Tiêu thụ điện trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng đáng kể so với năm 2024 khi các hoạt động kinh tế tăng tốc.
Đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI dồi dào và các dự án hạ tầng công cộng trọng điểm, dự kiến thúc đẩy nhu cầu điện đáng kể vào năm 2025. Bộ Công Thương hiện dự phóng nhu cầu điện quốc gia tăng mạnh 11,3% so với năm 2024 trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8%.
Để đáp ứng nhu cầu điện năng, Bộ Công Thương đã đưa ra ba kịch bản tăng trưởng tiêu thụ điện, gồm: kịch bản cơ sở tăng trưởng 11-12%, kịch bản cao tăng trưởng 12- 13%, và kịch bản cực đoan tăng trưởng 14-15%. Mức tăng trưởng mạnh mẽ này sẽ giúp các nhà máy điện được huy động ở mức cao.
Đứng trước cơ hội lớn đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã cổ phiếu POW - sàn HoSE) có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể phát huy tiềm lực của mình, theo Chứng khoán VNDirect.
Động lực tăng trưởng mới từ nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4
PV Power đang thực hiện dự án trọng điểm Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4 với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Dự án có tổng công suất thiết kế 1.624 MW và là dự án nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu Net Zero của quốc gia vào năm 2050. Đây cũng là một trong số ít dự án có tổ máy turbine khí công suất (trên 500MW) cũng như hiệu suất khí (trên 60%) lớn nhất trên thế giới.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, điện khí LNG chiếm tỷ trọng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia và là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia. Trong khi đó, PV Power đang là nhà sản xuất điện khí lớn nhất Việt Nam.
Theo tiến độ hiện nay, Nhà máy Nhơn Trạch 3 sẽ bắt đầu vận hành thương mại vào giữa năm 2025, tiếp theo là Nhà máy Nhơn Trạch 4 vào năm 2026, chậm hơn 6 tháng so với mục tiêu ban đầu của PV Power.
PV Power đang sở hữu 8 nhà máy điện trên khắp cả nước, với tổng công suất phát điện 4.205 MW.
Chứng khoán VNDirect đánh giá dự án Nhơn Trạch 3&4 sẽ là động lực tăng trưởng trung và dài hạn của PV Power do tiềm năng nâng tổng công suất của tổng công ty lên 36% và đóng góp đến 44% tổng doanh thu trong năm 2026 khi toàn bộ dự án vận hành đầy đủ.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng đối với khả năng sinh lời của dự án Nhơn Trạch 3&4 là điều khoản về giá công suất. Điều khoản này quy định mức giá mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trả PV Power cho mỗi kWh điện được tạo ra. Giá công suất cao sẽ giúp PV Power có biên lợi nhuận gộp lớn, ngay cả khi giá nhiên liệu biến động.
Trong khi PV Power đang kỳ vọng tỷ lệ bao tiêu sẽ ở mức 70%-80% sản lượng thiết kế, EVN chỉ đề xuất ngưỡng thấp hơn là 65%. Sự khác biệt này xuất phát từ lo ngại của EVN về giá mua điện điện LNG cao và giá LNG thường biến động mạnh.
Tuy nhiên, một dự thảo nghị định của Bộ Công Thương đưa ra một giải pháp trung hòa tiềm năng. Dự thảo này quy định mức mua điện tối thiểu là 70% sản lượng của nhà máy trong thời gian trả nợ, nhằm đảm bảo tính khả thi về mặt tài chính cho các dự án. Tuy nhiên, quy định này được giới hạn chỉ trong 07 năm đầu tiên để giảm thiểu tác động đến giá điện bán lẻ và duy trì cạnh tranh trên thị trường phát điện.
Chứng khoán VNDirect nhận định dự thảo này sẽ giúp EVN và PV Power tiến gần hơn đến thỏa thuận chung, đảm bảo tiến độ dự án.
Dự báo lãi ròng tăng 50% trong giai đoạn 2025 - 2026
Đối với tình hình kinh doanh của PV Power tại Nhà máy Nhơn Trạch 2. Chứng khoán VNDirect cho biết, trong năm 2024, EVN ưu tiên phát điện than ở mức tải cao để tăng hiệu suất, giảm tỷ lệ sự cố cũng như tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo.
Sự thay đổi này biến điện khí thành nguồn chạy phủ đỉnh, dẫn đến sản lượng phát điện của nhà máy Nhơn Trạch 2 giảm mạnh so với năm 2023. Tuy nhiên, khi các nhà máy điện than đạt công suất tối đa và nguồn khí cho Nhơn Trạch 2 được cải thiện, công suất nhà máy sẽ phục hồi đáng kể trong 2025.
Theo ước tính của Chứng khoán VNDirect, nguồn khí dồi dào cộng với nhu cầu điện khí cao hơn từ EVN sẽ giúp sản lượng của Nhơn Trạch 2 tăng 23% so với năm 2024.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu POW của PV Power từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Đối với Nhà máy Vũng Áng 1, các dự báo gần đây cho thấy khả năng xảy ra La Nina vào đầu năm 2025 đang ở xu hướng giảm, đồng nghĩa với lượng mưa được dự đoán ở mức vừa phải. Điều này, kết hợp với nhu cầu điện tăng ở miền Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy điện than như Vũng Áng 1.
Do không có lịch bảo dưỡng vào năm 2025, Chứng khoán VNDirect dự đoán sản lượng của Vũng Áng 1 sẽ tăng 14% so với năm 2024. Triển vọng dài hạn của nhà máy cũng rất khả quan, đặc biệt là sau khi hoàn thành đường dây 500kV mạch 3, giúp tăng cường khả năng truyền tải điện đến các trung tâm tiêu thụ điện chính ở khu vực phía Bắc.
Với những luận điểm trên, Chứng khoán VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng của PV Power sẽ tăng mạnh đến 50% trong giai đoạn 2025 - 2026.
Hiện PV Power đang sở hữu 8 nhà máy điện trên khắp cả nước, với tổng công suất phát điện 4.205 MW, chiếm khoảng 5,4% tổng công suất phát điện thiết kế của Việt Nam. Công ty là đơn vị có công suất tối đa lớn thứ hai trong số các doanh nghiệp niêm yết, chỉ sau GENCO3 (mã cổ phiếu PGV) với tổng công suất khoảng 7.000 MW.
PV Power tập trung vào nguồn điện khí, với công suất khí đốt là 2.700 MW, tương đương 64% tổng công suất của tổng công ty và 38% thị phần điện khí cả nước. Điện than và thủy điện lần lượt chiếm 29% và 7% tổng công suất của tổng công ty. PV Power sử dụng tuabin khí hiện đại cho các nhà máy của mình, dẫn đến tỷ lệ công suất sử dụng cao 62,9%.
Minh Huế