Nhức nhối tình trạng ký túc xá bỏ hoang

Nhức nhối tình trạng ký túc xá bỏ hoang
3 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Cụ thể, 2 KTX này được đầu tư hơn 140 tỉ đồng, có thể đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 3.000 sinh viên nhưng bị bỏ hoang nhiều năm. Một trong số đó đã có quyết định sẽ giao một trường cao đẳng tiếp nhận sử dụng, khai thác. Tuy nhiên, do trường này cũng đang trong thời gian chuyển tới cơ sở mới, nên việc bàn giao chưa thể thực hiện. Với KTX còn lại, từ tháng 12/2023, phải dừng hoạt động, bị bỏ hoang vì không có ai ở. Về chủ trương, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng và giao một trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để vận hành theo mục tiêu ban đầu.
Hai KTX trên đã được xây dựng gần 10 năm nay, nhưng việc quản lý, sử dụng không hiệu quả, đã bị bỏ hoang một thời gian dài và tới đây tiếp tục bị bỏ hoang. Một vấn đề khác, nếu tiếp tục sử dụng theo lộ trình mà cơ quan chức năng tỉnh nêu ra, thì cũng phải đầu tư thêm một khoản tiền sửa sang. Trong khi đó, một đại biểu HĐND đặt vấn đề hoàn toàn có thể chuyển đổi công năng của 2 KTX này sang nhà ở xã hội (NƠXH), hoặc cho những hộ gia đình khó khăn thuê với giá ưu đãi.
Chỉ tính riêng KTX bị bỏ hoang, ở một số đô thị lớn cũng có tình trạng tương tự. Tại Đà Nẵng, 2 KTX tại quận Liên Chiểu được đầu tư 700 tỷ đồng nhưng cũng bỏ hoang. 15 năm trước, dự án này có tên nhà ở cho công nhân, khởi công tháng 10/2009. Sau nhiều năm xây dựng dang dở, năm 2012, Đà Nẵng quyết định chuyển đổi mục đích đầu tư sang KTX thông qua sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, do vị trí KTX nằm xa các trường đại học, cao đẳng nên không có sinh viên nào đăng ký ở. Chưa hết, năm 2020, khi Bộ Xây dựng kiểm tra, phát hiện 2 KTX này không thuộc danh mục dự án trong Quyết định của Thủ tướng và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên đề nghị thu hồi vốn trái phiếu Chính phủ đã đầu tư 2 KTX trên. Và đến nay, Đà Nẵng lại kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi công năng 2 KTX này sang NƠXH cho công nhân. Sau 15 năm, đến nay công trình vẫn không phát huy hiệu quả sử dụng, mà còn xuống cấp theo thời gian.
Ngay tại Hà Nội, tình trạng trên cũng xuất hiện, điển hình như dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) khởi công xây dựng từ 2009 với tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng; mục tiêu đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.000 học sinh, sinh viên. Thế nhưng, do vị trí không phù hợp, KTX này cũng bỏ hoang, tới đây Hà Nội dự kiến cải tạo công năng thành NƠXH cho thuê.
Điểm qua một số KTX bỏ hoang nhiều năm như trên, để thấy đúng là sự lãng phí trong xã hội vẫn còn tồn tại; trong khi vấn đề chỗ ở là chuyện vô cùng cấp thiết với học sinh, sinh viên, rất nhiều sinh viên vẫn đang phải sống cảnh thiếu thốn, khổ sở, chật chội trong những căn nhà trọ tồi tàn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí này, từ vấn đề quy hoạch không hợp lý, tâm lý “cha chung không ai khóc” của cán bộ có thẩm quyền, cho đến sự vướng mắc trong cơ chế quản lý, sử dụng, vận hành tài sản công…
Lãng phí được đánh giá là nguy hiểm tai hại không kém tham nhũng, tiêu cực; nên trong cuộc chiến chống lãng phí mà Đảng, Nhà nước và toàn dân đang tiến hành, vấn đề này cũng cần được nhận diện, phân tích, bàn thảo để đưa ra những biện pháp phòng, chống phù hợp. Đặc biệt, phải có cơ chế quy định người có quyền quyết định và chịu trách nhiệm với các dự án, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: “Phải có người chịu trách nhiệm khi xảy ra lãng phí”.
Huỳnh Ngọc Hiếu
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/nhuc-nhoi-tinh-trang-ky-tuc-xa-bo-hoang-post534808.html