Nhu cầu vật liệu tăng cao tại các công trình trọng điểm ở TP. Hồ Chí Minh

Nhu cầu vật liệu tăng cao tại các công trình trọng điểm ở TP. Hồ Chí Minh
9 giờ trướcBài gốc
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm hơn 176 km đường ven sông Sài Gòn sau sáp nhập. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Nhu cầu vật liệu xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2025 – 2026 tăng cao, đặc biệt với đá xây dựng, cát và đất san lấp phục vụ các dự án hạ tầng quy mô lớn như đường Vành đai 3, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành và các tuyến giao thông liên vùng.
Đại diện Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Đại Phong cho biết, đơn vị đang thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm; trong đó có đường Vành đai và dự án nạo vét, gia cố suối Cái... Tuy nhiên, nguồn đá phục vụ xây dựng hiện chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, giá liên tục tăng, gây áp lực lên tiến độ và tài chính dự án. Một số nhà cung cấp bê tông do thiếu vật liệu đá cũng chưa đủ năng lực đáp ứng yêu cầu vật tư.
Tình trạng thiếu hụt vật liệu cũng xuất hiện tại các dự án khác. Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành và đường Vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn là các công trình quan trọng quốc gia, giữ vai trò trục kết nối Đông – Tây, liên kết cảng Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành và khu vực Tây Nguyên. Khối lượng vật liệu cho hai dự án này ước tính lên tới 10,6 triệu m3 đất đắp, 3,5 triệu m3 đá và 0,83 triệu m3 cát.
Ông Dương Hoài Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Doanh nghiệp đã kiến nghị các địa phương bổ sung nguồn cung và cho phép tận dụng đất từ cải tạo nông nghiệp để san lấp, tương tự cơ chế áp dụng ở một số dự án cao tốc khác, nhằm kiểm soát chi phí và bảo đảm tiến độ thi công.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, riêng tại khu vực Bình Dương cũ, hiện còn 31 giấy phép khai thác vật liệu xây dựng có hiệu lực với diện tích gần 900 ha, tổng trữ lượng đá, cát và đất san lấp đạt hơn 322 triệu m3. Đây là nguồn cung chính cho các dự án; trong đó đá xây dựng chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 17 triệu m3 mỗi năm, đáp ứng gần 80% nhu cầu khu vực.
Tuy nhiên, sản lượng thực tế chỉ đạt 60 – 70% công suất thiết kế. Đáng chú ý, nguồn cát xây dựng và đất san lấp thiếu hụt nghiêm trọng trong 1,5 năm tới, nguồn khai thác tại khu vực dự kiến chỉ đáp ứng được 1,575 triệu m3 cát san lấp so với nhu cầu gần 9 triệu m3; đất san lấp chỉ đáp ứng khoảng 6 triệu m3 trong tổng nhu cầu hơn 15 triệu m3.
Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, các sở ngành và địa phương sẽ rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông và cấp phép để đẩy nhanh thủ tục nâng công suất, mở rộng khai thác mỏ, đáp ứng tiến độ công trình.
Đối với đá xây dựng, TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện Luật Địa chất và Khoáng sản 2024, khoanh định khu vực không đấu giá và tổ chức đấu giá quyền khai thác tại các mỏ đã được phê duyệt ở Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ), dự kiến hoàn thành trong quý IV/2025. Hồ sơ nâng công suất, khai thác sâu tại các mỏ cũng được yêu cầu xử lý kịp thời.
Giải pháp ngắn hạn cho cát san lấp là tận thu từ các dự án nạo vét sông Thị Tính (Bình Dương cũ) và hồ chứa tại Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ), với khả năng cung cấp hàng triệu mét khối giai đoạn 2025 – 2030. Các nhà thầu được khuyến khích tìm nguồn bổ sung từ Đồng bằng sông Cửu Long hoặc nhập khẩu từ Campuchia để giảm phụ thuộc một vài khu vực cung cấp.
Đối với đất san lấp, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp các đơn vị khảo sát trữ lượng khu vực đồi gò, tổ chức đấu giá quyền khai thác theo quy định; đồng thời tận dụng đất dư từ cải tạo dân dụng và bóc phủ mỏ đá để bù đắp thiếu hụt.
Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng được giao công bố giá và chất lượng vật liệu xây dựng, kiểm soát thị trường, tránh đầu cơ; đồng thời nghiên cứu khả năng sản xuất cát nghiền thay thế một phần cát tự nhiên. Chủ đầu tư và nhà thầu được khuyến nghị chủ động tìm nguồn cung dài hạn, dự trữ vật liệu tại công trường và áp dụng công nghệ thi công hiện đại để tiết kiệm tài nguyên, giảm tác động môi trường.
Về lâu dài, TP. Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị các bộ, ngành mở rộng sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên như tro, xỉ và các vật liệu nhân tạo theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển bền vững.
Huyền Trang/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/nhu-cau-vat-lieu-tang-cao-tai-cac-cong-trinh-trong-diem-o-tp-ho-chi-minh/381517.html