Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc giảm mạnh gây rủi ro cho các nhà khai thác

Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc giảm mạnh gây rủi ro cho các nhà khai thác
4 giờ trướcBài gốc
Hình minh họa
Trung Quốc vẫn là động lực chính để kỳ vọng vào nhu cầu dầu thô, hay đã trở thành nỗi lo lớn nhất? AFP đặt câu hỏi.
Trong khi phần lớn thế giới vẫn đang tập trung vào cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra tại Trung Quốc, các nhà điều hành dầu mỏ dường như không hề nao núng. “Chúng tôi rất lạc quan về Trung Quốc và sự phục hồi nhu cầu tại đây, đặc biệt với gói kích thích kinh tế lớn sắp được triển khai”, ông Amin Nasser, Giám đốc Điều hành của Saudi Aramco, phát biểu tại một hội nghị ở Singapore hồi tháng 10/2024.
Các tổ chức dự báo quốc tế cũng có cùng quan điểm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng năm ngoái thấp hơn nhiều so với mức trung bình 600.000 thùng/ngày trong thập kỷ qua, nhưng họ vẫn ghi nhận mức tăng tích cực. Theo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), mức tiêu thụ tăng khoảng 300.000 thùng/ngày, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức tăng khiêm tốn hơn, khoảng 200.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, dữ liệu hải quan và khai thác của Trung Quốc lại vẽ nên một bức tranh khác. Kết hợp sản lượng chế biến trong nước và xuất khẩu ròng, mức tiêu thụ dầu mỏ thực tế giảm 300.000 thùng/ngày so với năm 2023. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu thô, có khả năng phần lớn lượng này được bổ sung vào kho dự trữ – vốn vẫn ở mức tương đối thấp so với các nước nhập khẩu dầu khác. Dầu mỏ được bổ sung vào kho dự trữ trong năm 2024 thực chất là "tiêu thụ sớm từ tương lai”, điều không lý tưởng nếu bạn đang đầu tư vào các dự án dầu dài hạn trong 15 năm.
Chính sách kích cầu và tác động lâu dài đến nhu cầu nhiên liệu
Một hình thức “tiêu thụ sớm” khác sẽ tiếp tục là thách thức với các nhà khai thác dầu mỏ. Một trong những biện pháp chính từ gói kích thích kinh tế mà ông Nasser kỳ vọng đã được công bố trong tháng này: 81 tỷ nhân dân tệ (11 tỷ USD) để mở rộng chương trình hỗ trợ đổi xe cũ và thiết bị gia dụng sang các phiên bản tiết kiệm năng lượng hơn.
Theo Stephen Roach, cựu chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley, biện pháp này không tạo ra tổng mức chi tiêu tiêu dùng cao hơn mà chỉ đẩy nhanh thời điểm mua sắm. Tuy nhiên, tác động lên nhu cầu nhiên liệu sẽ lâu dài hơn vì việc mua sớm một chiếc xe điện đồng nghĩa với việc nhu cầu xăng sẽ sụt giảm nhanh hơn.
Năm ngoái, khoảng 60% xe được mua theo chương trình này là xe có thể sạc điện, trong khi thị trường xe hơi Trung Quốc đã chạm ngưỡng bùng nổ. Các dòng xe điện chạy pin và xe lai sạc điện (NEV) chiếm 49,4% doanh số bán xe vào tháng 12 và 46,8% trong cả năm 2023.
Xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống và xe lai thông thường đang trở thành thiểu số trên thị trường, và xu hướng này chỉ có một chiều hướng duy nhất: Đi xuống. Theo Bloomberg Intelligence, thị phần của NEV sẽ đạt 68% vào năm 2027 và 81% vào năm 2030.
Tuổi thọ trung bình của xe hơi tại Trung Quốc vào khoảng 13 năm, vì vậy số lượng xe chạy nhiên liệu truyền thống có lẽ đã ổn định trong vài năm gần đây và đang dần bị thay thế bởi các mẫu xe mới hiệu quả hơn. Trong một thị trường như vậy, không có cách nào để thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu hơn nữa.
Công bằng mà nói, kỳ vọng lớn của ông Amin Nasser đối với nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc không tập trung nhiều vào nhiên liệu cho xe cộ mà là vào lĩnh vực hóa dầu. Tuy nhiên, ngày càng khó xem lĩnh vực này là một phần của câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Như đã đề cập trước đây, Trung Quốc đã tích cực nội địa hóa ngành công nghiệp hóa dầu trong nhiều năm, với việc xây dựng một loạt các nhà máy lọc dầu khổng lồ chuyên khai thác polyme và các hóa chất hữu cơ khác. Phần lớn sản lượng này được xuất khẩu, dù ở dạng thô hay được tích hợp vào sản phẩm như bảng điều khiển của xe điện BYD Co., do đó, người ta vẫn chưa chắc chắn liệu người dùng cuối có phải là người Trung Quốc hay không.
Hãy lấy ví dụ về các loại nhựa thông dụng như túi, đồ dùng nhà bếp, hàng gia dụng giá rẻ, vải và các vật liệu bán buôn khác. Xuất khẩu trong danh mục này đã tăng từ 80 tỷ USD năm 2018 lên 132 tỷ USD năm 2023, phần lớn được chuyển đến các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á – nơi ngày càng trở thành các xưởng khai thác hàng xuất khẩu cho Trung Quốc. Thật khó để xác định chính xác lượng dầu mỏ liên quan đến việc khai thác này, nhưng nếu giả định giá bán tăng 50% so với giá polyethylene (nguyên liệu nhựa phổ biến nhất), thì điều này tương đương khoảng 600.000 thùng dầu/ngày, chiếm khoảng 1/5 mức tăng tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong giai đoạn đó.
Những sản phẩm này và nguyên liệu hóa thạch của chúng vẫn được sử dụng, dù là ở Trung Quốc hay ở nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khai thác dầu đang kỳ vọng vào kích thích kinh tế từ Bắc Kinh để thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm của họ cần cân nhắc kỹ lưỡng về nơi người tiêu dùng cuối cùng đang sinh sống. Trong một thế giới đang dựng lên các rào cản thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, việc phụ thuộc quá nhiều vào một ngành xuất khẩu mới và đầy tham vọng có thể là một rủi ro lớn khi đặt cược vào đó như khách hàng chủ chốt cho dầu thô.
Nh.Thạch
AFP
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/nhu-cau-dau-mo-cua-trung-quoc-giam-manh-gay-rui-ro-cho-cac-nha-khai-thac-723419.html