Đặt lên bàn thờ cha đĩa trái cây gồm dăm quả mận đỏ, mấy trái na - những món cha thích rặt một màu quê kiểng, mới đó mà đã 4 năm cha về với cõi vĩnh hằng. Cha bệnh vỏn vẹn 1 tuần, rồi ra đi nhẹ nhàng. Bạn cha bảo cha đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và tươi đẹp. Cha ra đi cũng nhẹ nhàng như cách cha nhìn đời, như bông hoa mùa xuân đã cống hiến hết một thời rực rỡ thì rụng xuống chấm dứt sứ mệnh làm đẹp cho đời, bằng lòng với những gì mình có.
Mẹ kể ngày 22-12 các bác trong hội cựu chiến binh đến nhà, mua cho cha một giỏ trái cây rất đẹp. Năm nào cũng vậy dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, các bác đều tới thăm nhà và thắp nén nhang cho cha. Những câu chuyện về một thời bom lửa được các bác thay nhau kể lại. Giờ ai cũng đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, miệng cười móm mém, ấy vậy mà những câu chuyện năm xưa vào sinh ra tử chẳng người nào quên. Có lẽ đó là niềm tự hào mãnh liệt của người lính Cụ Hồ.
Cha tôi có gần 10 năm trong quân ngũ. Cha thường nói, thanh xuân của cha đã sống rất trọn vẹn, được cống hiến, trưởng thành trong quân đội. Cha may mắn trở về sau chiến tranh, một vài vết thương trên lưng và ở đùi như những chiến tích mà cha rất tự hào...
Lúc chị em tôi còn nhỏ, cứ tối đến mẹ lại nấu một ấm nước chè xanh, rồi khi thì rổ khoai, rổ đậu phộng luộc, cả nhà trải chiếu bên hiên nhà ngồi nghe cha kể chuyện. Thi thoảng xen vào giữa câu chuyện, chị em tôi thi nhau đặt những câu hỏi ngô nghê, như: “Trái đạn bắn lủng lưng cha chắc bự bằng trái chuối hả cha?”. Cùng với cái gục gặc đầu, cha cười ha hả: "Trái đạn mà bằng trái chuối thì cha không còn ngồi đây rồi". Cả nhà lại cười vang dưới ánh đèn dầu loang lổ.
Cha là cựu chiến binh, nên mỗi dịp 22-12 cha chuẩn bị áo quần rất kỹ để đi dự lễ kỷ niệm. Cha có một tấm huân chương được giữ gìn cẩn thận, cứ tới ngày này cha lại đem ra lau chùi rồi trang trọng ghim lên ngực áo. Tôi cũng rất tự hào vì là con gái của cựu chiến binh. Cha đã đóng góp thanh xuân cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc.
Những câu chuyện khi nhỏ chúng tôi được nghe dưới mái hiên nhà mỗi tối, sau này cha đem vào trường học kể cho học sinh với chương trình "Ông kể, cháu nghe", với mong muốn thế hệ trẻ thêm yêu thêm quý, trân trọng nền hòa bình hiện có. Những câu chuyện tôi đã nghe đến thuộc làu, và đặc biệt là chuyện cha bị bom vùi, đồng đội đã vất vả tìm cha như thế nào… Cha bảo có cận kề cái chết mới thấy sự sống quý nhường nào.
Cuộc sống những ngày đầu đất nước giải phóng với rất nhiều khó khăn, thử thách, cha dắt díu vợ con đi vùng kinh tế mới với hy vọng đổi thay cuộc sống. Người lính năm xưa nay chăm chỉ khai hoang, trồng tỉa. Cha tôi chẳng quản công việc gì miễn là lương thiện. Chị em tôi khoai sắn qua ngày mà đứa nào cũng khỏe mạnh, dù áo quần không tươm tất nhưng chúng tôi đều được đến trường. Tôi hay nói vui sao nhà mình nghèo quá vậy cha? Cha nói nghèo đâu mà nghèo, con coi xóm này nhà mình nhiều chữ nhất đó, đứa nào cũng cao đẳng, đại học, là giàu nhất xóm, rồi cha lại cười ha hả. Nói vậy chứ thi thoảng, khi có chút hơi men cha lại rầu rầu thủ thỉ, cha không lo được cho các con cuộc sống đủ đầy, thôi thì các con ráng học, có chữ nghĩa sau này cuộc sống sẽ khá hơn. Chị em tôi đã sống đúng như lời cha dạy, chăm chỉ học tập, phấn đấu, cuộc sống này chỉ cần ta biết đủ thì sẽ đủ.
Ngày cha rời cõi tạm, các bác đến chia tay cha, lá Quốc kỳ được phủ kín trên linh cữu. Hình ảnh đó, mãi mãi tôi không bao giờ quên được. Cha đã sống một đời giản dị với hơn 70 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng. Thứ cha để lại cho chị em tôi không phải là đất đai tiền của, mà là sự tự hào, hãnh diện khi có một người cha từng là lính Cụ Hồ. Cha đã sống như những bông hoa mùa xuân thơm ngát.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!
Lê Thị Nam Phương