Hải đoàn Biên phòng 28 xuất kích lên đường tuần tra, kiểm soát trên biển. Ảnh: Phương Thùy
Vững vàng nơi đầu sóng
Vùng biển Tây Nam thời gian này đang vào mùa gió chướng nên mặt biển không hề dễ chịu chút nào, những cơn sóng lớn cao 3-4m, gào thét không ngừng, mưa như trút nước. Chính vì vậy, ngư dân vùng biển Tây Nam này có câu nói truyền miệng: "Tháng Tư sóng đứng, tháng Sáu sóng ngồi", ý nói sóng biển tháng Tư bất ngờ dựng đứng, mạnh và bất thường, khó đoán hơn sóng đều đặn khi vào mùa gió Tây Nam chính vụ. Nhìn những đợt sóng lừng kéo dài, đánh mạnh vào mạn tàu, sóng tầng tầng lớp lớp khiến con tàu chiến to lừng lững trở nên nhỏ bé trước biển cả mênh mông, rất dễ bị lật hoặc hỏng hóc nếu không vững tay lái, tôi không khỏi ái ngại.
Thượng úy Trịnh Văn Chúc, Phó thuyền trưởng tàu BP 28-01-61, Hải đội 1, Hải đoàn Biên phòng 28 cho biết: “Những điều kiện thời tiết như thế này với anh em Hải đoàn là chuyện thường ngày. Làm nhiệm vụ giữa biển, mình phải quen với sự khắc nghiệt của thiên nhiên để không bao giờ lơ là nhiệm vụ". Phó thuyền trưởng Trịnh Văn Chúc ánh mắt rắn rỏi nhìn xa xăm về phía những đảo nhỏ nhấp nhô ngoài khơi, vừa cười, vừa nói như muốn động viên tôi quên đi nỗi sợ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi chuyến tuần tra thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày, có khi lâu hơn khoảng 3-4 tháng, phụ thuộc tình hình thực tế trên biển. Cuộc sống trên tàu chật chội, thiếu thốn, song với anh em cán bộ, chiến sĩ, đó là chuyện nhỏ. Bên cạnh đó, với nhiều ngày xa đất liền, cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn Biên phòng 28 luôn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, khi thì nắng gắt, khi thì biển động dữ dội, dù đã được rèn luyện thể lực, được huấn luyện chặt chẽ, nhưng vẫn có nhiều trường hợp bị say sóng, có người bị cảm sốt... Nhưng bằng ý chí, nghị lực, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên mỗi con tàu đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững vàng nơi đầu sóng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; ngăn chặn, xua đuổi, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển; bắt giữ, xử lý tàu thuyền trong nước vận chuyển, buôn bán xăng, dầu trái phép... góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trên vùng biển phụ trách.
Giữ vững chủ quyền biển, đảo phía Tây Nam Tổ quốc
Với cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn Biên phòng 28, tuần tra bảo vệ chủ quyền không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Giữa muôn trùng sóng cả, từng đôi mắt người lính vẫn bền bỉ theo dõi mọi biến động trên biển, phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm chủ quyền, hoạt động tội phạm, đảm bảo vùng biển luôn bình yên.
Thượng úy Trịnh Văn Chúc cùng các chiến sĩ trên đường tuần tra. Ảnh: Phương Thùy
Trung tá Hoàng Văn Nghiêm, Chính ủy Hải đoàn Biên phòng 28 cho biết, Hải đoàn Biên phòng 28 là đơn vị chuyên trách của BĐBP, làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên vùng biển và đảo Tây Nam của Tổ quốc thuộc 2 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và một phần vùng biển giáp ranh với Campuchia và Thái Lan. Đây là khu vực có vị trí chiến lược trọng yếu, cửa ngõ thông thương quốc tế nhộn nhịp, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự. Những người lính nơi đây không chỉ đối mặt với sóng to, gió lớn, mà còn phải thường xuyên đấu tranh với các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác hải sản trái phép, cũng như hỗ trợ ngư dân, cứu hộ, cứu nạn giữa biển cả. Trong 5 năm qua, Hải đoàn Biên phòng 28 đã tuần tra, phát hiện, thu giữ hơn 700.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc và xử lý theo quy định.
Đơn cử, mới đây nhất, vào khoảng 6 giờ 30 phút, ngày 15/2, Biên đội A25 của Hải đoàn Biên phòng 28 trong lúc tuần tra, kiểm soát trên khu vực biển Tây Nam đã phát hiện chiếc tàu đánh cá mang biển kiểm soát KG 95548TS do ông Trần Dương Dủ, sinh năm 1991, trú tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn, nên đã yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, tàu cá KG 95548TS đang chở khoảng 24.000 lít chất lỏng nghi là dầu; thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số chất lỏng trên. Lực lượng chức năng đã lai dắt tàu cá KG 95548TS về cảng Hải đoàn Biên phòng 28 để tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm về người và phương tiện, hàng hóa trên tàu theo quy định.
Cán bộ Hải đoàn Biên phòng 28 kiểm tra tàu cá KG 95548TS. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân
Vùng biển Tây Nam của Tổ quốc có số lượng tàu đánh cá của ngư dân hoạt động đông đúc nhất trên cả nước. Hoạt động đánh bắt hải sản, giao thương của ngư dân và tàu thuyền diễn ra sôi động quanh năm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vi phạm chủ quyền và trật tự an ninh. Bên cạnh đó, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước như Campuchia, Thái Lan có những khu vực chưa phân định rõ ràng, ngư dân hai bên thường xuyên qua lại khai thác hải sản, dễ xảy ra tranh chấp, xung đột trên biển. Mặt khác, vùng biển Tây Nam cũng là một trong những vùng biển có điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, bão, áp thấp nhiệt đới... gây không ít những khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát và cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Không chỉ giữ vững chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn Biên phòng 28 còn là cánh tay nối dài, chỗ dựa tin cậy của ngư dân vùng biển Tây Nam. Những mùa biển động, những cơn bão dữ tràn về, hình ảnh tàu tuần tra BĐBP xuất hiện kịp thời cứu giúp ngư dân đã trở nên quen thuộc. Ngoài ra, hàng năm, Hải đoàn Biên phòng 28 tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền pháp luật, tặng cờ Tổ quốc, hỗ trợ ngư dân bám biển; đồng thời, tham gia tích cực công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị.
Ông Trần Văn Dũng, ngư dân ở đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang cho đến bây giờ vẫn không thể nào quên chuyến hải trình đầy nguy hiểm năm nào, ông xúc động nhớ lại: “Cách đây khoảng 3-4 năm về trước, chiếc tàu cá của tôi gặp nạn giữa biển khi sóng lớn đánh gãy trục chân vịt. Lúc đó, cả hơn chục thuyền viên trên tàu gần như tuyệt vọng, nhưng rất may có tàu tuần tra của Hải đoàn Biên phòng 28 kịp thời xuất hiện, cứu vớt anh em chúng tôi vào bờ. Nếu không có mấy chiến sĩ của Hải đoàn Biên phòng 28, chắc chúng tôi chẳng còn ngồi đây nói chuyện hôm nay”.
Hôm nay, giữa bao la sóng nước của vùng biển, đảo thiêng liêng, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi mỗi tấc biển, hòn đảo đều thấm đượm máu xương cha ông, vẫn có những người lính Hải đoàn Biên phòng 28 mang trên mình màu áo xanh của niềm tin và trách nhiệm. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách giữa biển khơi đầy sóng gió, các anh luôn vững vàng ý chí, giữ chắc tay súng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, vùng trời phía Tây Nam của Tổ quốc.
Phương Thùy