Đặt ra giới hạn chịu lỗ và dứt khoát cắt lỗ khi chạm ngưỡng rủi ro là bài học nhà đầu tư nào cũng cần rèn luyện
Không dám cắt lỗ
Một ngày đầu tháng Chạp, khi thị trường chứng khoán liên tục nhuộm đỏ, trong một group về đầu tư chứng khoán trên mạng xã hội Facebook, một thành viên đã chia sẻ danh mục của mình với tâm trạng hoang mang: “Em đã biết mình sai khi mua quá nhiều mã, nhưng mua thì đã mua rồi, giờ em chỉ muốn cơ cấu lại danh mục và giữ lại một, hai mã dài hạn”.
Danh mục của nhà đầu tư này có 7 cổ phiếu thì cả 7 mã đều đang trong tình trạng thua lỗ, mã lỗ nhẹ nhất là hơn 2%, mã lỗ nặng nhất xấp xỉ 17%.
Nhiều thành viên tham gia group này đồng cảm với nhà đầu tư trên, bởi đang ôm danh mục hàng chục mã, mà mã nào cũng lỗ. Song, cũng không ít người phải “kêu trời” vì cách nhiều chứng sỹ “đốt tiền”.
“Khi mua các bạn không đặt “stoploss” (lệnh dừng lỗ) hả trời? Khuyên thật các bạn, khi chưa biết gì về thị trường chứng khoán thì hãy tìm những người có kinh nghiệm, họ sẽ chỉ cho cách đầu tư và cắt lỗ đúng lúc”, một nhà đầu tư bày tỏ.
Ở một trường hợp khác, danh mục của nhà đầu tư này chỉ có duy nhất một cổ phiếu chứng khoán họ V, đang đang âm gần 39% nhưng cũng không nỡ cắt. Như vậy, dù là danh mục có một hay cả chục cổ phiếu thì điểm chung của những nhà đầu tư này chính là việc không dám cắt lỗ, chấp nhận để lỗ chồng lỗ.
Năm 2024, dù chỉ số chung tăng hơn 12%, nhưng có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Bên cạnh một số nhóm cổ phiếu ghi nhận đà tăng ấn tượng như công nghệ, ngân hàng thì nhiều cổ phiếu, nhóm cổ phiếu lại ghi nhận mức giảm mạnh. Những nhà đầu tư trót mua những cổ phiếu này càng cầm càng lỗ.
Anh Khang T., một nhà đầu tư có kinh nghiệm khuyên rằng, rất nhiều người gặp phải đấu tranh tâm lý trước ngưỡng cắt lỗ, nhưng mọi người cần nắm được hai tác dụng quan trọng của việc cắt lỗ để can đảm đặt lệnh. Một là ngăn ngừa rủi ro cho tài khoản trong trường hợp cổ phiếu tiếp tục giảm ở những phiên sau do xu hướng giá và dòng tiền quá yếu. Hai là thu hồi và bảo toàn lượng tiền mặt để chờ giải ngân cho một cơ hội khác với cửa thắng cao hơn.
Câu chuyện của Phong là một ví dụ. Năm 2023, anh nghe ngóng được thông tin cổ phiếu penny T sắp có game thâu tóm, nên rót hơn 50 triệu đồng để mua 10.000 cổ phiếu, muốn đợi giá cổ phiếu tăng 2 - 3 lần rồi bán. Nhưng diễn biến thị trường đã không như mong đợi của anh, chẳng những không tăng mà cổ phiếu T cắm đầu đi xuống trước tin xấu. Phong cắt lỗ khi thị giá giảm 25% và quay sang mua một cổ phiếu công nghệ - đang ở vùng giá cao nhưng được thị trường đánh giá tốt. Điều mà anh không ngờ là chỉ sau một năm, cổ phiếu này đã tăng giá gấp đôi so với lúc mua. Đến nay, Phong vẫn chưa bán với niềm tin doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt trong tương lai. Đặt ra giới hạn chịu lỗ và dứt khoát cắt lỗ khi chạm ngưỡng rủi ro có lẽ là bài học tâm lý mà nhà đầu tư nào cũng cần rèn luyện.
Thích ứng với vĩ mô
Khi tham gia thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư chỉ mải miết tìm kiếm cổ phiếu có chỉ số tài chính tốt, hay thông tin hỗ trợ như có dự án mới, “game” thâu tóm, đổi chủ… mà ít quan tâm đến bức tranh kinh tế vĩ mô. Họ quên đi một điều, thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, sự biến động trên thị trường chứng khoán thường đi trước các thay đổi thực tế của nền kinh tế, phản ánh cả niềm tin lẫn lo ngại của nhà đầu tư. Do vậy, việc nắm bắt thông tin kinh tế vĩ mô luôn là điều cần thiết với nhà đầu tư tài chính.
Trong một buổi hội thảo về đầu tư chứng khoán, một nhà đầu tư đứng lên chia sẻ về quan điểm của mình khiến cả hội trường phải bật cười. Anh cho biết, giai đoạn nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới, anh rất tích cực theo dõi mạng xã hội X (trước đây là Twitter) và cập nhật thông tin về ông Trump - ứng viên nặng ký cho chiếc ghế Tổng thống - hằng ngày để phục vụ cho việc lướt sóng cổ phiếu.
