Những bài học khó quên trên đất Nhật

Những bài học khó quên trên đất Nhật
14 giờ trướcBài gốc
Tác giả chụp trước tòa nhà thị chính Hokkaido
Trong chương trình đào tạo, có một điều được mọi người nhất mực mong chờ: đi thực tập 2 tuần tại Nhà máy Lọc dầu Tomakomai ở vùng Hokkaido, Nhật Bản. Đây là nhà máy trực thuộc Tập đoàn Idemitsu Kosan, 1 trong 4 bên góp vốn cho Dự án NSRP.
Nước Nhật thì đã quá nổi tiếng với thiên nhiên, ẩm thực, văn hóa, con người, sự kỷ luật cũng như các sản phẩm điện tử. Và trong lớp của chúng tôi, chưa ai một lần được đặt chân lên đất Nhật, thế nên ai cũng háo hức cho chuyến đi này. Quả thực chuyến đi Nhật dù chỉ 2 tuần thôi, nhưng chúng tôi đã trải nghiệm bao điều khó quên hơn cả mong đợi.
Đoàn chúng tôi gồm hơn 24 học viên của lớp MCT1 và MCT2 cùng 2 sếp người Nhật thuộc bộ phận bảo dưỡng và kiểm tra, là ông Kimura và ông Kitano. Xuất phát từ sân bay Nội Bài vào một ngày cuối tháng 6, hạ cánh xuống sân bay quốc tế Haneda, sau đó chúng tôi bay chuyến nội địa đến Shin-Chitose, rồi di chuyển bằng xe buýt về nhà nghỉ gần Nhà máy Lọc dầu Idemitsu Kosan Hokkaido.
Căn nhà nghỉ đó cho tôi những cảm nhận chân thực đầu tiên về lối sống tối giản của người Nhật. Đó là căn nhà nghỉ có diện tích nhỏ nhất mà tôi từng biết. Đồ đạc trong phòng cơ bản đủ cả, được sắp xếp gọn ghẽ tới mức chỉ cần đặt sai vị trí một món thôi sẽ không còn chỗ cho đồ vật khác lẽ ra cần đặt ở chỗ đó. Mở cửa phòng ra là chỗ để giày và treo quần áo, rồi tới luôn chiếc giường đơn đúng nghĩa chỉ vừa đủ rộng để một người đặt lưng. Cạnh giường là một ô cửa sổ bé xíu nhìn xuống dưới đường. Nhà vệ sinh cũng bé xíu bên trong nhà tắm.
Bữa sáng được phục vụ tại tầng trệt của nhà nghỉ. Đó là những bữa sáng ngon miệng và đẹp mắt với đầy đủ các món ăn Nhật Bản. Món gì cũng nhỏ xíu, xinh xinh đựng trong những chiếc bát, chiếc đĩa nhỏ nhắn để sẵn cho khách lựa chọn. Mọi người trật tự xếp hàng đợi lấy đồ ăn. Thường thì mỗi người chỉ lấy một lượt và ăn hết những gì mình lấy. Ai cũng ý thức giữ trật tự khi ăn uống. Chúng tôi ăn bữa trưa tại nhà máy còn bữa tối thì tự do.
Bữa tối đầu tiên chúng tôi được Idemitsu chiêu đãi rất tưng bừng tại khu nhà tiếp khách của công ty. Taxi đón chúng tôi với các bác tài xế hầu hết là người già. Điều này ban đầu khá lạ lùng với tôi, có lẽ có một sự phân công lao động nào đấy phù hợp với từng độ tuổi ở Nhật Bản. Tôi cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng trong văn hóa của người Nhật ngay từ những điều nhỏ nhất. Họ rất lịch sự, lời cảm ơn như một câu cửa miệng, được sử dụng trong mọi hoàn cảnh. Khi nhận được lời cảm ơn và khi nói lời cảm ơn, tôi thấy sao mình nhẹ nhàng lắm và lan tỏa một niềm vui, niềm cảm mến dễ chịu với người đối diện.
