Lãi suất dự kiến tiếp tục ổn định
Trong nửa còn lại của năm 2025, chúng tôi nghiêng về dự báo mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) sẽ tương đối ổn định và có thể tăng nhẹ, nhưng chỉ từ khoảng cuối quý III, đầu quý IV, với các lý do và giả định sau: tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm nay chưa đạt kỳ vọng, đặc biệt là để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 của Chính phủ (8%). Về tỷ giá và chỉ số lạm phát, dù có áp lực tăng trong thời gian tới, nhưng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể chấp nhận một mức tăng nhất định, tận dụng tối đa các nguồn lực và công cụ để can thiệp, hạn chế tác động, từ đó giúp các ngân hàng thương mại giữ ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tín dụng và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Kinh doanh bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam
Về phía các ngân hàng thương mại, dù đang chịu nhiều áp lực như biên lợi nhuận giảm, nợ xấu gia tăng…, nhưng thay vì tăng lãi suất cho vay, họ cần linh hoạt, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khác để duy trì lãi suất ở mức thấp, cắt giảm tối đa chi phí hoặc chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận. Qua đó, các ngân hàng có thể giữ vững năng lực cạnh tranh, duy trì khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới và tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhất là trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Về cơ bản, tín dụng mua nhà phụ thuộc vào các yếu tố: môi trường kinh tế vĩ mô và chính sách điều hành của Nhà nước; nguồn cung nhà ở trên thị trường (bao gồm các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư là cá nhân và tổ chức khác); khả năng cung cấp tín dụng của ngân hàng; giá nhà ở và năng lực vay vốn của người đi vay.
Trong nửa cuối năm 2025, điểm sáng nhất trong các yếu tố kể trên là hai nội dung đầu tiên, khi ba sắc luật liên quan đến thị trường bất động sản có hiệu lực từ năm 2024 và các chính sách thực thi dần được triển khai, thẩm thấu vào thị trường, giúp nguồn cung bất động sản ngày càng được khơi thông. Đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất với thị trường hiện nay. Về phía các ngân hàng - bên cấp tín dụng cho cả người mua lẫn người bán bất động sản - vẫn sẽ tiếp tục duy trì ổn định và đảm bảo năng lực cung ứng vốn trong nửa cuối năm, với các mức lãi suất phù hợp và linh hoạt.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là giá nhà còn cao, vượt quá năng lực vay vốn nói chung của người vay - chủ yếu là người lao động có nhu cầu ở thực. Tình hình này được dự báo chưa có chuyển biến nhanh, đáng kể trong nửa cuối năm. Do đó, với bức tranh tổng thể các yếu tố, tôi cho rằng, các điều kiện thuận lợi vẫn chiếm ưu thế, qua đó hỗ trợ tín dụng bất động sản tiêu dùng tăng trưởng nhanh và tích cực hơn so với nửa đầu năm.
Lãi suất cho vay mua nhà tại Ngân hàng Shinhan hiện dao động từ 4,5%/năm trong 6 tháng đầu đến 6,9%/năm trong 36 tháng đầu
Tại Ngân hàng Shinhan, hoạt động cho vay mua nhà trong 5 tháng đầu năm 2025 vẫn diễn ra tích cực, tăng trưởng cao hơn mức bình quân ngành, nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2024 và chưa đạt kỳ vọng cũng như kế hoạch đề ra.
Hiện nay, Ngân hàng Shinhan đang duy trì gói lãi suất cạnh tranh với các lựa chọn thời gian cố định lãi suất từ 6 - 36 tháng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng. Cụ thể, lãi suất cố định dao động từ 4,5%/năm trong 6 tháng đầu đến 6,9%/năm trong 36 tháng đầu. Đây là mức lãi suất cơ bản. Ngoài ra, khách hàng còn được hưởng ưu đãi giảm lãi suất từ 0,3 - 0,6%/năm khi tham gia các chương trình đặc biệt của Ngân hàng như Dream Home dành cho người trẻ dưới 35 tuổi, chương trình mua nhà thuộc các dự án liên kết với Ngân hàng. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về khuyến khích người dân mua nhà để ở, Shinhan dự kiến sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay mua nhà đến cuối năm 2025.
