Nhức nhối chuyện làm mẹ tuổi… thiếu niên

Nhức nhối chuyện làm mẹ tuổi… thiếu niên
một ngày trướcBài gốc
Khi làm mẹ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các bé gái không chỉ bị ảnh hưởng về sức khỏe, còn đánh mất cơ hội học tập, hạn chế sự lựa chọn trong tương lai.
Thực tế, nhiều em mang tâm lý lo sợ và e ngại nên không đi khám thai trong suốt quá trình mang thai. Điều này rất nguy hiểm đến sức khỏe của các em. Trong ảnh: Bác sĩ siêu âm cho thai phụ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Bích Nhàn
15 tuổi đã... sinh con lần 2
Cách đây 1 tuần, bác sĩ Trần Thị Diễm, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận một thai phụ đặc biệt. Thai phụ chỉ mới 15 tuổi và đang mang thai tuần thứ 32. Bé M. T. D. (quê ở Ninh Thuận, tạm trú tại thành phố Biên Hòa) vào viện do đau bụng và dọa sinh non. Điều đáng nói, đây là lần mang thai thứ 2 của bé D. Dù sắp làm mẹ 2 con nhưng em vẫn đầy bỡ ngỡ và phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ em.
“Sau 14 năm làm bác sĩ sản phụ khoa, đây là lần đầu tiên tôi tiếp nhận thai phụ mang thai lần 2 khi mới 15 tuổi. Lần đầu làm mẹ của bé D. là khi em mới 13 tuổi và cả 2 em bé sinh ra là của 2 người bạn trai khác nhau. Bé phải làm mẹ 2 con ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” là câu chuyện đáng lo và đáng buồn” – bác sĩ Diễm tâm sự.
Chỉ trong tháng 3-2025, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã tiếp nhận 5 ca sinh (cả sinh thường lẫn sinh mổ) mà thai phụ dưới 18 tuổi. Riêng ngày 21-3, bệnh viện tiếp nhận 2 trường hợp sinh con tuổi vị thành niên. Trong đó, nhỏ nhất là bé M.T.N.T., mới 13 tuổi , ngụ xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc.
Bác sĩ Trần Minh Tài, Phó khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh kể lại, bé T. mang thai tuần thứ 41 và chưa có dấu hiệu sinh nên vào viện kiểm tra. Trong suốt thời gian mang thai, thai phụ “nhí” không đi khám thai vì lo sợ và e ngại. “Bé còn quá nhỏ, sức chịu đau kém và rất khó để trải qua cơn đau trước khi sinh nên chúng tôi phải mổ lấy thai. Sau sinh, tất cả các việc bế con, cho con tập bú… em T. đều không thể làm và phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ em” – bác sĩ Tài nói.
Đây chưa phải là trường hợp gây nhiều tiếc nuối với các y, bác sĩ sản phụ khoa. Bác sĩ Tài chia sẻ: “Cách đây vài năm, tôi gặp một “bà mẹ” 13 tuổi vào sinh con lần đầu. Không may mắn là em bé sinh ra bị tình trạng thai vô sọ (thai nhi bị thiếu phần lớn vùng da đầu, hộp sọ và não) do không đi khám thai suốt hành trình mang thai. Trong khi đó, bác sĩ chỉ cần siêu âm sẽ phát hiện tình trạng này ngay khi thai mới 14 tuần. Từ đó, bác sĩ sẽ có phương án can thiệp để giảm ảnh hưởng không tốt đến cơ thể của người mẹ”.
Theo bác sĩ Tài, ở tuổi 13+, nhiều bé còn chưa trang bị kiến thức lẫn kinh nghiệm chăm sóc bản thân nên việc làm mẹ là chuyện rất xa lạ và quá tầm với các em. Tình trạng chung khi vào viện của các thai phụ trẻ chưa thể nhận thức được mình sắp làm mẹ và phụ thuộc hoàn toàn vào người thân của các em.
Đừng để các em đơn độc
Theo bác sĩ Trần Thị Diễm, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đặc điểm chung của các ca vào viện sinh con tuổi 13 đến 17 là chỉ có gia đình các bé gái vừa chăm con, chăm cháu và tuyệt nhiên không thấy sự xuất hiện của gia đình “đàng trai”. “Ngay cả vào viện sinh con, các bé gái vẫn không nhận thức rõ rằng mình sắp làm mẹ. Các em còn rất ngây thơ, chưa chuẩn bị tinh thần cho việc làm mẹ” – bác sĩ Diễm chia sẻ.
Chỉ tính riêng năm 2024, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 166 trường hợp trẻ vị thành niên đến sinh con tại bệnh viện. Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho rằng, ngoài việc chưa chuẩn bị tâm lý làm mẹ, hệ sinh sản và cấu trúc giải phẫu của cơ thể các bé gái tuổi vị thành niên cũng chưa hoàn chỉnh. Do đó, các em phải mổ lấy thai nhiều hơn là sinh thường.
“Ở tuổi này, mối quan hệ nam nữ đa phần là bạn trai – bạn gái, chưa phải vợ chồng. Ngoài áp lực sinh con 1 mình, các em còn phải chịu “lời ra, tiếng vào” của người lớn, bạn bè, hàng xóm… Những điều này đã vô tình ảnh hưởng đến tâm lý các em sau này” – bác sĩ Hoan chia sẻ.
Khi còn là trẻ vị thành niên nhưng đã sinh con, các bé sẽ đối mặt với áp lực lớn từ gia đình, bạn bè và người xung quanh. Quan hệ tình dục quá sớm và không có kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân khiến các em sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các bệnh lây qua đường tình dục không chỉ là nhiễm HIV, giang mai, trẻ có khả năng nhiễm vi khuẩn chlamydia trachomatis (thủ phạm gây vô sinh, thai ngoài tử cung) với các biểu hiện âm thầm.
“Khi mang thai ngoài ý muốn, nhiều trẻ lo sợ nên tìm cách phá thai chui ở những cơ sở không an toàn gây ra tình trạng thủng tử cung hay băng huyết tại nhà. Những điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản của trẻ sau này. Thực tế, chúng tôi gặp nhiều trường hợp các em phải truyền máu cấp cứu khi thực hiện các thủ thuật phá thai không đảm bảo an toàn từ các cơ sở chui” – bác sĩ Hoan cho biết.
Hơn nữa, sau sinh, việc áp dụng phương pháp ngừa thai ở các bé gái vị thành niên là rất khó khăn. Điều này đòi hỏi sự "chung tay” của người thân, thầy cô, bạn bè…Thực tế, khi đi khám thai hay sinh con ở tuổi này, các em thường không hợp tác với bác sĩ.
Bác sĩ Hoan cho rằng, khi tiếp nhận những trường hợp bé gái mang thai ở độ tuổi 12-17, các bác sĩ cũng cần phải tâm lý, nhẹ nhàng trao đổi, khai thác thông tin và không tạo cảm giác “các em là người có lỗi”. Như vậy, mới giúp các em vượt qua thời khắc khó khăn trong cuộc đời.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA, mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến sức khỏe, còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái như: rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống.
Bích Nhàn
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202504/nhuc-nhoi-lam-me-tuoi-thieu-nhien-d8138e4/