“Tôi luôn theo dõi những bài đăng về ông Trump, phân tích tác động từ biến động trên chính trường Mỹ tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có nước mình ra sao. Ông Trump có cá tính chính trị khá khác thường, ông thường đẩy lợi ích của Mỹ lên cao, có nghĩa với chính sách làm nước Mỹ vĩ đại hơn thì các nước còn lại phải ở đằng sau hết”, anh chia sẻ.
Thực tế, cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11/2024 đã thu hút sự quan tâm của truyền thông toàn cầu. Tại thời điểm đó, các công ty chứng khoán, tổ chức tư vấn đầu tư đã liên tục chỉ ra sự ảnh hưởng đến các nhóm ngành khi một trong hai ứng cử viên trở thành Tổng thống. Sau khi kết quả bầu cử được tuyên bố, với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump, nhiều cổ phiếu trong nhóm bất động sản khu công nghiệp, gỗ, dệt may... được dòng tiền tìm đến. Theo đó, nhiều nhà đầu tư lãi lớn nhờ mua đúng cổ phiếu, đúng thời điểm.
Rõ ràng, việc nắm bắt các biến số vĩ mô không chỉ giúp nhà đầu tư xác định được xu hướng dài hạn, mà còn không bỏ lỡ các cơ hội trong ngắn hạn, từ đó giảm thiểu được rủi ro từ các biến động bất ngờ của thị trường, tạo hiệu suất tốt nhất cho danh mục. Trong việc lựa chọn doanh nghiệp đồng hành, hiểu về vĩ mô sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá được bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp, từ đó lựa chọn được cổ phiếu đi đúng chu kỳ và có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Kiên định với chiến lược đầu tư
Thị trường chứng khoán là thị trường tài chính bậc cao, đòi hỏi người tham gia phải có kiến thức sâu và rộng, khả năng phân tích, có chiến lược và tính kỷ luật trong đầu tư... Dẫu vậy, rất nhiều nhà đầu tư không xác định được cho mình một phương pháp đầu tư phù hợp, nên khi xảy ra biến động thì tâm lý bối rối, dễ dẫn đến những quyết định sai lầm.
Nhà đầu tư K.Hồng tham gia thị trường chứng khoán từ ba năm nay. Thời gian trước, chị lựa hai mã cổ phiếu (ngân hàng và phân bón) xác định sẽ gắn bó lâu dài, có thể tính bằng năm. Hiện hai cổ phiếu này vẫn được nhiều tổ chức tin tưởng có thể cầm dài hạn nhờ ba yếu tố: định giá rẻ, hoạt động kinh doanh tăng trưởng và tỷ suất cổ tức hấp dẫn. Tuy nhiên, chị Hồng rất thích xem bảng điện. Hàng ngày, chị theo dõi bảng giá, mở tài khoản ra xem biến động của giá trị danh mục đầu tư. Có những phiên thị trường chung mất đến mười mấy, hai mấy điểm, hầu hết cổ phiếu đều đóng cửa trong sắc đỏ, bao gồm cả các mã mà chị Hồng đầu tư. Mỗi lần như vậy, chị lại thấp thỏm, lung lay quyết tâm nắm giữ dài hạn.
Không giống chị Hồng, nhà đầu tư M.Ngọc lại có tư duy khác: “Cá nhân mình không quá quan tâm đến chỉ số VN-Index. Mình xác định đầu tư là dài hạn, ở lâu với thị trường và được làm cổ đông lâu dài với doanh nghiệp mình yêu thích”.
Chứng kiến hai tâm thế trái ngược này, bất giác người viết nhớ đến câu chuyện do một môi giới chứng khoán chia sẻ. Năm 2018, một bác trai đến phòng giao dịch của công ty chứng khoán mà môi giới trên đang làm việc, đặt gần 60 triệu mua 4 mã cổ phiếu. Cuối năm 2024, người này đến kiểm tra danh mục và bán cổ phiếu, tài khoản của ông khiến tất cả những người có mặt phải ngỡ ngàng vì giá lên tới gần 400 triệu đồng. Bởi tâm lý vững vàng, kiên định với quyết định ban đầu mà nhà đầu tư này đã hưởng thành quả ngọt ngào.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) chia sẻ rằng, bản chất thị trường chứng khoán là thị trường vốn, cung cấp vốn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp lấy vốn đi đầu tư, tạo ra giá trị cho cổ đông và những người liên quan. Do vậy, tư duy của ông Trung là đầu tư dài hạn và có 2 yếu tố quyết định cổ phiếu có thể đầu tư hay không: Thứ nhất là yếu tố mang tính khoa học, gồm tình hình tài chính; định giá (P/B, P/E); thứ hai là yếu tố “nghệ thuật”, gồm ban lãnh đạo có giỏi, có tâm huyết phát triển doanh nghiệp hay không, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp có tăng trưởng trong tương lai không.
“Xác định cổ phiếu tốt hay xấu, nên bám vào phương pháp này. Nếu tìm được cổ phiếu tốt thì dù trong giai đoạn thị trường chung gặp khó khăn, cổ phiếu vẫn đi lên được”, ông Trung nói.
Kiều Trang