Cần tính toán và cân đối năng lực tài chính, khả năng trả nợ
Tuy mặt bằng lãi suất đã giảm, nhưng thực tế cho thấy khách hàng vẫn lo ngại lãi vay sẽ tăng sau thời gian ưu đãi ban đầu, hoặc thu nhập không ổn định trong khi giá nhà cao. Những lo ngại này đều có cơ sở và đang ảnh hưởng đến động lực vay mua nhà của khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Một là, người vay lo ngại rủi ro tài chính, cụ thể là khả năng trả nợ từ nguồn thu nhập ổn định sau khi trừ chi tiêu hàng tháng. Rủi ro đầu tiên cần tính đến là liệu nguồn thu nhập có đủ lớn, đủ lâu dài và ổn định hay không. Trong bối cảnh kinh tế và các biến động vĩ mô diễn ra nhanh và liên tục như hiện nay, đây là mối băn khoăn chính đáng của người đi vay.
Hai là, trong cấu trúc số tiền phải trả hàng tháng cho ngân hàng (bao gồm tiền lãi và một phần gốc), thì lãi suất là yếu tố quan trọng. Lo ngại về mức lãi suất thả nổi sau thời gian ưu đãi là hoàn toàn hợp lý, vì điều đó có thể khiến tổng chi phí vay vượt khả năng chi trả.
Trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là giá nhà còn cao, vượt quá năng lực vay vốn nói chung của người vay - chủ yếu là người lao động có nhu cầu ở thực.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng áp dụng mức lãi suất cố định trong giai đoạn đầu (6 -36 tháng) thấp hơn 1 - 2% so với lãi suất thả nổi, nhằm thu hút khách hàng. Giai đoạn đầu này cũng là lúc khoản tiền lãi hàng tháng cao nhất do dư nợ gốc còn lớn.
Ba là, giá nhà vẫn cao, đặc biệt tại các đô thị lớn như nhà phố, căn hộ, đất nền, khiến khoản vay phải lớn, đồng thời phần vốn tự có cũng phải cao tương ứng. Các ngân hàng chỉ cho vay tối đa 70 - 80% giá trị tài sản bảo đảm, phần còn lại khách hàng phải tự xoay xở. Vì vậy, nếu giá nhà cao, khách hàng sẽ phải tính toán kỹ lưỡng cả khoản thanh toán hàng tháng lẫn phần vốn tự có.
Do đó, người vay mua nhà cần lưu ý ba yếu tố chính: tính toán và cân đối năng lực tài chính, khả năng trả nợ phù hợp với tất cả các dòng tiền trong tương lai (bao gồm khoản vay mua nhà); tham vấn kỹ với nhân viên ngân hàng về nghĩa vụ tài chính và các thủ tục liên quan như quy trình vay, trả nợ gốc - lãi, thế chấp, giải chấp, thay đổi tài sản bảo đảm… Đồng thời, cần tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của dự án, căn hộ, thông tin về chủ đầu tư (nếu là nhà dự án); còn với nhà phố thì nên kiểm tra quy hoạch và năng lực quản lý của chính quyền địa phương nơi có tài sản dự kiến mua.
Bên cạnh đó, khách hàng nên tìm hiểu thông tin từ báo chí, truyền thông và lựa chọn tổ chức tín dụng uy tín, có thương hiệu, hoạt động kinh doanh ổn định. Nên làm việc trực tiếp với nhân viên ngân hàng, ưu tiên tại chi nhánh; hạn chế tối đa liên hệ qua trung gian, đặc biệt tránh các tổ chức, cá nhân hứa hẹn làm “dịch vụ”, làm giả hồ sơ, giấy tờ để vay vốn.
Trong nửa cuối năm 2025, thị trường bất động sản được kỳ vọng tiếp tục chuyển biến tích cực nhờ các yếu tố sau: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cùng các bộ luật liên quan có hiệu lực từ năm 2024 góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường; nhiều dự án lớn tại TP.HCM, Hà Nội đạt tiến triển pháp lý sau thời gian dài trì trệ. Nguồn cung bất động sản phục hồi nhưng với tốc độ chậm, giúp giá bất động sản không còn tăng mạnh như trước đây. Hạ tầng tiếp tục được cải thiện, giảm áp lực dân cư tại khu vực nội thành các đô thị lớn, tăng kết nối với vùng ven và ngoại ô. Tâm lý người mua - cả ở thực lẫn đầu tư - cũng ngày càng tích cực hơn. Với phân khúc nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dưới tác động hỗ trợ từ Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng sẽ có những chuyển biến nhanh chóng và tích cực hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị có thu nhập trung bình và thấp.
Trịnh Bằng Vũ, / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025