Khu nhà ăn của Idemitsu là một dãy bàn dài bằng gỗ, mọi người ngồi trên những miếng đệm được đặt thành dãy trên sàn nhà. Các món ăn được lần lượt mang ra, với rất nhiều món đặc trưng và ngon miệng của Nhật Bản như sushi, sashimi, tempura, tonkatsu, súp miso, mì udon, rượu sake và rượu sochu. Các bác người Nhật đón tiếp rất nhiệt tình, cạn hết chén này tới chén khác, nhưng vẫn không quên nhắc nhở mọi người sáng hôm sau có mặt đúng giờ để vào nhà máy. “Đúng giờ” ở đây nghĩa là cần tới trước giờ khởi hành 10 phút. Có một chuyến xe buýt dành riêng cho việc đưa đón chúng tôi. Sáng hôm sau, một số người ra xe trễ 5 phút liền bị nhắc nhở ngay.
Nhà máy Lọc dầu Hokkaido
Chúng tôi thực tập tại một nhà máy lọc dầu quy mô vừa với công suất 150 nghìn thùng/ngày. So với NSRP, công suất 200 nghìn thùng/ngày thì Nhà máy Lọc dầu Hokkaido được xây dựng từ năm 1973 cũng là tương đối lớn. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là để vận hành nhà máy, toàn bộ công nhân viên chưa tới 300 người (tôi nhớ đâu đó là 285 người). Phải tận mắt chứng kiến sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban, nhà thầu và mức độ tự động hóa của các khâu trong nhà máy mới thấy được vì sao họ làm được như vậy, đạt được sự tối ưu về mặt con người như thế. Sự tối ưu trong tổ chức công ty và phối hợp giữa phòng ban với nhà thầu là một bài học trong chương trình đào tạo của chúng tôi.
Trong đợt học này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến quá trình tự động hóa của hệ thống robot hoạt động trong nhà kho của nhà máy. Cả khu nhà kho rộng lớn mà chỉ có 2 người vận hành. Muốn lấy đồ gì đó, chỉ cần nhập mã thiết bị, robot sẽ tới đúng vị trí lấy hàng rồi đưa ra bàn giao đồ cho người nhận. Ở đây nhà máy dùng mô hình thuê lao động ngoài khi tiến hành các đợt bảo dưỡng. Các nhà thầu họp tiến độ ngày 2 lần vào mỗi buổi sáng, chiều. Công việc tiến hành không có gì hiện đại, nhưng phối hợp giữa các khâu gần như là tối ưu, trong đó công tác an toàn được đặc biệt coi trọng và đặt lên hàng đầu.
Khi chúng tôi đi lại trong nhà máy, khi sang đường đều phải nhìn bên phải, nhìn bên trái, chỉ tay và nói to để nhắc đã đủ điều kiện an toàn, khi đó mới bước sang đường. Đây là thủ tục an toàn nghề nghiệp bắt buộc gọi là “point and call” hay “shisa kanko”, cách người Nhật giảm thiểu rủi ro và tai nạn. Thế nhưng nhà máy này cũng đã bị cháy lớn một lần ở các bồn chứa sản phẩm xăng dầu, do ảnh hưởng bởi hậu quả của trận động đất lớn năm 2003, khiến 29 bồn bể bị hư hại. Chúng tôi cũng được trải nghiệm “đặc sản” trong thời gian thực tập tại đây. Khi đã ngờ ngợ nhận ra sự rung lắc nhất định, thầy giáo mới bình thản bảo “động đất đấy”, như giới thiệu một “món ăn truyền thống” của Nhật Bản.
Phòng học của chúng tôi nằm ở tầng hai, bên góc phải nối liền hành lang dẫn vào khu nhà ăn dưới tầng một. Chúng tôi được mượn bộ bảo hộ lao động của nhà máy và thay trong phòng thay đồ mỗi khi vào khu sản xuất. Còn khi học mặc quần âu, áo sơ-mi sơ vin chỉnh tề. Đồ bảo hộ của nhà máy không được mặc ra ngoài, đó là quy định chung của công ty. Vì đồ bảo hộ mang tên và logo công ty, liên quan trực tiếp tới uy tín và danh dự của công ty nên chỉ được mặc tại công ty. Ai đó mà mang đồ này khi đi ăn nhậu thì phạm lỗi rất lớn, đó là “làm mất hình ảnh công ty”.
Người lao động ở đây gắn bó với một công ty gần như trọn đời, thế nên công ty với họ không khác gì một gia đình và họ ý thức giữ gìn danh dự và truyền thống của “gia đình” mình. Chính ý thức và sự gắn bó đó tạo nên văn hóa trong công ty và sự cống hiến trong công việc. Có ai mà không muốn tận sức làm cho ngôi nhà của chính mình ngày một tươi đẹp và phát triển.
