Như những người mẹ hiền

Như những người mẹ hiền
2 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên cùng học sinh lớp can thiệp sớm.
Ở các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc, nhiều người dân biết đến một địa chỉ giáo dục dành cho trẻ khuyết tật, trẻ em kém may mắn so với bạn bè bình thường khác - đó là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên. Một “trường chuyên biệt” nằm bên đường Minh Cầu (TP. Thái Nguyên), vừa dạy, vừa dỗ trẻ em bị khuyết tật.
Nhiều câu chuyện về nhân vật “vượt lên số phận” từng có thời gian theo học ở Trung tâm, song ít ai biết đến phía sau những “tài năng” ấy là tinh thần lao động bền bỉ, chấp nhận nhiều thiệt thòi so với đồng nghiệp ở môi trường giáo dục bình thường để từng ngày, từng giờ gieo vào bao cuộc đời không may mắn những ước mơ xanh.
Chị Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên: Học sinh của tôi không thể chịu nhiều thiệt thòi hơn nữa. Tôi luôn động viên các đồng nghiệp của mình thương yêu, dạy dỗ các em bằng chính trái tim của người mẹ và tấm lòng của một nhà giáo…
Vâng! Đã nhiều năm nay chị gắn bó, trải đời mình với những học sinh bị khuyết tật về thính giác, thị giác và trí tuệ. Sẽ thật tẻ nhạt nếu mỗi ngày đến Trung tâm, đứng lớp dạy văn hóa, kỹ năng sống cho những học trò không nhìn thấy mặt cô giáo, hoặc không nghe thấy lời cô giảng bài. Nhưng mọi băn khoăn của tôi được hóa giải bằng việc chứng kiến một cơ ngơi giáo dục khang trang, đồng thời thường xuyên nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành; chính quyền địa phương và các tổ chức doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân.
Chị Dương Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên: Hiện Trung tâm có các phòng học, phòng thực hành tin học, phòng tư vấn và hỗ trợ can thiệp trẻ, phòng học môn năng khiếu cờ vua, nhạc; phòng đọc thư viện, nhà hội trường đa năng, nhà nội trú, nhà ăn và khu nhà điều hành. Ở đây, ngoài học văn hóa, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ, học sinh còn được tham gia các hoạt động chung như văn nghệ, thể thao, các hoạt động trải nghiệm và định hướng về học nghề: tin học văn phòng, móc và thêu tranh.
Đã 29 năm thành lập Trung tâm, cũng là bấy nhiêu thời gian các thế hệ cán bộ, giáo viên lặng thầm đưa bao học trò sang bên kia bến bờ tương lai. Không thầy cô nào nhớ rõ số học sinh mình từng dạy, nhưng nhớ những khuôn mặt vô tư lự vì đôi mắt không nhận được ánh sáng; nhớ từng nụ cười thơ ngây, từ ánh mắt học trò vì các em không có khả năng diễn tả bằng đôi môi chũm chĩm xinh.
Cô giáo Trần Thị Vân Anh hướng dẫn cho học sinh khiếm thị đọc bài tại lớp.
Chị Nguyễn Thị Bích Hải, giáo viên định hướng nghề nghiệp cho học sinh và hướng dẫn học thêu của Trung tâm nói với chúng tôi như tâm sự: Các học trò của tôi đều ngoan và thông minh. Khi ra trường, nhiều em tự tạo lập được cuộc sống bằng nghề được đào tạo. Chị Hải là 1 trong số 51 cán bộ, giáo viên đang làm việc ở Trung tâm. Chỉ ít ngày nữa chị “giã từ” giảng đường hưởng chế độ hưu trí theo Luật Lao động, nhưng lòng còn nặng tình mẫu tử với bao học trò khuyết tật.
Năm học 2024-2025, Trung tâm có 257 học sinh, bao gồm 21 trẻ khối mầm non; 139 học sinh cấp tiểu học; 97 học sinh cấp THCS. Hầu hết trẻ mầm non và học sinh các khối được cha mẹ đưa đón hằng ngày. Còn lại, khu nội trú có 99 học trò cùng 99 tinh nghịch tuổi thần tiên.
Với các trò mắc chứng tự kỷ, cần can thiệp sớm đã là một khó khăn. Nhưng với các trò ở “tuổi nổi loạn” thì cán bộ, giáo viên còn khổ sở hơn rất nhiều lần. Về khu nội trú, tức là không phải lên lớp, các thầy cô giáo vào ca trực trưa; rồi trực từ lúc tan học ca chiều cho đến đầu giờ sáng ngày hôm sau.
Chị Nguyễn Thị Chinh, giáo viên dạy môn Văn kỳ cựu ở Trung tâm trăn trở: Nhiều khi đứng trên bục giảng bài, biết nhiều em ngồi thơ thẩn, đầu óc trống rỗng hoặc gây mất trật tự, song tôi vẫn kiên trì giảng bài vì trong lớp chí ít cũng có vài bạn đang lắng nghe và thấu hiểu. Qua môn Văn, dù là trẻ khuyết tật, song các em được rèn luyện, nâng cao khả năng giao tiếp truyền thống hoặc giao tiếp bằng ngôn ngữ cử chỉ. Đã hơn 30 năm làm cô giáo dạy Văn, nhưng mỗi lần được nghe học trò nói một câu tròn trịa là mình cảm nhận được hạnh phúc với nghề….
