai, hoạt động thông quan duy trì với 4 - 6 chuyến tàu xuất nhập cảnh/ngày.
Để đạt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, từ nay đến cuối năm, tỉnh Lào Cai chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động tại Khu Kinh tế cửa khẩu, từ đó nâng cao hiệu suất thông quan và minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn tăng cao
Tại Lạng Sơn, theo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, thời gian qua, để phát triển kinh tế cửa khẩu trên địa bàn, các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế cửa khẩu được tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, các giải pháp được tích cực triển khai như: Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện các quy hoạch Khu Kinh tế cửa khẩu; tăng cường trao đổi với phía Trung Quốc để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Qua đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, cơ quan chức năng Việt Nam đã trao đổi, thống nhất với phía Trung Quốc triển khai thực hiện 16 lần tăng thời gian thông quan thêm 2 giờ/ngày phục vụ xuất nhập khẩu.
Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm, kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn có bước phát triển tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan với hiệu suất cao (trung bình đạt khoảng 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm lên đến gần 1.500 lượt xe/ngày).
Cụ thể, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 46.362,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 4.005 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó xuất khẩu 1.874,1 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ; nhập khẩu 2.130,8 triệu USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, hàng địa phương xuất khẩu ước đạt 122 triệu USD, bằng 72,2% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Quảng Ninh: Đẩy mạnh hợp tác kinh tế cửa khẩu với các địa phương của Trung Quốc
Tại Quảng Ninh, theo tin từ Ban quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, từ đầu năm đến hết ngày 30/9, đã có 1.312.760 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố Móng Cái, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II, có 65.970 phương tiện chở 961.635 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu (trong đó, nhập khẩu đạt 690.297 tấn, xuất khẩu 271.338 tấn), tăng 88% về số phương tiện và tăng 67,6% về hàng hóa so với cùng kỳ 2023. Trung bình đạt 253 phương tiện/ngày và 3.684 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu/ngày.
Tại Lối mở Km 3+4 Hải Yên, do chính sách biên mậu phía Trung Quốc có nhiều thay đổi nên trong 9 tháng có 19.601 phương tiện chở 330.709 tấn hàng hóa xuất khẩu, trung bình đạt 78 phương tiện/ngày và 1.312 tấn/ngày, giảm 42,8% so cùng kỳ 2023. Trong đó, hoa quả là 95.448 tấn, bột sắn 24.870 tấn, thủy hải sản đông lạnh 163.132 tấn, hạt khô và hàng hóa khác 18.638 tấn; tôm, cua, cá sống 28.621 tấn. Về hàng hóa nhập khẩu, có 6.758 phương tiện Trung Quốc vận chuyển 20.416 tấn hàng tạp, hàng vải may mặc, giảm 25% so cùng kỳ năm 2023.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tính đến hết ngày 28/9 đạt hơn 2,976 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2023, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,901 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,080 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 1.753 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ 2023.
Để gia tăng quan hệ thương mại, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, từ ngày 22-26/9, Đoàn đại biểu chính quyền và đại diện doanh nghiệp thành phố Móng Cái đã sang Nam Ninh - Quảng Tây, Trung Quốc dự Hội nghị bàn tròn chia sẻ dự án “Lưỡng quốc song viên” và hợp tác ngành nghề Trung Quốc-ASEAN lần thứ 2, năm 2024.
Ngay sau hội nghị, đoàn đại biểu chính quyền và doanh nghiệp thành phố Móng Cái cùng với đoàn đại biểu chính quyền và doanh nghiệp thành phố Đông Hưng triển khai hoạt động chiêu thương tại khu vực Hoa Đông (miền Đông Trung Quốc) từ ngày 23 đến hết ngày 26/9/2024; sau đó, tổ chức khảo sát tại một số tỉnh, thành phố miền Nam Việt Nam vào trung tuần tháng 10/2024 để hai bên cùng nhau chuẩn bị chu đáo cho Hội chợ thương mại-du lịch quốc tế Trung-Việt năm 2024, dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2024 tại thành phố Đông Hưng. Hội chợ là sự kiện xúc tiến thương mại lớn, dự kiến sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng vào thương mại 2 chiều của hai nước thời gian tới.
Bảo Ngọc
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nhon-nhip-xuat-nhap-khau-qua-cua-khau-voi-trung-quoc-351950.html