Bài học đầu tiên chúng tôi được dạy là phân biệt phong cách làm việc giữa phương Tây và Nhật Bản. Mọi người không đổ lỗi cho nhau, mà khi có vấn đề gì xảy ra sẽ xúm lại, cùng nhau tìm hướng xử lý. Đó là nguyên tắc căn bản trong công việc của người Nhật, cùng hướng tới xử lý vấn đề.
Trong 2 tuần ngắn ngủi đó, chương trình học được thiết kế rất bài bản và tỉ mỉ, có hẳn một cuốn giáo trình chi chít chữ được in màu, dành riêng cho lớp MCT. Giảng viên là các chuyên gia bộ môn của Idemisu trong khắp nước Nhật được cử tới dạy, hầu hết đến từ Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật và Công nghệ đặt tại nhà máy của Idemitsu ở Chiba. Họ nói tiếng Anh rất giỏi, chuẩn giọng Mỹ, điều này khiến tôi khá ngạc nhiên. Nhưng sau khi nghe các thầy giới thiệu thì tôi đã vỡ lẽ ra, bởi những người được tuyển chọn vào công ty sau đó đều được cử sang Mỹ làm việc tại các công ty đối tác một thời gian, nên tiếng Anh của họ rất tốt. Có thể nói công tác đảm bảo chất lượng nhân sự được công ty quan tâm hết sức, thấu hiểu người lao động là tài sản quý giá nhất của công ty, nên họ ra sức giữ gìn và đào tạo.
Bài học đầu tiên chúng tôi được dạy là phân biệt phong cách làm việc giữa phương Tây và Nhật Bản, là Brick style và Stone style. Với Brick style, hình tượng là các hàng gạch được xếp lớp rõ ràng, có trên có dưới, ghi rõ trách nhiệm của từng vị trí, việc của ai người đó làm và chịu trách nhiệm. Còn Stone style minh họa bằng các hòn đá lớn, nhỏ xếp xen kẽ tạo thành một khối lớn không có khoảng trống, không có góc cạnh, đấy là phong cách của người Nhật. Mọi người không đổ lỗi cho nhau, mà khi có vấn đề gì xảy ra sẽ xúm lại, cùng nhau tìm hướng xử lý. Đó là nguyên tắc căn bản trong công việc, cùng hướng tới xử lý vấn đề.
Tác giả tại Nhà máy bia Sapporo
Trong chương trình học, chúng tôi được đi tham quan Nhà máy thép Kobe, xem quy trình cán luyện thép chế tạo thiết bị cơ khí siêu lớn. Đường chúng tôi đi rải nhựa phẳng lì, các trạm soát vé hoàn toàn tự động. Cuối tuần đầu tiên ở Nhật Bản, chúng tôi được tự do đi tàu lên thành phố Sapporo, thủ phủ tỉnh Hokkaido. Từ trên đài cao, tôi quan sát thấy một thành phố lớn, kiến trúc thật đẹp và quy củ. Tôi cũng dạo bước vào Đại học Hokkaido, để xem nơi đào tạo ra những con người tri thức, những nguồn lực cho đất nước Nhật xinh đẹp. Tôi thấy xanh mát từng con đường, từng khu nhà. Chúng tôi hỏi thăm các bạn sinh viên đường tới khoa Kỹ thuật, được các bạn cởi mở và tận tình dẫn đường. Tôi cảm nhận được một cấu trúc xã hội thân thiện và hiệu quả được tổ chức với nền tảng văn hóa sâu đậm. Vâng, chính mạch nguồn văn hóa đã tạo nên con người, tôi tin là như vậy.
Rồi cũng nhanh chóng đã hết 2 tuần, chúng tôi bay lên Tokyo để trở về Việt Nam. Chúng tôi nghỉ một đêm ở khách sạn gần sân bay Haneda rồi sau đó bay trở về. Chuyến đi tới Nhật Bản dù ngắn ngủi, nhưng để lại trong mỗi người chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người nơi đây.
Tôi cảm nhận được một cấu trúc xã hội thân thiện và hiệu quả được tổ chức với nền tảng văn hóa sâu đậm. Vâng, chính mạch nguồn văn hóa đã tạo nên con người, tôi tin là như vậy.
Bút ký của Lê Ngọc Sơn
Nguồn PetroTimes : https://petrovietnam.petrotimes.vn/nhung-bai-hoc-kho-quen-tren-dat-nhat-720537.html