Giống như một thế giới khác biệt bởi từng nhóm học trò nói chuyện với nhau băng ngôn ngữ cử chỉ; nhóm khác dùng ngón tay đọc sách, chơi cờ vua hoặc chạy tập thể dục có người dắt. Vậy mới có các tổ chuyên môn mang tính chuyên biệt: Tổ Khiếm thính, Tổ Khiếm thị - Khuyết tật trí tuệ; tổ THCS và Tổ Hỗ trợ giáo dục hòa nhập và hướng nghiệp dạy. Tất cả thầy cô ở các tổ bộ môn đều chung một mục đích là vừa dạy, vừa dỗ, khéo léo rèn dạy hướng cho học trò chú tâm học tập để hoàn thiện bản thân. - Chị Nguyễn Thị Chinh
Chị Cái Thị Thanh Huyền, giáo viên Tổ Khiếm thính chia sẻ với chúng tôi: Bị khuyết tật, nhưng nhiều học trò quậy phá kinh khủng. Mạc Đại Nam là một trường hợp như thế. Nam bị khiếm thính và tự kỷ về hạnh vi. Hơn 5 năm trước, vào lớp 1, cậu bé liên tục la hét, ném vứt đồ vật và gào khóc. Mỗi lần như thế, tôi ôm bé vào lòng dỗ dành: Nín đi con, mẹ cũng đau lòng lắm…
Như cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo dành cho, cậu bé dần thay đổi hành vi và có ý thức quan tâm chăm sóc mọi người. Giây lát dừng lời như để kìm nén xúc động, chị Huyền tiếp tục câu chuyện: Năm ngoái, đúng ngày sinh nhật của tôi, Đại Nam đến bên bục giảng đưa cho tôi mảnh giấy, trong đó vẽ hình chiếc bánh sinh nhật và dòng chữ nguệch ngoạc: Mừng sinh nhật cô. Tôi đã khóc.
Thầy Ngô Quang Sơn cùng các học sinh khiếm thị trong giờ học năng khiếu Cờ vua.
Còn thầy Ngô Quang Sơn phụ trách bộ môn thể dục thể thao khoe: Trong tháng 4 và tháng 7 vừa rồi, Trung tâm cử học sinh tham dự Giải vô địch điền kinh và Giải vô địch cờ vua người khuyết tật, các em giành tổng số 9 huy chương các loại. Điển hình như em Nguyễn Văn Quốc đoạt 2 HCV, 1 HCB; em Nguyễn Viết Phú đoạt 1 HCB, 1 HCĐ. Ánh huy chương không chỉ lấp lánh niềm tự hào trong mắt trẻ, mà còn ánh lên niềm hy vọng trong tâm hồn các em. Hơn thế nữa, đó là nguồn động viên vô bờ bến đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên ở Trung tâm.
Điều đó cũng thể hiện Trung tâm đã có phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Không nóng vội, mà lặng lẽ giống như người đi đường trường luôn kiên trì, bền bỉ rồi cũng đến được đích. Như đúc kết của các thầy cô: Trẻ khuyết tật giống như cây nến cong, nhưng nếu được thắp lên tình yêu thương, cây nến ấy sẽ lập tức tỏa ánh sáng lung linh như tất cả trẻ em bình thường được sinh ra trên đời.
Minh chứng là có rất nhiều học trò của Trung tâm đã “thành danh” ngoài xã hội. Phạm Tuấn Anh - khiếm thính là một trường hợp điển hình. Ngày còn ở Trung tâm, Tuấn Anh được các thầy cô dìu dắt vượt qua mặc cảm, tự ti, trở thành một học trò ngoan. Tuấn Anh đã theo học hết THPT, học tiếp lên hệ cao đẳng mỹ thuật Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Hiện Tuấn Anh đang là một họa sĩ có tên tuổi trong làng hội họa Thái Nguyên. Nhờ có nét vẽ uyển chuyển sinh động, em được nhiều gia đình, nhà hàng, trường học, cơ quan… đặt vẽ tranh tường với giá hàng chục triệu đồng. Rồi cặp vợ chồng cùng là khiếm thính từng học ở Trung tâm là Hà Văn Khiêm - Đàm Thị Minh đang làm ở Công ty đồ nội thất và công nhân ở Công ty may TNG Thái Nguyên có thu nhập ổn định.
Còn nhiều nữa những trẻ em khuyết tật được cán bộ, giáo viên ở Trung tâm vừa dạy, vừa dỗ và khéo léo rèn dạy nên người. Tất cả họ - những cán bộ, giáo viên ở Trung tâm không cân nhắc thiệt hơn, đã gắn bó, đã lao động bằng một trái tim của tình mẫu tử, với một mong muốn rất đời thường là bù đắp cho học trò vơi bớt thiệt thòi thân phận.
Phạm Ngọc Chuẩn
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/giao-duc/202411/nhu-nhung-nguoi-me-hien-173046c/